mRNA: Ý tưởng bị coi thường trở thành công nghệ hàng đầu cuộc đua vắc-xin COVID

Công nghệ - Ngày đăng : 03:28, 19/07/2021

Năm 2019 là lúc mà cả thế giới thay đổi, cuộc sống thường ngày bị xáo trộn cùng với đó là những thách thức y tế mới nảy sinh. Đây cũng là lúc mà thứ công nghệ sinh học bị bỏ quên, coi thường tiến một bước dài để khẳng định tiềm năng khổng lồ của mình với cả thế giới.

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Một phần của "cánh đồng băng giá" tại Kalamazoo, Mich – cơ sở lưu trữ vắc-xin Covid-19 có kích thước ngang sân bóng. Vắc-xin của Pfizer cần được bảo quản trong kho ở điều kiện -70 độ C. (Ảnh: AP)

Nằm trong những thùng kim loại không dán nhãn và chẳng mang nét gì đặc biệt được lưu trữ tại một phức hợp sản xuất sở hữu bởi Pfizer là thứ chất lỏng mà nhiều người mong rằng sẽ giúp kết thúc đại dịch Covid-19.

Pfizer, công ty dược 171 tuổi và thuộc danh sách Forbes 500, đã cược hàng tỷ USD vào giấc mơ vắc-xin Covid-19. Nằm cách đó chỉ 37 km, thành phố Cambridge, bang Massachusetts là nơi tọa lạc của Moderna – đối thủ trực tiếp nhưng trẻ tuổi của Pfizer. Công ty công nghệ sinh học Moderna mới hoạt động được 10 năm và chưa có bất kì sản phẩm được cấp phép nào nhưng lại không ngần ngại đặt mục tiêu tiếp theo là vắc-xin Covid-19. Họ ồ ạt tuyển dụng nhân lực cho cơ sản xuất của mình với hy vọng làm nên lịch sử và đặc biệt là thật nhiều tiền.

Ở nhiều mặt, tính cách của lãnh đạo được phản ánh qua chính công ty mà họ điều hành. Một bên là Pfizer vừa hợp tác với BioNTech, vừa phải cố gắng để kiềm chế kì vọng công chúng. Mặt khác, Moderna luôn khuấy động cánh truyền thông bằng những thông tin đầy lạc quan, doanh số bán cổ phiếu của các nhà điều hành, và vòng gọi vốn đầy ngoạn mục của mình.

Cả hai đối thủ đều hiễu rõ vị thế của nhau trong cuộc đua trở thành người dẫn đầu.

Dù vậy, điểm chung của họ còn lớn hơn cả cái riêng: cả hai đều dựa vào công nghệ di truyền có tiềm năng cao nhưng đang vướng phải nhiều rào cản sinh học. Công nghệ ấy được gọi là RNA tổng hợp truyền tin (synthetic messenger RNA), một biến thể phức tạp của thứ hợp chất tự nhiên giúp chỉ đạo hoạt động sản xuất protein của tế bào trong cơ thể chúng ta. Chỉ bằng tiềm năng, nó đã giúp thu về hàng tỷ USD từ thị trường chứng khoán, tạo ra và thúc đẩy sự nghiệp khoa học, đồng thời nuôi dưỡng hi vọng rằng đây là bước ngoặt cho phép xã hội quay trở lại bình thường sau nhiều tháng sống trong lo sợ.

Cả hai công ty này đều là những cái tên thường xuyên được cựu tổng thống Trump "hỏi thăm". Họ đều khẩn trương tung ra dữ liệu sơ bộ để mong được cấp phép lưu hành khẩn cấp vắc-xin mình đang nghiên cứu, trước nhất là dành cho nhân viên y tế tuyến đầu và những cá nhân có rủi ro cao mắc Covid-19.

Trên khắp thế giới, số loại vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối đã vượt qua con số 10, nhưng chỉ có sản phẩm của Pfizer và Moderna là sử dụng công nghệ mRNA.

Trong hàng chục năm, các nhà khoa học đã mơ ước về những tiềm năng không giới hạn mà phân tử RNA truyền tin (mRNA) có thể mang lại.

