Nhà sáng lập Dogecoin: Tiền mã hóa là lừa đảo
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:21, 16/07/2021
VnReview lược dịch từ bài viết của tác giả Shosana Wodinsky, trang Gizmodo và trang GizmoChina.
Cha đẻ của Dogecoin Jackson Palmer là người kín tiếng trên mạng xã hội. Ông đã xóa kênh Youtube chính thức của mình và chuyển tài khoản Twitter về chế độ riêng tư từ giữa năm 2019, kể từ đó không có bất kỳ thông tin gì từ vị kỹ sư phần mềm tài năng này, ngay cả khi giá của đồng tiền mã hóa của ông đạt đỉnh xấp xỉ 0.7 USD vào đầu năm nay. Sự im ắng này chấm dứt vào hôm qua khi Palmer đã công khai tài khoản Twitter của mình trở lại và đưa ra một tuyên bố quan trọng: "Từ trước đến nay tiền mã hóa vẫn là mớ hỗn độn".
"Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi tin chắc rằng tiền mã hóa là một thứ chính trị cánh hữu, công nghệ đầy tính tư bản chủ nghĩa, vì thế nên chúng được xây dựng để tăng trưởng tài sản của những người ủng hộ chúng thông qua việc tránh thuế, qua mặt sự giám sát của luật pháp và tạo ra sự ảo tưởng về tính khan hiếm", Palmer đã đề cập như vậy trong tweet vào chiều ngày 14.
Ông cũng cho rằng khi những người ủng hộ tiền mã hóa đều nghĩ đây chính là phương tiện thanh toán có tính công bằng nhất thay cho những ngân hàng truyền thống vì tính phi tập trung của chúng thì sự thật vốn phũ phàng khi cả 2 đều phục vụ chung 1 ông chủ là những người giàu. Trong tweet ông đã viết: "Các cộng đồng tiền mã hóa đều bị điều khiển bởi '1 nhóm người độc quyền giàu có' mà họ chính là các cá nhân đã biến tài chính phi tập trung thành 1 nơi có thể khai thác lợi ích. Mọi thứ rồi sẽ giống như hệ thống tập trung mà các đồng tiền mã hóa đang cố thay thế".
Thị trường tiền mã hóa đang trải qua quãng thời gian tồi tệ. Bitcoin có giá tăng phi mã từ 63.000 USD vào cuối tháng 4 nhưng không lâu sau trượt dài về mốc 35.000 USD. Dogecoin cũng không ngoại lệ, giây phút huy hoàng khi đồng tiền này khi giá tăng từ 0.06 USD lên 0.68 USD, sau đó bay hơi50% giá trị chỉ trong thời gian ngắn. Quan điểm của Palmer cực kì để đáng suy ngẫm cho dù bạn có bất đồng ý kiến với những gì ông ấy đang nói đi nữa – và chắc chắn có rất nhiều người đang cảm thấy như thế.
Một đặc điểm chung của cộng đồng tiền mã hóa mà Palmer đề cập rằng:"Ngay cả những lời chỉ trích khiêm tốn nhất về tiền mã hóa cũng khiến cho cả thị trường khủng hoảng", có thể kể đến nỗi lo sợ của các nhà đầu tư vào thị trường này khi mọi tài sản của họ có thể bốc hơi ngay lập tức. Đây là một chi tiết chú ý khi những người ganh ghét ông đã đăng tweet đáp trả rằng Palmer chỉ đang ganh tị với thành tựu của người khác khi ông ấy đã không kiếm được lợi nhuận gì từ thị trường tiền mã hóa.
Bên cạnh đó, các nhà lập pháp tại Ấn Độ đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm sở hữu tiền mã hóa trên đất Ấn Độ. Đề xuất này được đưa ra khi làn sóng đầu tư vào các tài sản điện tử đang tấn công mạnh mẽ đất nước này. Căn cứ vào báo cáo từ viện nghiên cứu pháp lý PRS, dự luật về tiền mã hóa và các định chế chính thức cho tài sản số liệt kê các đề xuất từ nhà lập pháp được đưa ra tại cuộc họp Quốc hội Ấn Độ.
Ngoài ra, trong báo cáo còn có các kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra đời đồng tiền kỹ thuật số riêng của ngân hàng trung ương Ấn Độ, song song với lệnh cấm sở hữu tư nhân với các đồng tiền mã hóa. Mặc dù vậy, dự luật này cũng cho phép một số trường hợp đặc biệt cho một vài loại tiền mã hóa nhằm phục vụ mục tiêu quảng bá công nghệ của tiền điện tử và cách thức sử dụng nó.
Dự luật sẽ được trình bày trong phiên họp của quốc hội dự kiến bắt đầu vào ngày 19/7. Trước đây, đã có những cảnh báo về việc chính phủ Ấn Độ có thể cấm tiền mã hóa và tin đồn này xuất hiện trong bối cảnh sự bùng nổ lớn của đầu tư tài sản kỹ thuật số ở Ấn Độ. Chỉ riêng trong tháng 5, các cá nhân tại Ấn Độ đã đầu tư 6,60 tỷ USD vào tiền mã hóa, đánh dấu mức tăng 615% so với chỉ 923 triệu USD vào tháng 4 năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharamanm tuyên bố rằng rất nhiều công việc đã được thực hiện cho dự luật được đề xuất, bao gồm việc thu thập ý kiến đóng góp từ các bên có liên quan. Ông nói thêm rằng "Nội các đã sẵn sàng. Chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng và có những cân nhắc cụ thể nhằm đảm bảo Nội các có đầy đủ các thông tin để có thể đưa ra các quyết định chính thức".
Chí Tôn