Thế nào là hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm thiết yếu khi phòng chống dịch bệnh COVID-19?
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 22/07/2021
Người dân TP.HCM đi mua thực phẩm trong thời gian giãn cách. - Ảnh: KIM VÂN |
Luật định nghĩa chung chung
Trong các văn bản luật, quy định gần nhất đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là Luật Giá 2012. Tuy nhiên, luật này chỉ quy định chung chung: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.
Theo Luật Giá 2012, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nằm trong 3 nhóm chính bao gồm: phục vụ sản xuất, lưu thông, phục vụ nhu cầu cơ bản của con người và phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, quy định hàng hóa dịch vụ thiết yếu này nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá cả, bình ổn giá cả. Do đó không phải là quy định sử dụng được trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Hàng hóa thiết yếu gồm những gì?
Do không có quy định rõ ràng cụ thể nên từng người, từng địa phương có cách hiểu khác nhau và ứng xử cũng khác nhau về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Nhiều địa phương đã ban hành văn bản mô tả một số ngành hàng thiết yếu để thuận tiện quản lý trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. Tựu trung các văn bản này, hàng hóa thiết yếu được phân thành một số nhóm chính bao gồm:
Nhóm thực phẩm tươi sống như thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng)... Nhóm công nghệ phẩm: bánh kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói. Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng...
Nhóm lương thực như gạo, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột)...
Nhóm các nhu yếu phẩm cần thiết khác, như thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, khẩu trang, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh, sản phẩm dùng rửa tay, tắm giặt, gội... Nguyên, nhiên vật liệu như xăng, dầu, gas, khí đốt...
Sau cùng là nhóm các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp như: thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xăng dầu, khí đốt, điện nước…
Văn bản 1459/SCT-QLTM của Sở Công thương Đồng Tháp còn quy định thêm các hàng hóa kim khí điện máy, điện tử, điên dân dụng, vật liệu xây dựng… phục vụ hoạt động gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Rau củ quả tại một siêu thị tại TP.HCM. |
Người dân được quyền ra đường khi nào?
Theo chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng chính phủ, người dân “chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác”.
Theo đó, người dân được ra đường để mua “lương thực, thực phẩm, thuốc men” nói chung mà không cần quan tâm đến sản phẩm đó có cần phải nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu hay không. Bên cạnh đó người dân cũng được ra đường để làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu “không bị đóng cửa, dừng họat động”.
Còn theo văn bản số 2601/VPCP – KGVX, ngày 3/4/2020, của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn cụ thể nội dung chỉ thị 16, người dân được ra đường khi mua “lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa thiết yếu khác”.
Theo nội dung của 2 văn bản này, người dân chỉ cần ra đường để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và cấp cứu thì được xem là có lý do chính đáng. Trong đó “cấp cứu” không quy định là chỉ cấp cứu riêng đối với người. Do vậy các trường hợp cần cấp cứu với gia cầm, gia súc, vật nuôi vẫn... đảm bảo được tính “thực sự cần thiết” theo chỉ thị 16.
(Theo Vnn, Vne, Tuoitre)