Họ hiểu rõ rằng mRNA là một quyền sách chứa "công thức" để tạo ra hàng nghìn tỷ tế bào của cơ thể, nhưng mục tiêu mở rộng cái "thực đơn" ấy chưa bao giờ là dễ dàng. Ta có thể biến đổi bất kì tế bào nào trong chúng ta thành một nhà máy sản xuất thuốc lưu động theo nhu cầu bằng cách tiêm mRNA tổng hợp đã qua chỉnh sửa vào cơ thể.

Nhưng quá trình biến giấc mơ khoa học ấy thành hiện thực lại còn khó hơn cả những dự đoán trước đó của nhiều người. Và dù là độ phức tạp hay thời gian cần để sản xuất cũng chỉ ngang ngửa so với vắc-xin truyền thống, nhưng vẫn chưa hề có loại thuốc hay vắc-xin mRNA nào được cấp phép lưu hành.

Ngay cả khi mà Moderna và Pfizer thử thuốc của mình trên khoảng 74.000 tình nguyện viên trong các đợt đánh giá vắc-xin chủ chốt của mình, nhiều chuyên gia vẫn nghi vấn rằng liệu đây đã phải là thời điểm thích hợp cho loại công nghệ này hay chưa.

"Tôi lo ngại về việc đánh đổi tính thực dụng cho sáng tạo khoa học," Peter Hotez, giám đốc của Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia trực thuộc Đại học Y khoa Baylor và là một cơ quan có thẩm quyền về vắc-xin, cho biết. Chương trình Operation Warp Speed của chính phủ Mỹ đang "thiên vị cho loại công nghệ chưa từng được cấp phép" bằng cách bảo lãnh cho quá trình nghiên cứu và hứa hẹn mua vắc-xin của Moderna và Pfizer nếu nghiên cứu thành công.

Và dù thế nào đi chăng nữa thì con đường đưa công nghệ này từ một ý tưởng bất ngờ trong phòng thí nghiệm trở thành dược phẩm được chính phủ cấp phép chính là câu chuyện về sự kiên kì cá nhân; nó giúp trao hy vọng và huy động dòng vốn lớn chưa từng có đối với công nghệ sinh học.

Câu chuyện bắt đầu từ 30 năm trước bởi một nhà khoa học kiên trì nhưng chưa mấy tiếng tăm.

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Các nhà khoa học giờ đây có thể thiết kế vật liệu di truyền mRNA để giúp chúng ta xây dựng hệ miễn dịch đối với một vài loại vi-rút, trong đó có cả SARS-CoV-2. (Ảnh: Hyacinth Empinado/STAT)

Trước khi RNA truyền tin trở thành một ý tưởng đáng giá nhiều tỷ USD, nó chỉ được coi là một vùng đất mà hiếm ai biết tới. Và đối với nhà khoa học người Hungary đã làm nên nền tảng của phát kiến về mRNA, nó đã từng là ngõ cụt cho sự nghiệp của bà.

Trong suốt những năm 90 của thế kỉ trước, thứ mà nhà khoa học Katalin Karikó nhận được chỉ là sự chối từ của mọi người. Ý tưởng dùng tiềm năng của mRNA để chiến đấu với bệnh tật vẫn còn quá xa vời đối với trợ cấp chính phủ, vốn từ doanh nhân hay thậm chí là sự ủng hộ từ chính đồng nghiệp của bà.

Trên lý thuyết thì ý tưởng của bà hoàn toàn khả thi. Bởi trong thế giới tự nhiên, cơ thể dựa vào hàng triệu protein tí hon để tồn tại và phát triển khỏe mạnh, nó dùng mRNA để chỉ đạo cho tế bào để sản xuất loại protein cần thiết. Một khi tự thiết kế được loại mRNA của riêng mình, thì trên lý thuyết, ta có thể điều khiển quá trình ấy và tạo ra bất kì loại protein mong muốn nào: từ kháng thể để chống lại sự xâm nhập, en-zim để đảo ngược những căn bệnh hiếm gặp tới các chất tăng trưởng đề phục hồi hư tổn ở mô tim.

Năm 1990, các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin đã thành công trong việc mang công nghệ này lên chuột. Nhưng bà Karikó còn muốn tiến xa hơn thế.

Bà hiểu được vấn đề nằm ở chỗ RNA tổng hợp có một đặc điểm mà ai cũng biết là nó dễ bị tấn công bởi hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, và bị tiêu diệt trước khi chạm tới tế bào mục tiêu. Ngoài ra, những hệ quả tàn phá sinh học có thể gây ra các phản ứng miễn dịch khiến cho bệnh nhân sử dụng liệu pháp này gặp phải những rủi ro sức khỏe.

