Các nước đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu ra sao để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng?

Xã hội - Ngày đăng : 17:15, 24/07/2021

Danh mục hàng hóa thiết yếu đang được nhiều quốc gia kiểm soát kỹ nhằm tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng, bên cạnh cung cấp nhu cầu cần và đủ cho người dùng để đạt mục tiêu kép khi phòng chống dịch COVID-19.

Vụ việc xe chở tiền ngân hàng qua chốt tại địa bàn huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) bị yêu cầu quay đầu vì 'tiền không phải hàng hóa thiết yếu' hay phương tiện vận chuyển sữa gặp khó khâu cung ứng đang chưa được đối xử công bằng trong bối cảnh cả nước căng mình phòng chống COVID-19.

Trước đó, việc đi mua bánh mì chưa hết ồn ào tại Khánh Hòa bởi không được cho là hàng hóa không thiết yếu, thì vụ việc nhân viên đi giao thuốc theo toa cũng bị làm khó tại chốt kiểm soát tại Bình Dương bởi ra ngoài không thật cần thiết.

Đáng lưu ý, trong ngày đầu tiên Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các phương tiện chở hàng qua thủ đô không thuộc diện ưu tiên đều phải quay đầu, có khả năng khiến hàng hóa ùn ứ, bên cạnh giao thương bị ảnh hưởng.

cac-nuoc-dam-bao-hang-hoa-thiet-yeu-ra-sao-de-tranh-dut-gay-chuoi-cung-ung-1.jpg
Một vài tỉnh thành xứ biển mong muốn bổ sung mặt hàng hải sản như Tôm vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Minh Nguyễn.

Vấn đề ra đường khi có nhu cầu cấp thiết, cũng như bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu hiện đã được nhiều tỉnh thành khơi thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về sự tuyệt đối và tương đối của mặt hàng thiết yếu cần được đồng bộ, điều đó sẽ giúp tránh đứt gãy khâu cung ứng để kiểm soát bệnh dịch COVID-19 tốt hơn.

Tại Anh, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, quốc gia này quy định cửa hàng thiết yếu bao gồm bán lẻ kinh doanh thực phẩm, siêu thị, cửa hàng kim khí, bán lẻ trong các tòa nhà, trạm dịch vụ đường cao tốc.

Những cửa hàng kinh doanh xăng dầu, sửa chữa ô tô và dịch vụ GTVT, cửa hàng xe đạp, taxi và các doanh nghiệp cho thuê phương tiện đi lại cũng được liệt vào những dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh đó, lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức xã hội, bưu điện, nhà cung cấp dịch vụ cho vay và doanh nghiệp ngành nghề chuyển tiền cũng được cho là thiết yếu.

Cùng với những ngành nghề này, các dịch vụ y tế như nha sĩ, bác sĩ nhãn khoa và hiệu thuốc, cửa hàng thú y và thú cưng, nhà cung cấp nông sản, tang lễ, tiệm giặt ủi, trung tâm làm vườn đều thiết yếu nhằm cung cấp cần thiết nhu cầu cho người dân yên tâm ở nhà phòng chống COVID-19.

Tại Scotland và Bắc Ireland, trung tâm làm vườn và cửa hàng đồ gia dụng không được coi là thiết yếu và tạm dừng hoạt động.

cac-nuoc-dam-bao-hang-hoa-thiet-yeu-ra-sao-de-tranh-dut-gay-chuoi-cung-ung.jpg
Hàng hóa thiết yếu cần được cái nhìn tương đối và mở rộng cho nhiều đối tượng. Ảnh: BBC.

Xứ Wales, các trung tâm làm vườn, cửa hàng đồ gia dụng, chợ và trung tâm mua sắm tạm dừng hoạt động. Các cửa hàng bán lẻ hàng thiết yếu phải thông báo về việc hạn chế số lượng người vào mua sắm, bên cạnh bố trí lối đi bán các mặt hàng không thiết yếu.

Cùng với việc cung ứng đến người dân những dịch vụ và mặt hàng được đánh giá là thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày, một số quốc gia cũng đưa danh mục có thể lựa chọn có hoặc không để người dân căn cứ vào đó cho nhu cầu thật sự cần thiết để đi ra ngoài của mình.

Các cửa hàng này bao gồm cửa hàng quần áo,  đồ gia dụng và nội thất, cửa hàng điện tử và điện thoại di động, cửa hàng xe, cửa hàng hàng may mặc, cửa hàng thuốc lá và những cửa hàng bán danh mục ngoài hàng hóa thiết yếu.

Mặc dù định nghĩa về việc hàng hóa thiết yếu cũng như ra ngoài với lý do chính đáng, nhiều quốc gia vẫn xem khâu "làn xanh" luôn là tiên quyết để tránh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.

Singapore được xem là một gương sáng khi ưu tiên đàm phán các làn xanh "green line/travel bubble" trong việc hỗ trợ việc giao thương thiết yếu với các quốc gia khác nhằm đảm bảo dịch vụ thiết yếu không bị ngưng trệ.

Tùy theo từng quốc gia và tình hình phát triển, danh mục hàng hóa thiết yếu có thể khác nhau. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng đến từng hộ gia đình luôn được chú trọng không bị ảnh hưởng để người dân yên tâm khi ở nhà.

Rất nhiều quốc gia chọn phương án ứng dụng công nghệ vào điều hành, học trực tuyến, mua bán hàng hóa... để giảm áp lực cho việc đi ra ngoài khi không thật cần thiết. Song song đó, phần cứu trợ trực tiếp người dân, phần cứu trợ doanh nghiệp, phần chuyển đổi toàn diện nền kinh tế số cũng được xem trọng để vừa phòng chống dịch và đạt mục tiêu phát triển.

Tại Việt Nam, danh mục hàng hóa thiết yếu được nhiều tỉnh/thành quy định bằng văn bản để khai thông và phòng chống dịch COVID-19 tốt hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thật sự đồng bộ, một phần khiến hàng hóa bị ùn ứ và tắc nghẽn.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, để hàng hóa lưu thông bình thường trở lại, cần cho mở cửa trở lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối, ưu tiên cho các xe chở hàng hóa thiết yếu, đặc biệt cần có sự thống nhất trong điều hành ở các địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi một quy định.

Võ Thanh Bình (tổng hợp)