Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh tiến độ Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích mới
Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 15:22, 23/07/2021
1,9 triệu hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. (Ảnh: Duy Vũ) |
Sáng nay 23/7, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Thứ trưởng Phan Tâm và Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 (Chương trình 1168).
Chương trình phục vụ 5 mục tiêu cụ thể là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng; phổ cập dịch vụ viễn thông công ích, bảo đảm quyền truy nhập bình đẳng hợp lý cho người dân; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn; các trường học, UBND trên cả nước được sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng. Đồng thời, đảm bảo các mục tiêu của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ TT&TT), giai đoạn 2015 - 2019, các doanh nghiệp viễn thông trong cả nước đóng góp tổng số 8.182 tỷ đồng, đạt 112% so với kinh phí Chương trình.
Đến năm 2020, Bộ TT&TT đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tạm dừng thu đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông. Nguồn thu của Quỹ đã tạo nguồn tài chính cho việc chủ động thực hiện chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại Việt Nam và được phân bổ cho 5 hạng mục, trong đó, hỗ trợ thiết lập hạ tầng có tổng mức phân bổ lớn nhất, chiếm 46,7%.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc tại hội nghị. (Ảnh: Duy Vũ) |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá, sau 5 năm triển khai, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã đạt được các mục tiêu chính đề ra. Chương trình đem lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và an sinh xã hội. Tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận với dịch vụ viễn thông với mức giá hợp lý.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, kết nối truyền hình số là nhóm nhiệm vụ được thực hiện thành công của chương trình và đạt được mục tiêu đề ra, tiết kiệm đáng kể kinh phí.
Cụ thể, chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 1.9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo xem các chương trình truyền hình.
Đến 11/1/2021, Việt Nam đã công bố hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất cao hơn khoảng 30 lần so với truyền hình tương tự. “Việc hoàn thành số hóa truyền hình đã giải phóng được trên 100 MHz thuộc băng tần 700MHz, là băng tần "vàng" để phát triển viễn thông trong tương lai, trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Chương trình cũng hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, đem lại lợi ích về an sinh xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá kết quả thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, chẳng hạn như hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Sự hạn chế trong công tác tổ chức, điều hành, phối hợp cần được phân tích, mổ xẻ, rút ra các bài học kinh nghiệm làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giai đoạn tiếp theo.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án giai đoạn mới
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình viễn thông công ích giai đoạn tới. (Ảnh: Duy Vũ) |
Tại hội nghị, đại diện Bộ TT&TT đã có đánh giá thẳng thắn về những tồn tại và vướng mắc phát sinh sau 5 năm thực hiện chương trình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 đã đặt ra rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, bao quát đến nhiều đối tượng, địa bàn thụ hưởng, trong đó có nhiều chính sách mới, lần đầu tiên triển khai. Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình chưa dự báo được những khó khăn, diễn biến của tình hình thực tế về phát triển thị trường, nhu cầu sử dụng dịch vụ, sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực viễn thông, sự gắn kết với các chính sách liên quan nên một số nhiệm vụ còn hạn chế về tính khả thi.
Do khó khăn về nguồn lực, công tác phối hợp của một số Sở TT&TT trong tham gia quản lý hỗ trợ đầu thu truyền hình số chưa kịp thời, ảnh hưởng đến thời gian nghiệm thu, thanh quyết toán.
Một vấn đề được quan tâm đó là quản lý tài chính thực hiện Chương trình. Đại diện Bộ TT&TT cho biết, theo quy định của Luật Viễn thông, Chương trình thực hiện bằng nguồn tài chính đóng góp từ các doanh nghiệp viễn thông. Song việc huy động, tiếp nhận đóng góp của các doanh nghiệp chưa kết hợp với nhu cầu sử dụng vốn hằng năm nên hiệu quả về sử dụng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, những đánh giá về tồn tại, các mặt chưa làm được trong thời gian qua sẽ là kinh nghiệm quý báu để triển khai trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng khẳng định từ thực tiễn và kinh nghiệm đã có, Bộ TT&TT sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án mới; chú trọng đến tính khả thi khi xây dựng cơ chế, chính sách. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để xây dựng cơ chế, chính sách, cùng thống nhất triển khai.
Giai đoạn tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ đưa tối đa các dịch vụ công cộng phục vụ người nghèo, cận nghèo vào chương trình mới. “Bộ TT&TT cam kết đổi mới quá trình thực hiện, duy trì lâu dài chương trình, phục vụ cho những nơi kém phát triển hay đồng bào gặp khó khăn”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Duy Vũ