Philippines có cơ sở để cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:40, 26/07/2021

Baoquocte.vn. Một Hiệp ước với Mỹ, một sự "đồng lòng" phản đối Trung Quốc ở Biển Đông của đông đảo các quốc gia trong và ngoài khu vực, thái độ ngày càng khiêu khích từ Bắc Kinh,... là những cơ sở để Philippines cứng rắn hơn trong cách hành xử với Trung Quốc tại Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông: Philippines đang thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc
Một số tàu Trung Quốc neo đậu tại Biển Đông. (Nguồn: Nzherald.co.nz)

Không còn "âm thầm", sẵn sàng đối đầu

Một tàu tuần tra của Philippines đã sẵn sàng đối đầu với một tàu chiến của Trung Quốc - con tàu đang tìm cách xâm nhập lãnh thổ Phippines.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) cho biết, tàu tuần tra BRB Cabra khi đang thực hiện nhiệm vụ tại Bãi Cỏ rong, Biển Đông đã phát hiện một tàu thăm dò của hải quân Trung Quốc di chuyển trong khu vực.

Vụ việc diễn ra chỉ 1 ngày trước dịp kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye ra phán quyết về Biển Đông theo hướng ủng hộ các quyền của Manila ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Manila đã chờ hơn một tuần sau mới công bố vụ việc. Người phát ngôn của PCG cho biết, “tàu hải quân” treo cờ Trung Quốc, thân tàu có số hiệu 189 “và những ký tự bằng tiếng Trung”, “tàu PCG đã phải tiếp cận để đánh giá chính xác hoạt động của tàu hải quân này trong vùng biển của Philippines”.

Tàu Trung Quốc được cho là vẫn tiếp tục hành trình, duy trì tốc độ và tắt radio, buộc tàu Philippines phải tiếp cận đủ gần để thông báo qua loa phóng thanh. Chỉ đến lúc này tàu Trung Quốc mới chịu thay đổi lộ trình và rời đi dưới sự giám sát chặt chẽ của tàu Philippines.

Dù đây chỉ là hành động thông thường của tàu bảo vệ bờ biển khi tuần tra tại vùng biển quốc gia, song những diễn biến này đã đánh dấu một thay đổi đáng kể trong chính sách và cách hành xử của chính quyền Manila.

Trong những năm gần đây, Manila thường xuyên tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các vụ xâm nhập cũng như những khẳng định chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, thay vào đó âm thầm nỗ lực thiết lập đường biên giới và những hiểu biết chung. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn đó có lẽ đã đến giới hạn.

Sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế

Sau 25 năm đàm phán, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn chưa thể đạt được. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ chĩa "mũi dùi" vào các hành động mà Mỹ và đồng minh đang thực hiện nhằm duy trì và khẳng định các quyền quốc tế đã có từ lâu.

Những quốc gia như Australia, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, và Đức cũng tham gia cùng Mỹ trong việc gây áp lực yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các nguyên tắc quốc tế và hạn chế những hành vi phi pháp tại Biển Đông.

Trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thường tỏ ra nghi ngờ tương lai của một trong những hiệp ước phòng thủ quan trọng của quốc gia này là Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA) ký với Mỹ.

Thế nhưng, tương lai của VFA dường như đã được đảm bảo. Ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo sẽ sửa đổi VFA, thay vì hủy bỏ, do các hành vi khiêu khích liên tục của Trung Quốc.

Ông Delfin Lorenzana nhấn mạnh: “VFA sẽ không thay đổi. Văn bản này sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, sẽ có một số phụ lục và thỏa thuận phụ để thực hiện VFA”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Manila vào tuần tới trong khuôn khổ chuyến thăm Đông Nam Á. Trong một tuyên bố, ông Austin cho biết, trong chuyến đi này, ông dự định nhấn mạnh quyền tự do trên biển và đẩy lùi "các tuyên bố vô ích và vô căn cứ" của Bắc Kinh.

Mới đậy các ngư dân Philippines cố gắng tiếp cận Bãi cạn Scarborough ngoài khơi hòn đảo chính phía Bắc của nước này đã phát hiện một vật thể lạ trôi nổi trên biển và nhanh chóng bàn giao cho hải quân Philippines.

Thiết bị màu đỏ, hình củ ấu, với các ký tự Trung Quốc là một phao cảm biến được sử dụng để tìm kiếm dầu khí dưới biển. Giáo sư Jay Batongbacal, làm việc tại Đại học Philippines, cho rằng, việc phát hiện một thiết bị cảm biến nằm sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines là một điều đáng lo ngại. Ông nói: “Việc lắp đặt thiết bị này, ngay cả với mục đích lành mạnh như khảo sát đáy biển, cũng nên có được sự đồng ý trước của Philippines... Thiết bị được cài trong phạm vi EEZ và nó có thể được sử dụng để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, vì vậy Philippines có quyền từ chối”.

Các nhà phân tích an ninh Philippines nghi ngờ thiết bị cảm biến này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành các cuộc khảo sát tài nguyên vi phạm chủ quyền của Manila.

Phản ứng về việc này, Bắc Kinh một mặt khăng khăng nói rằng thông qua thiết bị cảm biến trên, họ đang "trao đổi với các nước láng giềng", mặt khác liên tục bác bỏ những cáo buộc của Philippines.

Hiền Thu