Afghanistan, khoảng trống quyền lực và nỗi lo không của riêng ai

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:33, 23/07/2021

Baoquocte.vn. Mỹ tuyên bố hoàn tất rút quân sớm hơn dự kiến, Nga "bật đèn xanh" cho phái đoàn Taliban đến Moscow... Cục diện bàn cờ Afghanistan sẽ ra sao?

Cách đây 20 năm, Mỹ cùng đồng minh phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan với danh nghĩa chống khủng bố, nhằm lật đổ chế độ Taliban, thành lập chính phủ mới thân Mỹ. Mục đích sâu xa là thiết lập, mở rộng và duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại Afghanistan và vùng Trung Á, kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc, Nga.

Mỹ rút quân khỏi Afganistan. (Nguồn :Flickr/The U.S. Army )
Việc Mỹ và đồng minh NATO rút khỏi Afghanistan đang để lại khoảng trống lớn, gia tăng bất ổn ở đất nước này. (Nguồn: Quân đội Mỹ)

Sự tương đồng và khác biệt

Chi gần ngàn tỷ USD trong hai chục năm, thương vong hơn chục ngàn binh sĩ. Rút cục, Mỹ buộc phải đàm phán với Taliban và tuyên bố rút quân khỏi “vũng lầy” Afghanistan. Ngày 6/7, Lầu Năm Góc thông báo quá trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đã hoàn thành hơn 90%. Ngày 9/7, Tổng thống Joe Biden tuyên bố "sứ mệnh quân sự của chúng ta tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8 tới", nghĩa là sớm hơn thời hạn ấn định trước đó là ngày 11/9.

Truyền thông mô tả quân Mỹ “vội vã rút”, để nhiều vũ khí hiện đại rơi vào tay quân Taliban, bỏ mặc chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đối mặt với tổ chức Taliban.

Vậy là USD, binh sĩ và vũ khí hiện đại không giúp các “sứ giả văn minh” (như lời của Mỹ và NATO) tránh khỏi thất bại trong thực thi sứ mệnh “chiến đấu cho nền dân chủ”.

Cuộc chiến ở Afghanistan dấy lên nhiều tranh cãi. Có ý kiến nói cuộc chiến tranh của Mỹ tương đồng với can dự quân sự của Liên Xô (1979-1989). Đặc biệt là “giống hệt nhau” ở những sai lầm cơ bản. Mà sai lầm lớn nhất là sự tự tin nhanh chóng thiết lập trật tự ở Afghanistan bằng sức mạnh quân sự vượt trội, để rồi kẹt và lún sâu, phải rút quân khi sứ mệnh còn dang dở.

Chuyên gia quân sự Nga Alexander Necropny có bài phân tích kỹ lưỡng về 2 cuộc chiến đăng trên báo “Bình luận quân sự” ngày 17/7. Ông thừa nhận sự tương đồng về 3 sai lầm, nhưng chỉ ra 10 khác biệt, từ bối cảnh, điều kiện, mục đích, phương pháp đến kết cục.

Thời gian cuộc chiến của Mỹ và NATO dài gấp đôi. Một bên đơn độc, còn bên kia là một liên minh hùng hậu; quy mô lực lượng gấp nhiều lần; chi phí gấp 10 lần… Liên Xô rút quân trong hoàn cảnh đất nước đảo lộn chính trị. Chính quyền của Tổng thống Afghanistan Najibullah tiếp tục chiến đấu trụ vững trong hơn 3 năm.

Có hai điểm được sự đồng thuận cao của dư luận. Thứ nhất, người dân Afghanistan quyết không chịu bất kỳ sự áp đặt chính trị, ý thức hệ nào từ bên ngoài. Thứ hai, sự rút lui của Mỹ và NATO sẽ để lại “khoảng trống quyền lực” ở Afghanistan.

Nỗi lo không của riêng ai

Taliban tuyên bố chiếm giữ 85% lãnh thổ, nhiều khu vực cửa khẩu biên giới quan trọng. Nhiều binh sĩ quân chính phủ, người có quan hệ với Mỹ và người dân chạy sang nước láng giềng. Nguy cơ nội chiến hiện hữu. Chính phủ Afghanistan lệnh tổng động viên 200 ngàn quân và cầu cứu Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) hỗ trợ.

Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước láng giềng lo ngại cuộc khủng hoảng mới ở Afghanistan sẽ gây mất an ninh, ổn định khu vực. Afghanistan dễ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của các nhóm khủng bố quốc tế. Nguy cơ các nhóm Hồi giáo cực đoan tràn sang các nước láng giềng có người Hồi giáo. Làn sóng người tị nạn có thể đổ vào Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan…

Ngay các nước lớn như Nga, Trung Quốc cũng lo ngại mối đe dọa địa chính trị. Trung Quốc có khoảng 20-25 triệu người Hồi giáo ở miền Trung, Tây. Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan có ý định thành lập nhà nước độc lập cho người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương.

Nỗi lo “khoảng trống quyền lực” tràn vào các hội nghị quốc tế, khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm làm việc của SCO, từ 13-14/7 ở Dushanbe chuyên bàn về vấn đề Afghanistan. Tại Thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6 ở Geneva, Tổng thống Putin đề xuất hợp tác sử dụng các căn cứ của Nga ở Tajikistan và Kyrgyzstan cung cấp thông tin Afghanistan cho Mỹ.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, cũng là tâm tư của nhiều nước: “Mỹ, quốc gia khơi mào vấn đề Afghanistan nên hành động có trách nhiệm để đảm bảo quá trình chuyển giao suôn sẻ ở đây”.

