Đừng vì sĩ diện mà khiến con trẻ tổn thương, khi làm sai cha mẹ hãy học cách xin lỗi trẻ sao cho đúng

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:00, 25/07/2021

Cha mẹ luôn dạy con rằng khi làm sai con cần xin lỗi ông/bà, cha/mẹ, anh chị em, bạn bè…. Tuy nhiên khi cha mẹ mắc lỗi thì lại có xu hướng né tránh và coi nhẹ việc xin lỗi trẻ, khiến trẻ bị tổn thương, lâu dần sẽ gieo mầm cho tính cách xấu của trẻ sau này.

Sau bữa tối, chị Ngân đang làm việc trong phòng, cậu con trai 4 tuổi thì chơi ngoài phòng khách. Đột nhiên muốn ăn táo, chị nói với con: "Con ơi, rửa quả táo cho mẹ nhé?" - "Vâng ạ.” Cậu bé đáp lại một cách vui vẻ.

Con trai chị lấy một quả táo vào bếp để rửa. Đúng lúc chồng chị Ngân đi làm thêm về, vừa mở cửa bước vào nhà thấy con đang đứng trên ghế đẩu có vòi nước chảy, liền quát lớn: “Con lại nghịch nước à? Không được nghịch nước, bố đã nói bao nhiêu lần rồi, sao con không biết nghe lời hả?"

Bị bố mắng cậu bé liền òa khóc. Chị Ngân an ủi con rồi kéo chồng vào phòng, giải thích tình huống. Chồng chị biết mình hiểu nhầm, đã nhận ra lỗi của bản thân nhưng vì xấu hổ nên anh không muốn xin lỗi con. 

Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ đã gặp trường hợp tương tự chưa? Cha mẹ biết mình sai nhưng rất khó để xin lỗi trẻ vì sĩ diện hoặc cảm thấy không cần thiết phải xin lỗi trẻ. Trên thực tế, xin lỗi con không những không làm hỏng sự uy nghiêm của bậc làm cha làm mẹ mà còn nêu gương tốt cho con cái.

Cha mẹ nào cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, trên con đường nuôi dạy con cái chúng ta không thể tránh khỏi sai sót. Không có cha mẹ nào là không mắc lỗi cả, mắc lỗi cũng không có gì là ghê gớm, điều khủng khiếp là biết mình sai nhưng lại không muốn nhận lỗi với con cái.

Tại sao phải xin lỗi trẻ?

1. Trước hết, trẻ em là một cá thể độc lập ngay từ khi sinh ra, ai cũng có nhu cầu được tôn trọng, trẻ em cũng vậy. Khi chúng ta vô tình làm điều gì sai trái và làm tổn thương trẻ, chắc chắn lòng trẻ lúc này sẽ rất khó chịu và không hài lòng với cha mẹ. Khi cha mẹ xin lỗi, chúng ta có thể sửa chữa mối quan hệ với đứa trẻ và xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tốt hơn.

Đừng vì sĩ diện mà khiến con trẻ tổn thương, khi làm sai cha mẹ hãy học cách xin lỗi trẻ sao cho đúng-1


2. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Lời nói và việc làm của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Cha mẹ làm sai và chủ động nhận lỗi là thể hiện có trách nhiệm với hành động của mình và có thể làm gương tốt cho con cái.

3.  Khi cha mẹ xin lỗi chính là cơ hội để cho cha mẹ dạy trẻ biết điều gì đúng và điều gì sai, việc này có thể giúp trẻ hình thành quan điểm đúng đắn về đúng- sai.


Ngược lại, nếu chúng ta làm điều gì sai trái mà không xin lỗi, đứa trẻ không chỉ cảm thấy mình bị khó chịu trong lòng, nó có thể còn tạo ra sự xa cách, làm tổn hại đến hình ảnh của chúng ta trong lòng đứa trẻ. Chúng sẽ cảm thấy cha mẹ “nói một đằng làm một nẻo”, việc xin lỗi khi làm sai là điều không cần thiết. Đồng thời, dưới ảnh hưởng của cha mẹ, trẻ không nhận thấy việc làm của mình là sai và không biết nói lời xin lỗi.


Một số lỗi cần tránh khi xin lỗi

Sau lời khuyên lơn của chị Ngân, cuối cùng chồng chị cũng đồng ý xin lỗi con. Anh nói với con trai: “Con trai, bố xin lỗi vì đã trách nhầm con. Nhưng, nếu con không thích nghịch nước, bố đã không hiểu lầm con". Khi nghe những lời này thằng bé không hề thấy vui mà còn cảm thấy buồn hơn.

Cha mẹ có thấy câu xin lỗi này nghe có phần quen quen không? Đây cũng là một lỗi mà nhiều bậc cha mẹ mắc phải khi xin lỗi con.

