Cả thế giới đau đầu: Đâu là vật chủ trung gian truyền virus SARS-CoV-2 sang người?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 03:44, 20/07/2021
Mặc dù còn rất nhiều tranh luận về cách mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào con người nhưng các dữ liệu cho đến nay đều cho thấy rằng ổ chứa ban đầu của nó có thể là dơi. Tiến sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết: "Việc tin rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi là điều hợp lý".
Nhận định kể trên lại càng có cơ sở hơn, khi các virus Corona liên quan trước đây gây ra dịch bệnh cho con người như MERS-CoV và SARS-CoV đều tiến hóa từ dơi, sau đó chuyển sang con người qua một loài trung gian (lạc đà trong trường hợp MERS và cầy trong trường hợp SARS).
Theo Nature, vào thời điểm đại dịch mới bắt đầu, các nhà nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán đã công bố bộ gen của một dòng virus Corona khác (RaTG13), trước đây được tìm thấy ở dơi móng ngựa (Rhinolophus affinis). Bộ gen của RaTG13 giống 96% với bộ gen của virus SARS-CoV-2 và vẫn là loại virus Corona có liên quan chặt chẽ nhất với thứ gây nên đại dịch Covid-19 được tìm thấy cho đến nay.
Tuy nhiên, sự khác biệt 4% trong bộ gen có nghĩa đã khoảng 50 năm kể từ lần cuối chúng có chung tổ tiên. Tờ Nature cho rằng, điều này cho thấy rằng việc lan truyền virus SARS-CoV-2 từ dơi sang người có thể đã qua một loài trung gian liên quan.
Tiến sĩ Amesh Adalja cho biết thêm:"Những khác biệt quan trọng đã giải thích tại sao SARS-CoV-2 là virus tìm đường xâm nhập vào con người và gây ra đại dịch, chứ không phải là RaTG13". Một khác biệt quan trọng ở 2 loại virus này chính là các gen mã cho protein đột biến mà virus sử dụng để liên kết vào tế bào người, cụ thể là vùng liên kết thụ thể khác nhau.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 năm 2020 trên tạp chí Current Biology, virus Corona RmYN02 ở dơi có bộ gen giống 93,3% so với bộ gen của SARS-CoV-2. Theo một báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), các virus Corona liên quan cũng được tìm thấy ở dơi móng ngựa Shamel (Rhinolophus shameli), lấy mẫu ở Campuchia vào năm 2020 và gần đây đã phân tích. Bộ gen của các virus Corona này (RshSTT200 và RshSTT182) giống của SARS-CoV-2 là 92,6%.
Theo báo cáo của WHO, những con số này cho thấy sự phân bố theo địa lý của các virus liên quan đến SARS-CoV-2 rộng hơn nhiều so với dự kiến trước đây.
Các nhà khoa học hiện tại vẫn chưa biết virus SARS-CoV-2 tiến hóa ở đâu, bằng cách nào và có những thay đổi như thế nào để lây nhiễm vào tế bào người. Quá trình này có thể xảy ra ở dơi, hoặc virus có thể nhảy từ dơi sang loài khác, chẳng hạn như tê tê và tiến hóa thêm ở đó.
Theo LiveScience, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng từ hơn một thế kỷ trước, một dòng virus Corona có trong dơi đã làm phát sinh SARS-CoV-2, RaTG13 và Pangolin-2019. Tổ tiên của virus Pangolin-2019 có thể đã tách ra vào thời điểm đó. Sau đó, vào những năm 1960 hoặc 1970, dòng này lại tách ra làm 2, tạo ra tổ tiên của RaTG13 và tổ tiên của SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng virus Corona ở tê tê có từ 85,5% đến 92,4% bộ gen tương đồng với virus SARS-CoV-2. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ tê tê chính là vật chủ trung gian của thứ gây nên đại dịch Covid-19.
Báo cáo của WHO cho rằng: "Bằng chứng từ các cuộc điều tra và nghiên cứu cho đến nay đã tìm thấy hầu hết các loại virus có liên quan cao ở dơi và tê tê. Điều này cho thấy chúng có thể là ổ chứa SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các virus được xác định cho đến nay ở 2 loài này đều không đủ giống với SARS-CoV-2 để đóng vai trò là tổ tiên của virus này".
Cũng theo báo cáo của WHO, chồn và mèo rất dễ bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Điều này cho thấy chúng cũng có thể là ổ chứa virus này. Và vì vậy, có thể động vật trung gian truyền virus SARS-CoV-2 sang con người ở ngay cạnh chúng ta. Tuy nhiên, con người vẫn chưa đủ thử nghiệm để tìm ra được nó. Adalja cho biết: 'Có khả năng một loài động vật chưa từng được nghĩ tới đóng vai trò là vật chủ trung gian'.
Khi đại dịch xuất hiện, một trong những câu hỏi hóc búa nhất là tìm ra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Adalja cho biết: "Khi virus này xâm nhập vào con người, nó không hề thông báo với thế giới. Nó được cho là lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào mùa thu 2019, cũng là thời điểm bắt đầu mùa cúm. Nhiều khả năng trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác định là nhiễm cúm. Có nghĩa là con người đã không biết về Covid-19 cho đến khi nó phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới".
Với các dữ liệu hiện tại, hầu hết các chuyên gia ủng hộ giả thuyết rằng SARS-CoV-2 truyền từ động vật sang người. Việc tìm ra nguồn gốc của nó sẽ rất quan trọng để chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo. Nếu virus lây từ động vật sang người, thì việc biết được loài động vật đó có thể giúp chúng ta giảm bớt tương tác với nó. Tuy nhiên, đến hiện tại việc tìm ra nguồn gốc của virus vẫn đang là bài toán chưa lời giải.
Nguyễn Dương (Theo LiveScience)