Đây là một trở ngại thực tế và vẫn tồn tại tới tận ngày nay, nhưng bà Karikó tin rằng mình hoàn toàn có thể tìm được hướng khắc phục. Ít ai lại có được sự tự tin như thế.

"Tối nào làm việc, tôi cũng đều mong mỏi các khoản trợ cấp. Nhưng cuối cùng thứ mà tôi nhận được chỉ là sự chối từ", bà Karikó nhớ lại khi kể về những nỗ lực của mình trong lúc tìm kiếm tài trợ.

Tới năm 1995, sau sáu năm làm giảng viên tại Đại học Pennsynvania (Penn), bà Karikó bị giáng chức. Trước đó, bà đã được đặt vào lộ trình trở thành giáo sư toàn phần, nhưng trước việc không tìm được tiền tài trợ cho những nghiên cứu của mình về mRNA, các lãnh đạo cấp trên đã không tìm ra lý do gì để tiếp tục đưa bà tiến xa hơn.

Bà buộc phải trở lại cấp bậc học vị thấp hơn.

"Quyết định ấy là thứ rất đáng sợ, thường thì, nhiều người sẽ quay lưng, từ bỏ công sức trước đó," bà Karikó cho biết.

Bị giáng chức thì đã đành nhưng năm 1995 ấy còn mang tới nhiều tin buồn khác. Vị giáo sư khi ấy còn suy sụp vì nghĩ rằng mình bị ung thư, chồng bà thì bị kẹt lại Hungary do vấn đề thị thực. Còn mục tiêu mà bà tận tâm cống hiến thì cứ thế từ từ lọt qua kẽ tay.

"Tôi cũng đã nghĩ tới việc từ bỏ và kiếm một công việc khác", Karikó kể. "Có lẽ mình chẳng đủ giỏi, chẳng đủ thông minh. Nhưng tôi đã cố an ủi bản thân bằng suy nghĩ rằng: mình đã có đủ mọi thứ, giờ mình chỉ cần một thí nghiệm hoàn hảo mà thôi".

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Katalin Karikó, phó chủ tịch cấp cao tại BioNTech, phụ trách giám sát nghiên cứu mRNA. Ảnh chụp tại văn phòng tại nhà của bà ở Rydal. (Ảnh: Jessica Kourkounis/Boston Globe)

May mắn thay, suy nghĩ ấy của bà đã tới kịp lúc. Sau một thập kỉ của thử nghiệm và thất bại, bà Karikó và cộng sự lâu năm tại đại học Penn là Drew Weissman – một nhà miễn dịch học có bằng y khoa và có bằng Tiến sỹ từ Đại học Boston – đã tìm ra phương pháp để khắc phục điểm yếu của mARN.

Một trong những nguyên nhân khiến ý tưởng của bà bị từ chối chính là những phản ứng miễn dịch ngoài mong muốn khi tiêm mRNA tổng hợp; bởi khi ấy, cơ thể phát hiện ra chất hóa học xâm nhập và tiến hành tấn công nó. Giải giáp mà bà Karikó và ông Weissman tìm ra chính là tạo ra một diện mạo mới.

Bất kì sợi dây mRNA nào cũng đều được tạo thành từ bốn loại cấu trúc cấp phân tử được gọi là nucleoxit. Nhưng khi ở dưới dạng đã được chỉnh sửa và tổng hợp, một trong những khối cấu trúc ấy lại phản phá bằng cách báo động cho hệ thống miễn dịch. Do đó Karikó và Weissman đã tách nó ra và thay thế bằng một phiên bản đã chỉnh sửa để tạo ra phân tử mARN lai ghép có thể thâm nhập vào tế bào mà không kích động hệ thống phòng thủ của cơ thể.

"Đây là một phát hiện rất quan trọng", Norbert Pardi, một trợ lí giáo sư về y học tại Đại học Penn và cũng là người cộng tác thường xuyên của dự án. "Karikó và Weissman đã phát hiện ra rằng khi kết hợp các nucleoxit đã tùy biến vào mRNA, ta có thể ‘ném một hòn đá trúng hai đích'".