Đừng vì sĩ diện mà khiến con trẻ tổn thương, khi làm sai cha mẹ hãy học cách xin lỗi trẻ sao cho đúng-2

Một lời xin lỗi như vậy có gì sai? Nếu ai đó làn điều sai với cha mẹ, khi xin lỗi người ta cũng nói: “Nhưng nếu không phải vì những gì bạn đã làm trước đây khiến mọi người không tin tưởng, tôi sẽ không sai khi đổ lỗi cho bạn”, bạn sẽ cảm thấy lời xin lỗi đó như thế nào? Cảm giác như bên kia đang đổ lỗi ngược lại cho bạn? Với lời xin lỗi như vậy, người được xin lỗi không hề nhận thấy được sự chân thành từ phía kia. 

Xin lỗi mà sử dụng từ "nhưng", chúng ta cần tránh mắc sai lầm khi nói lời xin lỗi kiểu như vậy, giống như người đi xin lỗi đang trốn tránh trách nhiệm của mình. 

Nói "Tôi xin lỗi" mà không giải thích lý do cũng là một sai lầm phổ biến. Với kiểu xin lỗi này, việc không nhận được sự tha thứ của đối phương là khả năng cao, không đủ để khiến đối phương nguôn giận. Tình huống như vậy không hiếm gặp trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn sau khi mẹ xin lỗi con mà con vẫn không hài lòng, một số bà mẹ sẽ nói: “Mẹ xin lỗi con rồi, giờ con còn muốn gì nữa?”. Cha mẹ sử dụng kiểu xin lỗi như vậy sẽ không có nhiều tác dụng.

Do đó, nếu cha mẹ làm điều gì sai, chúng ta cần học cách xin lỗi làm sao cho đúng!

Trước hết, chúng ta phải nói rõ rằng việc xin lỗi trẻ em là xuất phát từ trái tim chứ không phải trốn tránh trách nhiệm.

Thứ hai, chúng ta phải chân thành khi xin lỗi.

Lấy ví dụ như trường hợp người cha đổ lỗi cho con nghịch nước, người cha có thể nói với con như sau: "Bố xin lỗi, bố không hiểu ra rằng con đang rửa táo cho mẹ. Vì vậy đã la mắng con. Đó là lỗi của bố. Hãy tha thứ cho bố nhé!"

Nếu cha mẹ xin lỗi mà trẻ vẫn không tha thứ, đừng lo lắng, hãy cho trẻ một khoảng thời gian để suy nghĩ. Đừng chỉ xin lỗi và mong đợi con có thể chấp nhận ngay lập tức.

Đừng vì sĩ diện mà khiến con trẻ tổn thương, khi làm sai cha mẹ hãy học cách xin lỗi trẻ sao cho đúng-3

Lời xin lỗi là biểu hiện của việc chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân, tha thứ hay không là việc của trẻ, điều quan trọng là cha mẹ cần thể hiện lời xin lỗi một cách chân thành.

Khi xin lỗi, cha mẹ cũng có thể nói về lý do của tình huống này và cảm giác của bản thân. Ví dụ, khi người bố hiểu lầm con nghịch nước, bố có thể nói với con: "Bố tức giận mà không hiểu rõ sự việc. Đó là lỗi của bố. Vừa rồi bố lo lắng quá. Bố sợ con bị cảm lạnh nếu con nghịch nước".

Với kiểu xin lỗi này, trẻ không chỉ thấy được một người bố dám nhận lỗi của mình, mà còn hiểu rằng bố vì mình mà lo lắng như vậy, tự nhiên trẻ sẽ hiểu hơn về bố, từ đó nâng cao tình cảm cha mẹ và con cái.

Tất nhiên, khi xin lỗi, cha mẹ nên để ý đến cảm xúc của trẻ thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Ví dụ, cha mẹ có thể nói với con: "Con chắc hẳn cảm thấy mình bị ấm ức phải không?", "Bố mẹ đã hiểu lầm con và con rất buồn, đúng không?"

Tóm lại, để xin lỗi một đứa trẻ, chúng ta phải chân thành và chú ý đến cảm xúc của đối phương thì lời xin lỗi như vậy mới thực sự hiệu quả.

Khi cha mẹ sẵn sàng xin lỗi khi mắc sai lầm, cha mẹ sẽ mở ra một cánh cửa để khôi phục lại các quan hệ gia đình. Không có cha mẹ hoàn hảo trên thế giới. Nếu cha mẹ làm sai, hãy dũng cảm xin lỗi con, điều đó không chỉ giúp con có được mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ - con cái mà còn góp phần vun đắp nên một đứa trẻ biết chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Theo Mộc - VietNamNet