Covid-19 'tàn phá' Indonesia: Được đến bệnh viện là 'ước mơ', bình oxy quý hơn tiền bạc

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:30, 24/07/2021

Baoquocte.vn. Indonesia đang trở thành tâm dịch Covid-19 hàng đầu châu Á với số ca mắc dương tính Covid-19 tăng gấp 5 lần trong 5 tuần trở lại đây. Tuần qua, số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia đều vượt 1.000 ca mỗi ngày.
Covid-19 'tàn phá' Indonesia: Được đến bệnh viện là 'ước mơ', bình oxy quý hơn tiền bạc
Dịch Covid-19 ở Indonesia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Nguồn: CNBC)

Indonesia đã trở thành tâm dịch mới, vượt qua cả Ấn Độ và Brazil về số ca lây nhiễm mới hàng ngày ở mức cao nhất thế giới.

Trong một tuần trở lại, số ca mắc tại Indonesia có xu hướng giảm so với đỉnh 56.700 ca vào ngày 15/7, nhưng vẫn ở mức cao: 44.800 ca/ngày.

Ngày 23/7, Indonesia ghi nhận thêm 49.509 ca mắc và 1.449 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã vượt mốc 3 triệu, trong đó có hơn 79 nghìn ca tử vong.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại con số thật sự có thể cao hơn do năng lực xét nghiệm và truy vết ở quốc gia này còn hạn chế.

Cuộc săn lùng bình oxy

Bệnh viện tại Indonesia gần như đã kín chỗ, oxy y tế cũng dần trở nên khan hiếm. Người mắc Covid-19 nhẹ được khuyến khích tự cách ly ở nhà.

Hàng nghìn người ngủ trong những hành lang, lều bạt và xe ôtô với hơi thở khó nhọc. Họ đang cố chờ một chỗ trống trong những bệnh viện đều đã quá đông đúc. Nhiều người khác không còn hy vọng, đành trở về nhà tự chữa trị.

Dù nằm ở đâu, Covid-19 vẫn đang lấy đi hơi thở của họ, khiến người nhà lại phải vội vã lao đi tìm mua oxy trợ thở, gia nhập cuộc săn lùng dưỡng khí.

Ông Bayu Soedjarwo, một giám đốc kinh doanh ở Indonesia bắt đầu hoảng sợ khi nhìn thấy, qua Zoom, mẹ ông thở hổn hển trên giường bệnh. Rõ ràng bà cần một máy thở, nhưng không còn một máy nào còn trống tại các bệnh viện ở thủ đô Jakarta.

Trong 12 giờ sau đó, Soedjarwo liên tục gọi điện và gửi tin nhắn trên khắp các nhóm trò chuyện, Facebook và Instagram, xin được trợ giúp. Soedjarwo và anh trai đã gọi đến hàng chục bệnh viện và đến 6 bệnh viện, nhưng không tìm được bệnh viện nào gần đó có thể hỗ trợ nhiều hơn. Mẹ ông đã qua đời 3 ngày sau đó.

“Những lúc bình thường, tất cả chúng tôi sẽ ở đó nắm tay bà khi bà ra đi. Chúng tôi cảm thấy thật khủng khiếp”, Soedjarwo nói.

Bên ngoài cửa hàng oxy CV Rintis Usaha Bersama nhỏ bé ở Nam Jakarta, hơn 100 khách hàng vẫn nhẫn nại xếp hàng trên phố, mang theo bình oxy và chờ đợi đến lượt đổ đầy bình.

Alif Akhirul Ramadan, 27 tuổi, nói anh đi mua oxy cho mẹ mình, 77 tuổi, bị nhiễm Covid-19 và đang được chăm sóc tại nhà. Người đàn ông này cho biết, bệnh tình của mẹ anh đã đột ngột xấu đi, mà oxy thì sắp hết.

"Giờ phải đổ đầy bình vì ở nhà không có dự phòng. Đó là lý do chúng tôi cần phải nhanh chóng mua được oxy", Ramadan than thở.

Indonesia là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất Đông Nam Á. (Nguồn: Reuters)
Nhiều chuyên gia cho rằng Indonesia đang lãnh hậu quả vì không áp lệnh phong tỏa từ sớm. (Nguồn: Reuters)

Cuộc càn quét của biến thể Delta

Ở Indonesia, các ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong tháng qua, khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 càn quét đảo Java và Bali.

Nhiều chuyên gia cho rằng Indonesia đang lãnh hậu quả vì không áp lệnh phong tỏa từ sớm. Hệ quả là trong lễ Eid Al-Fitr của đạo Hồi, khoảng 1,5 triệu người trở về quê nhà. Nhiều người trong đó mang biến chủng Delta đi khắp nơi.

Bên cạnh đó năng lực xét nghiệm còn hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến Indonesia không thể kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này đã tăng xét nghiệm lên khoảng 230.000 người mỗi ngày, từ con số 30.000 hồi tháng 12. Mục tiêu ông đặt ra là 400.000 người/ngày.

Tuy nhiên, ông Budiman đánh giá mức xét nghiệm đó vẫn hạn chế, đồng thời chỉ ra rằng, những ngày gần đây, tỷ lệ các xét nghiệm cho kết quả dương tính đã tăng lên hơn 30%. Theo giới chuyên gia y tế, tỷ lệ dương tính cao là dấu hiệu của việc xét nghiệm quá ít.

Nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng

Tại Indonesia, mới chỉ 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nước này vẫn đang khan hiếm nguồn cung vaccine.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 43,3 triệu người Indonesia đã tiêm một mũi vaccine Covid-19, trong đó có 16,9 triệu người đã tiêm chủng đủ hai liều, tương đương với 7% tổng mục tiêu. Nước này đang cố gắng tăng tốc tiêm chủng để đạt được mục tiêu đề ra vào đầu năm 2022.

Để so sánh, Anh cũng ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày nhưng lại có một bức tranh hoàn toàn khác biệt với Indonesia. Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 19/7 vừa qua, và được báo chí địa phương gọi là “Ngày Tự do”.

Vậy sự khác biệt nằm ở đâu? Đó là tiêm chủng vaccine. Hơn một nửa dân số Anh – 55% - đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, trong đó bao gồm phần lớn những người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp tránh được khả năng mắc Covid-19 nặng và phải nhập viện.

Indonesia đang tăng cường “ngoại giao vaccine” để sớm đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng. Ngày 22/7, Indonesia đã tiếp nhận lô vaccine Covid-19 thứ 29 với tổng cộng 8 triệu liều do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất.

Hiện Indonesia đã sở hữu hơn 180 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó 126 triệu liều vaccine Sinovac, 14 triệu liều vaccine AstraZeneca, 6 triệu liều vaccine Sinopharm và 4,5 triệu liều vaccine Moderna.

Indonesia đã phê duyệt 5 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1 với mục tiêu cung cấp vaccine Covid-19 cho ít nhất 181,5 triệu người nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

Thu Hiền