Phát kiến ấy được trình bày trong một chuỗi những báo cáo khoa học kéo dài từ năm 2005; ban đầu, nó thu hút được rất ít sự chú ý nhưng về cơ bản thì nó vẫn là một cách giải quyết mới dành cho các nhà nghiên cứu vẫn còn giữ vững niềm tin với công nghệ này kể từ thuở sơ khai của nó. Và đây cũng là phát súng khởi đầu cho cuộc chạy nước rút để nhanh chóng ra mắt loại vắc-xin mới.

Tuy không nổi tiếng nhưng nghiên cứu của Karikó và Weissman lại lọt vào "mắt xanh" của hai nhà khoa học nổi tiếng – một trong số đó mang quốc tịch Mỹ. Họ là những người sẽ giúp sáng lập nên BioNTech - đối tác tương lai của Moderna và Pfizer.

Derrick Rossi lần đầu biết tới các báo cáo nghiên cứu trên vào năm 2005, khi còn đang là mộttiến sỹ nghiên cứu về sinh học tế bào gốc tại Đại học Standford. Ông ngay lập tức nhận ra đây là một đột phá mới về công nghệ và tin rằng nó xứng đáng được nhận giải Nobel hóa học.

"Nếu ai đó hỏi về người mà tôi sẽ bình chọn thì tôi sẽ không ngần ngại mà đặt họ lên vị trí đầu tiên. Phát kiến nền tảng ấy sẽ sớm được ứng dụng vào dược phẩm để giúp cả thể giới", ông nói.

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Derrick Rossi, một trong những người đã sáng lập Moderna. Ảnh chụp tại nhà của ông tại Newton, Massachusetts. Ông đã chấm dứt quan hệ với công ty này kể từ 2014. (Ảnh: Suzanne Kreiter/Boston Globe)

Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu thêm về phát kiến trên trong phòng thí nghiệm của mình tại Trường Y Harvard ông lại không hề nghĩ tới việc dùng nó để sản xuất vắc-xin.

Mục tiêu của ông với công nghệ này là để tạo ra thứ vật liệu nghiên cứu khan hiếm đối với các nhà khoa học khác: nguồn tế bào gốc từ phôi thai.

Nhờ vào kĩ thuật chuyển hóa sinh học (biological alchemy), tế bào gốc từ phôi thai có thể được biến thành bất kì loại tế bào nào có trong cơ thể. Nó hứa hẹn khả năng chữa trị một loạt các hội chứng đang gây đau đầu giới nghiên cứu: từ Parkinson tới tổn thương tủy sống.

Nhưng việc sử dụng loại tế bào trên để nghiên cứu đã tạo ra làn sóng phản đối vì lí do đạo đức bởi chúng hiện chỉ có thể được thu thập từ phôi thai bỏ đi.

Rossi cho rằng mình có thể kết thúc sự phản đối này. Ông có thể sử dụng phân tử RNA truyền tin đã chỉnh sửa để tái lập trình tế bào người trưởng thành sao cho khiến chúng hoạt động như những tế bào phôi thai gốc.

Ông đã nhờ các đồng nghiệp của mình trong phòng thí nghiệm cùng nghiên cứu ý tưởng này. Năm 2009, sau hơn một năm nghiên cứu, một đồng nghiệp vẫy Rossi lại gần chiếc kính hiển vi. Điều kì diệu xuất hiện khi nhìn vào ống kính, thứ mà ông luôn ao ước tạo ra đang nằm ở ngay trước mắt.

Rossi háo hức thông báo với đồng nghiệp Timothy Springer của mình – một giáo sư tại Trường Y Harvard và cũng là một doanh nhân về công nghệ sinh học. Nhận ra tiềm năng thương mại của thành tựu này, Springer liên lạc với Robert Langer, nhà phát minh và cũng là giáo sư kĩ thuật y sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Vào một buổi chiều trong tháng 5/2010, Rossi và Springer tới gặp giáo sư Langer tại phòng thí nghiệm tại Cambridge. Những gì diễn ra trong cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ và trong những ngày sau đó đã trở thành một huyền thoại rồi kết thúc bằng một cuộc đấu đá vì cái tôi.