Nước cờ lạ

Phái đoàn chính trị của Taliban đã đến Moscow ngày 8-9/7, gặp gỡ phái viên của Tổng thống Vladimir Putin về Afghanistan và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để thảo luận tình hình Afghanistan. Không có tuyên bố chung về một thỏa thuận nào. Nhưng cuộc họp báo sau đó của phái đoàn Taliban ở Moscow cũng cho thấy nội dung chính cuộc gặp.

Phái đoàn Taliban tại cuộc họp báo ở thủ đô Moscow, Nga ngày 9/7. (Nguồn: Reuters)
Phái đoàn Taliban tại cuộc họp báo ở thủ đô Moscow, Nga ngày 9/7. (Nguồn: Reuters)

Taliban mang đến cuộc gặp tinh thần tuyên bố của Lãnh tụ Tối cao Hibatullah Akhundzada “ủng hộ 1 thỏa thuận chính trị giữa các nhân tố Afghanistan”. Mục tiêu của Taliban là giải phóng đất nước, xây dựng thiết chế nhà nước Hồi giáo độc lập, tự chủ, đủ sức xây dựng và bảo vệ lãnh thổ.

Phía Taliban cam kết “5 không”. Không tiến công các nước láng giềng; không sử dụng lãnh thổ Afghanistan chống lại nước khác; không cho phép tổ chức Hồi giáo IS hiện diện trong lãnh thổ; không tiến công quân sự chiếm các trung tâm quận, huyện của Afghanistan; không truy bức những người từng làm việc với Mỹ.

Đây được xem là nỗ lực ngoại giao của Taliban nhằm tìm kiếm thái độ trung lập của các quốc gia láng giềng trong cuộc đối đầu của họ với chính quyền Kabul.

Nga không muốn tình hình Afghanistan phát triển theo chiều hướng bất lợi, trở thành mối đe dọa địa chính trị, song cũng không muốn can dự quân sự trực tiếp.

Taliban hiểu rõ vị thế của Nga và đối đầu với Nga là điều bất lợi. Taliban hiểu rõ chính sách của Trung Quốc (hậu thuẫn chính quyền Kabul nhưng vẫn duy trì quan hệ với Taliban). Nên Taliban không đề cập vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, mong muốn Trung Quốc hợp tác, đầu tư ở Afghanistan.

Chỉ cần các nước, nhất là Nga, Trung Quốc “ngồi yên”, Taliban có đủ điều kiện để giải quyết vấn đề Afghanistan theo ý định của mình.

Có ý kiến so sánh “sự gần gũi” giữa cuộc gặp gỡ ở Moscow với ký kết Hiệp ước Molotov – Ribbentrov (ngày 23/8/1939) không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức, trong Thế chiến II. Có tương đồng hay không, là chuyện còn phải bàn. Bởi bối cảnh, mục đích và hình thức rất khác nhau... Có giống chăng là hành động gây ngạc nhiên và kích thích suy diễn của nhiều người.

Nga "bật đèn xanh" cho phái đoàn Taliban đến Moscow được xem là nước cờ hợp lý. Nga không muốn tình hình Afghanistan phát triển theo chiều hướng bất lợi, trở thành mối đe dọa địa chính trị song cũng không muốn can dự quân sự trực tiếp.

Thông qua gặp gỡ, Moscow thể hiện vị thế của mình, cho Taliban thấy sẽ gặp phản ứng mạnh mẽ như thế nào nếu đối đầu, gây tổn hại lợi ích của Nga ở khu vực.

Nga vẫn giữ quan điểm nhất quán, như tuyên bố của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, ủng hộ thỏa thuận bình thường hóa, đàm phán lập lại hòa bình, triển khai tiến trình chính trị, trước khi xác định cơ cấu nhà nước ở Afghanistan.

Tuy nhiên, hiệu quả nước cờ của Taliban, Nga, Trung Quốc, Mỹ… đến đâu; cục diện bàn cờ Afghanistan sẽ ra sao… là chuyện ở thì tương lai.

Tự ngẫm

Giải quyết hòa bình vấn đề Afghanistan là lợi ích của nhân dân Afghanistan và cũng là an ninh, ổn định, lợi ích chung của khu vực. Mỗi nước, mỗi bên chạy theo những tính toán riêng. Một số nước lớn vẫn chưa thuộc bài học “không thể áp đặt ý chí chính trị, ý thức hệ cho nhân dân một nước có chủ quyền”. Họ tính rằng bằng đe dọa quân sự kết hợp với can dự, gây sức ép về kinh tế, ngoại giao… có thể đạt được mục đích.

Do đó, “ván cờ người” (quân cờ là người nước ngoài và người bản địa) vẫn còn tiếp diễn ở Syria, cũng như ở một số nước khác. Hy vọng là nỗ lực, thiện chí của cộng đồng, của chính người dân Afghanistan sẽ khép lại chiến tranh, xung đột, đau thương.

Vũ Đăng Minh