TP.HCM: Chủ động ứng phó ngập lụt, triều cường trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 căng thẳng

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:45, 22/07/2021

(TN&MT) - UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức sẵn sàng triển khai các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 bùng phát nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, căn cứ Quyết định số 811/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, công tác phòng, chống, ứng phó với ngập lụt do mưa lớn, triều cường đã được các đơn vị có liên quan triển khai nghiêm túc.

Cụ thể, UBND TP.HCM yêu cầu tất cả các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) trong quá trình tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả nếu xảy ra ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ tại cơ sở.

TP.HCM sẽ linh hoạt ứng phó ngập nước, triều cường trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát.

Đặc biệt, TP.HCM chỉ đạo các cấp, các ngành sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với ngập lụt trong bối cảnh TP.HCM đang có dịch bệnh lây lan. Theo đó, cần phải cách ly chống dịch phù hợp theo hướng phát huy tối đa “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, hiệu quả trong tình hình hỗ trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế. Cần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh an toàn cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị mình trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường cũng như đảm bảo an toàn cho các lực lượng được huy động tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả ngập lụt.

Đồng thời, TP.HCM sẵn sàng phương án phòng dịch cho người dân sơ tán phòng, tránh ngập lụt khi đang xảy ra dịch bệnh. Trong đó, cần tập trung các nội dung như: Cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; Chuẩn bị trang thiết bị máy móc cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm, giúp khoanh vùng dập dịch nhanh chóng; Sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, hóa chất, chất khử khùng cho các điểm sơ tán dân, các khu cách ly tập trung, các bệnh viện; Lập danh sách lực lượng phải huy động để ứng phó ngập lụt trong trường hợp dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở.

UBND TP.HCM yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách. Lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức và các quận/ huyện, phường/xã/thị trấn trực tiếp xuống các khu vực xung yếu để kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ngập lụt. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến tình hình mưa lớn, triều cường, xả lũ và triển khai các phương án ứng phó của địa phương, đơn vị mình.

Dự kiến khởi công 11 dự án chống ngập trong năm 2021

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến hết năm 2021, TP.HCM dự kiến khởi công 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng, tăng khả năng chống ngập nhiều tuyến đường trong thành phố.

Trong đó, 2 công trình dự kiến hoàn thành năm 2022, giúp tăng khả năng thoát nước trên tuyến và nhà dân xung quanh. Cụ thể, Dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức), vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Dự án này có chiều dài gần 7 km, từ đường 990 đến cầu Võ Khế, được lắp đặt hệ thống cống tròn, rộng gần một mét và tái lập, trải nhựa mặt đường phía trên. Dự án xây dựng cống thoát nước dài 1,3 km trên đường Lý Chiêu Hoàng (quận 6), vốn đầu tư 100 tỷ đồng.

Các dự án còn lại gồm: Tại quận 11, Dự án cải tạo rạch Đầm Sen dài hơn 600 m sẽ thi công lắp đặt hệ thống cống hộp, vốn đầu tư 84 tỷ đồng, thay thế đường thoát nước cũ đã xuống cấp; Dự án cải tạo đường Hàn Hải Nguyên, vốn đầu tư 28 tỷ đồng. Tại quận 12, Dự án chống ngập đường Tô Ký, vốn đầu tư 77 tỷ đồng. Tại TP. Thủ Đức, Dự án đường số 8 và Lã Xuân Oai, vốn đầu tư 131 tỷ đồng. Tại quận 5, Dự án cải tạo đường Triệu Quang Phục, vốn đầu tư 61 tỷ đồng.

Ở các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, 3 dự án cũng sắp được khởi công gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Nhơn Đức - Phước Lộc (dài 2 km, vốn gần 84 tỷ đồng); Hương Lộ 2, đoạn từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tắng (dài 1 km, vốn hơn 64 tỷ đồng); đường Dương Công Khi (vốn 79 tỷ đồng).

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Công trình giúp kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án khi hoàn thành giúp giải quyết 3 điểm ngập do triều, gồm: đường Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè).

UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố) kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn, không để phát tán nguồn ô nhiễm, chất độc hại (hóa chất, xăng dầu, rác thải…) ra môi trường khi xảy ra ngập lụt.

TP.HCM cũng yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi thông tin, hướng dẫn của cơ quan chức năng trên phương tiện truyền thông; tuân thủ biển báo nguy hiểm hoặc hướng dẫn của những người có trách nhiệm; ngắt nguồn điện khi bị ngập nước; sử dụng nước sạch tiết kiệm; ghi nhớ số tổng đài cứu nạn, cứu hộ 114, cung cấp thông tin về tình trạng ngập lụt tại khu vực sinh sống cho cơ quan chức năng để được trợ giúp.

Nguyễn Quỳnh