Công an TPHCM: Vừa chống dịch vừa đảm bảo ANTT trong thời gian giãn cách
Pháp luật - Ngày đăng : 11:02, 24/07/2021
Xử phạt gần 5.000 trường hợp
Chiều 23-7, CATP cho biết đã sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về công tác phòng chống (PC) dịch trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBNDTP về siết chặt các giải pháp PC dịch, lực lượng CATP, CA 21 quận huyện và TP.Thủ Đức đã phối hợp với UBND quận huyện, TP.Thủ Đức tổ chức các đội tuần tra, thành lập chốt KS tại các khu phố, những tuyến đường trọng điểm, giám sát 24/24 để giải tán các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm công tác PC dịch. Đặc biệt, tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp người dân ra khỏi nhà không có lý do chính đáng.
Công an TPHCM cũng thành lập 12 chốt, trạm kiểm soát PC dịch Covid-19 ở các cửa ngõ ra vào TPHCM và ngày 13-7 đã điều chỉnh phương pháp kiểm tra, KS về thực hiện Chỉ thị 16 tại các chốt, trạm trong nội ô TP. Theo đó, các chốt, trạm KS trong nội ô sẽ chuyển từ hoạt động kiểm tra (KT), KS cố định tại các chốt, trạm sang tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS), KT lưu động trong phạm vi và các tuyến đường xung quanh các chốt, trạm trên địa bàn của từng quận, huyện. Khi không tuần tra, KS lưu động, các lực lượng sẽ tiếp tục KT, KS tại các chốt cố định trong nội ô TP theo phương pháp KT ngẫu nhiên đối với các trường hợp có căn cứ, dấu hiệu vi phạm quy định giãn cách xã hội.
Trong 15 ngày, CATP đã huy động 13.853 cán bộ chiến sĩ (CBCS) tham gia PC dịch; trong đó lực lượng tăng cường của Bộ CA là 786 CBCS và 794 sinh viên các trường Công an nhân dân trên địa bàn TP. Thành phố cũng đã điều động 832 CBCS các đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP tăng cường cho CA các địa phương trong công tác (ANTT) và PC dịch trên địa bàn.
Công an TPHCM đã tổng KS hơn 1,4 triệu lượt phương tiện các loại, KT hơn 1,3 triệu người và lập biên bản xử phạt 4.911 trường hợp vi phạm quy định PC dịch với tổng số hơn 10 tỷ đồng.
Đảm bảo ANTT trên địa bàn mùa dịch
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT trong 6 tháng cuối năm 2021, CATP đã triển khai Chiến dịch đấu tranh, trấn áp, kéo giảm tội phạm. Các đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tổng lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm; thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép" của toàn lực lượng CATP "vừa tham gia PC dịch Covid-19 vừa đảm bảo giữ vững ANTT, PC tội phạm trên địa bàn".
Trong đó, các đơn vị tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TTKS, quản lý địa bàn, vừa TTKS công khai và mật phục vừa kết hợp chặt chẽ với triển khai các hoạt động chốt chặn, KS ở các vị trí trọng điểm về tội phạm, tệ nạn xã hội; tập trung đấu tranh, triệt phá nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, tội phạm cố ý gây thương tích, tội phạm chống người thi hành công vụ.
Đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm về ma túy (MT), tăng cường quản lý, giám sát, kể cả giám sát trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo, lôi kéo sử dụng, mua bán trái phép các chất MT trên địa bàn quản lý; truy tố, xét xử các vụ MT điểm để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung. Kịp thời phát hiện, tổ chức ngăn chặn, xử lý, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng hoạt động cờ bạc, mại dâm, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, "độ” xe, kêu gọi tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng trên không gian mạng.
Công an TP.Thủ Đức và CA 21 quận huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo huy động sức mạnh của hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là việc huy động lực lượng quân sự địa phương, các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác đấu tranh PC tội phạm, trong thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT... để kịp thời giải quyết căn cơ, hiệu quả ngay từ đầu, ngay tại địa bàn cơ sở, không để tội phạm có điều kiện hoạt động.
Cảnh sát hình sự - tuyến đầu trấn áp tội phạm tại TPHCM trong mùa dịch
Ngày 13-7, sau khi phạm nhân Nguyễn Kim An (SN 1995, quê Bình Thuận) bỏ trốn khỏi Trại giam Chí Hòa trong khi đang mắc Covid-19, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) là đơn vị chủ công trong việc truy bắt tử tù này. Nhiều trinh sát tinh nhuệ của phòng đã lần theo dấu vết ở những con hẻm, khu phố, tuyến đường, thậm chí vào khu cách ly, phong tỏa hay bệnh viện (BV), bệnh viện dã chiến (BVDC) đề phòng đối tượng lợi dụng vào đây để lẩn trốn sự truy bắt của CA.
Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, rạng sáng 16-7, lực lượng CSHS - CATP đã bắt giữ Nguyễn Kim An khi phạm nhân này đang trốn ở P.Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức. Quá trình này được tiến hành bài bản, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh, dù sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các trinh sát CSHS đã phải cách ly để PC Covid-19.
Ngày 19-7, khi Phan Hữu Điệp Anh (SN 1961, ngụ P19Q. Bình Thạnh) lướt mạng xã hội thấy thông tin ông N.M.H tẩm xăng tự thiêu ở P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức đã tải về, dùng tài khoản cá nhân mang tên mình đăng tải, chia sẻ các hình ảnh liên quan cùng bài viết có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc cho rằng người đàn ông này bị nhiễm Covid-19 nhưng chính quyền không quan tâm dẫn đến sự việc trên.
Công an xác định ông H. có tiền sử bệnh tâm thần, tẩm xăng tự đốt chứ không bị nhiễm Covid-19. Ngày 21-7, CAQ Bình Thạnh đã khởi tố vụ án và bị can đối với Phan Hữu Điệp Anh về hành vi "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
"Tôi cảm thấy hết sức hối hận về hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của mình. Tôi mong nhận được sự khoan dung của pháp luật và người dân TPHCM", Phan Hữu Điệp Anh bày tỏ.
Công an xác định Phan Hữu Điệp Anh còn sử dụng tài khoản "Phan Anh Hữu" để đăng nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc các hoạt động của Đảng, Nhà nước.