Giáo sư Langer là một tượng đài trong công nghệ sinh học và là một chuyên gia về công nghệ sản xuất dược phẩm. Đã có ít nhất 400 công ty về thuốc và vật tư y tế đã trả tiền để được sử dụng bằng sáng chế của ông. Bức tường trong phòng làm việc của ông đang trưng bày một phần không nhỏ trong số 250 giải thưởng nổi tiếng mà ông được trao, nổi bật trong đó là Giải thưởng Charles Stark Draper – thứ được cho là ngang hàng với Giải Nobel đối với kỹ sư.

Ngay khi ông lắng nghe giáo sư Rossi mô tả mục đích sử dụng mRNA đã chỉnh sửa của mình, khi ấy, ông biết rằng công nghệ này sẽ không dừng lại như một cách tạo ra tế bào gốc mà chưa ai nghĩ tới. Giáo sư Langer tin rằng việc bọc phân tử mRNA để nó thâm nhập vào tế bào nhằm tạo ra những protein theo mong muốn sẽ có vô vàn ứng dụng, và thậm chí có thể cứu được mạng sống của nhiều triệu người.

"Tôi tin rằng anh ta có thể làm nhiều thứ hơn thế", Langer nhớ lại những gì mình đã nói với Rossi khi nhắc tới tế bào gốc. "Tôi tin rằng anh có thể tạo ra các loại thuốc và vắc-xin mới, hay thậm chí là bất kì thứ gì".

Hôm ấy, khi về nhà, giáo sư Langer cũng chẳng thể kìm chế nổi sự hào hứng với vợ mình.

Ông kể với bà: "Đây có thể sẽ là công ty thành công nhất trong lịch sử", dù rằng khi ấy chưa có bất kì công ty nào được thành lập.

Ba ngày sau, Rossi lại tiếp tục thuyết trình ý tưởng của mình, nhưng lần này là với ban lãnh đạo của quỹ đầu tư Flagship Ventures. Quỹ này được thành lập và điều hành bởi doanh nhân Noubar Afeyan trứ danh, hiện họ cũng đã sáng lập ra hơn mười công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học. Afeyan sau khi nghe bài thuyết trình, cũng có chung biểu cảm hào hứng giống với giáo sư Langer và khẳng định rằng phát kiến của Rossi "đã ngay lập tức hấp dẫn ông."

Nội trong một vài tháng, Rossi, Langer, Afeyan và một nhà nghiên cứu kiêm bác sỹ khác tại Harvard đã cùng sáng lập công ty mang tên Moderna – từ được ghép bởi hai chữ cái tiếng Anh là "modifed" và "RNA".

Theo lời kể của giáo sư Rossi thì giáo sư Spinger là nhà đầu tư đầu tiên đã xuống tiền. Vào năm 2012, trong một thông cáo báo chí của Moderna, Afeyan cho biết rằng công ty này "hứa hẹn sẽ đối đầu với các công ty công nghệ sinh học lâu đời nhất với tuổi đời không dưới 30 năm, và sẽ sớm khai phá thêm một danh mục thuốc hoàn toàn mới vào kho dược phẩm."

Nhưng dù rằng Moderna đã giúp mỗi nhà sáng lập của mình kiếm được hàng trăm triệu USD từ trước khi nó làm ra được bất kì loại thành phẩm nào thì nỗi cay đắng lại hiện rõ qua con số trong tài khoản của giáo sư Rossi. Trong phiên phỏng vấn với trang tin Globe hồi tháng 10 năm trước, ông lên tiếng trách giáo sư Langer và Afeyan về việc gieo rắc thông tin sai lệch cho rằng chính họ mới là người giúp chỉ ra toàn bộ tiềm năng của ý tưởng mà ông khám phá.

"Nhảm nhí thật sự. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho họ. Họ chẳng làm gì khác ngoài gật gù cái đầu", ông nói. Năm 2014, giáo sư Rossi đã cắt đứt quan hệ với Moderna.

Rossi còn kể rằng bộ tài liệu thuyết trình mà ông sử dụng để giới thiệu về ý tưởng của mình với Flagship cũng đã đề cập tới ứng dụng trong việc sản xuất dược phẩm. "Tôi biết dược phẩm là thứ giúp Noubar biến Flagship thành một công ty lớn, ấy vậy mà hắn cứ oang oang rằng đây là ý tưởng của riêng hắn," giáo sư Rossi kể.

Afeyan, một thành viên trong hội đồng của Moderna, mới đây đã ghi nhận công lao của giáo sư Rossi vì đã xúc tiến công sức của các nhà khoa học tại Đại học Penn, nhưng cũng cho rằng nghiên cứu của Rossi chỉ là thứ đã khiến ông và giáo sư Langer "tự vấn về phần lớn hơn là ‘Liệu ta có thể làm ra được một phân tử chứa mã để giúp điều khiển cơ thể theo ý muốn không?'".

Về phần mình, Langer trả lời với STATGlobe rằng Rossi "đã dẫn lối tới một phát kiến rất quan trọng" nhưng lại chỉ tập chung hoàn toàn "vào ứng dụng về tế bào gốc".

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Robert Langer – nhà sáng chế, giáo sư về kỹ thuật y sinh, đồng sáng lập Moderna. (Ảnh: Pat Greenhouse/Boston Globe)

Bất chấp những bất đồng sau khi Moderna khai sinh, các nhà khoa học khác vẫn tìm thấy công nghệ RNA truyền tin có tiềm năng mang tính cách mạng.

Ở Mainz, Đức, nằm bên bờ sông Rhine là một công ty khác mới thành lập bởi một cặp đôi nhà khoa học đã kết hôn khi được thấy được tiềm năng to lớn của loại công nghệ này, lúc ấy sản xuất vắc-xin cho bệnh truyền nhiễm vẫn chưa là mục tiêu hàng đầu của họ.

Ugur Sahin, nhà khoa học gốc Thổ Nhĩ Kì đã chuyển tới Đức sau khi cha của ông tìm được công việc tại một nhà máy của Ford tại Cologne. Vợ ông, Özlem Türeci thì đã theo nghiệp cha mình là một bác sỹ phẫu thuật tại một bệnh viện Công giáo. Bà và Sahin đều là bác sỹ và có cơ duyên gặp nhau vào năm 1990 khi cùng làm việc tại một bệnh viện ở Saarland.

Hai vợ chồng bác sỹ đều có chung đam mê với liệu pháp miễn dịch – phương pháp tận dụng hệ miễn dịch con người để chiến đấu với bệnh ung thư và đang dần trở thành một trong những phát kiến thú vị nhất trong y học trong những thập kỉ gần đây. Mà cụ thể hơn thì họ luôn mơ về ngày mà loại vắc-xin tùy biến theo cá nhân có thể giúp dạy cho hệ miễn dịch cách để loại bỏ tế bào ung thư được ra đời.

Cả hai người đều nhìn nhận vai trò hàng đầu của bản thân là những nhà khoa học. Nhưng họ cũng là những doanh nhân tài giỏi. Sau khi cùng thành lập nên một công ty công nghệ sinh học, cặp đôi này tiếp tục thuyết phục hai anh em sinh đôi là Thomas và Andreas Strungmann – người đã đầu tư vào dự án trước đó của hai vợ chồng – tiếp tục đầu tư vào một công ty mới có mục tiêu chính là phát triển vắc-xin chữa ung thư bằng công nghệ mRNA.

Công ty ấy sau này đã trở thành BioNTech, cái tên được lấy cảm hứng từ Biopharmaceutical New Technologies (Công nghệ dược phẩm sinh học mới). Trụ sở công ty đặt tại Cambridge. Sahin là CEO còn Türeci đảm nhận vai trò giám đốc y khoa.

"Dù là một trong những công ty tiên phong về công nghệ RNA truyền tin, nhưng chúng tôi không tập chung hoàn toàn vào lĩnh vực này. Thay vào đó chúng tôi là một công ty chuyên nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch", Sahin cho biết.

Giống với Moderna, BioNTech cũng đăng kí sử dụng công nghệ vốn chẳng mấy ai để ý, phát triển bởi nhóm nhà khoa học tại Đại học Penn mà đi đầu là Karikó cùng đồng sự Weissman của bà. Mà thực tế là, vào năm 2013, công ty này đã thuê chính giáo sư Karikó để đảm nhận vai trò phó chủ tịch cấp cao để hỗ trợ việc giám sát quá trình nghiên cứu mRNA.

Song ở những năm đầu đời, Moderna và BioNTech lại hoạt động theo các cách rất khác nhau.

Năm 2011, Moderna thuê một CEO để tìm cách khắc phục cách tiếp cận sai lầm của công ty này đối với lĩnh vực kinh doanh công nghệ sinh học.

Khi ấy Stéphane Bancel đang là một ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực khoa học về sự sống, anh là một kĩ sư hóa học nhưng đồng sở hữu tấm bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của Harvard. Ở tuổi 34, anh đã trở thành CEO của công ty chẩn đoán của Pháp là BioMérieux vào năm 2007, nhưng lại bị Afeyan lôi kéo tới Moderna chỉ bốn năm sau đó.

Moderna gây chấn động vào năm 2012 bằng thông báo rằng công ty này đã gọi vốn được 40 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm dù rằng còn rất lâu nữa thì công ty này mới tiến tới việc thử nghiệm sản phẩm trên người. Bốn tháng sau, gã khổng lồ về dược phẩm của Anh là AstraZeneca đã đồng ý trả Moderna khoảng tiền khổng lồ lên tới 240 triệu USD để mua quyền sử dụng hàng chục loại thuốc mRNA vốn chưa hề tồn tại đối với công chúng.

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Stéphane Bancel, CEO của Moderna, chụp tại văn phòng của công ty ở Cambridge, Massachusetts. (Ảnh: Aram Boghosian/STAT)

Công ty này còn chẳng có bất kì báo cáo khoa học nào đăng tải kèm tên mình và cũng chưa hề hé lộ bất kì thông tin nào với công chúng. Ấy vậy mà bằng một cách nào đó nó đã thuyết phục được giới đầu tư và các hãng dược phẩm đa quốc gia rằng những phát kiến khoa học mà nó tìm được và kiến thức mà đội ngũ của công tỷ sở hữu sẽ thay đổi cả thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Bancel, Moderna còn có thể kêu gọi thêm tới hơn 1 tỷ USD tiền đầu tư và góp vốn hợp tác trong năm năm tới.

Lời hứa của Moderna cũng số tiền hơn 2 tỷ USD mà họ đã huy động được trước khi lên sàn chứng khoán vào năm 2018 đều xoay quanh mục tiêu là tạo ra một nhóm các loại thuốc mRNA có thể được sử dụng với nhiều liều một cách an toàn. Nhưng đằng sau đó, đội ngũ nhà khoa học của công ty này cũng đang đau đầu cũng vì khẳng định ấy. Trong các nghiên cứu với động vật, liều lý tưởng của liệu pháp mRNA mà họ đang phát triển đã gây ra những chuỗi phản ứng miễn dịch nguy hiểm – đây là vấn đề mà giao sư Karikó và cộng sự Weissman của bà đã tìm ra một giải pháp có hiệu quả dưới một vài điều kiện – còn nếu sử dụng liều thấp hơn thì lại quá yếu để tạo ra bất kì lợi ích đáng kể nào.

Moderna cần phải tìm cách xoay xở mới. Nếu các liều lặp thường xuyên của thuốc mRNA quá độc đối với cơ thể con người, họ sẽ phải phụ thuộc vào loại sản phẩm mới có tác dụng chỉ sau một hoặc hai liều tiêm. Và thế là trở ngại ấy đã đưa đẩy công ty này trở thành công ty sản xuất vắc-xin, khiến họ phải trì hoãn không thời hạn chỗ thuốc đang thử nghiệm để chuyển sang ba hoa về tiềm năng của lĩnh vực mà từ lâu đã bị cả ngành công nghiệp dược phẩm coi là thất bại.

Trong khi đó BioNTech lại hoạt động theo kiểu ngược lại, và thu hút rất ít sự chú ý.

Sahin cho rằng một phần lý do nằm ở cấu trúc mà họ dùng để xây dựng công ty. Trong năm năm đầu, công ty này hoạt động ở chế độ "tàu ngầm": không thông cáo báo chí và tập chung hoàn toàn vào nghiên cứu khoa học mà đa số trong đó là có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm trường đại học của anh Sahin. Khác với Moderna, công ty này còn bắt đầu đăng tải các báo cáo nghiên cứu của mình từ ngay khi thành lập, tổng số lên tới khoảng 150 báo cáo khoa học được đăng tải trong khoảng từ 8 năm trở lại đây.

Vào năm 2013, công ty này bắt đầu tiết lộ tham vọng muốn biến đổi hướng tiếp cận chữa trị căn bệnh ung thư và không lâu sau đó là thông báo về việc hợp tác với một chuỗi tám công ty dược phẩm lớn. BioNTech hiện đang có 13 hợp chất đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng cho nhiều loại bệnh khác nhau, và chưa hề có sản phẩm nào được phê duyệt.

Khi mà BioNTech lần đầu ra mắt trước công chúng vào tháng 10 năm ngoái, họ đã huy động được 150 triệu USD tiền vốn, giá trị thị trường công ty khi ấy đạt 3,4 tỷ USD – ít hơn một nửa so với thời điểm Moderna ra mắt hồi năm 2018.

Và dù nắm chức CEO nhưng Sahin vẫn dành phần lớn thời gian của mình trong không gian học thuật. Anh vẫn còn sử dụng địa chỉ email của trường đại học và đi làm bằng chiếc xe đạp leo núi sản xuất từ 20 năm trước vì chưa có cả bằng lái xe.

Và rồi, cuối năm 2019, cả thế giới đã thay đổi.

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Cơ sở Norwood của Moderna (Ảnh: Alex Hogan/STAT)

Gần nửa đêm ngày 30/12, Hiệp hội quốc tế về các bệnh truyền nhiễm – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Massachusetts – đã đăng tải một bài viết cảnh báo. Trong đó đưa thông tin về một vài người ở Vũ Hán, một thành phố 11 triệu dân nằm của Trung Quốc, đã được chẩn đoán mắc chứng "viêm phổi không rõ nguyên nhân".

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhanh hóng tìm ra 41 bệnh nhân nhập viện với chứng bệnh này. Đa số trong số họ đều đã đi tới Chợ hải sản Vũ Hán. Ở đây, động vật hoang dã còn sống, từ chuột tre tới đà điểu được bày bán trong những quầy hàng đông đúc. Điều này đã gây ra lo ngại rằng vi-rút rất có thể đã lây nhiễm từ động vật mà khả năng cao là loài rơi.

Sau khi phân lập được mẫu vi-rút từ bệnh nhân, các nhà khoa học Trung Quốc đã đăng tải chuỗi mã gen của nó vào ngày 10/1. Do các công ty nghiên cứu về mRNA không cần phải có mẫu vi-rút để tạo ra vắc-xin, họ chỉ cần một chiếc máy tính để giúp xác định các loại hóa chất cần có và thứ tự sử dụng. Thời điểm cấu trúc gen của vi-rút được đăng tải chính là phát súng khởi đầu cuộc đua của các nhà nghiên cứu tại Moderna, BioNTech và các công ty khác.

Đại dịch bùng nổ. Chẳng khó hiểu khi tự nhiên các công ty lại cùng tập chung vào nghiên cứu vắc-xin.

Moderna và BioNTech đều tự thiết kế một mẫu mã gen để đưa vào tế bào nhằm kích thích phản ứng miễn dịch với vi-rút corona. Điểm khác giữa sản phẩm của hai công ty nằm ở cấu trúc hóa học, cách thức sản xuất ra từng thành phần và phương pháp để đưa mRNA thâm nhập vào tế bào. Cả hai loại vắc-xin đều cần sử dụng đủ hai liều, mỗi liều giãn cách nhau một vài tuần.

Đó là khoảng thời gian mà các công ty công nghệ sinh học chạy đua với hàng chục đối thủ khác nhau, mà mỗi đối thủ lại có các thức tiếp cận của riêng mình, trong đó có cả phương pháp truyền thống và tốn thời gian hơn là sử dụng mẫu vi-rút bất hoạt để tạo ra phản ứng miễn dịch.

Thế là đột nhiên điều kiện lại trở thành thuận lợi đối với Moderna.

Chỉ 42 ngày sau khi mã gen vi-rút được công bố, CEO của Moderna là Bancel đã mở một bức email ra đọc vào ngày 24/2 trên điện thoại và mỉm cười. Trên màn hình anh khi ấy là bức ảnh chụp một chiếc hộp đặt trong một xe tải đông lạnh tại nhà máy Norwood, chiếc xe này đang chuẩn bị để rời đi tới Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kì tại Bethesda, Maryland. Gói hàng chứa tổng cộng vài trăm lọ thuốc mà trong đó là mẫu vắc-xin mà họ đang thử nghiệm.

Moderna trở thành công ty đầu tiên mang sản phẩm của mình đi thử nghiệm lâm sàng. Rồi chẳng mấy chốc, sản phẩm của của họ lại trở thành loại vắc-xin đầu tiên được thử nghiệm trên người trong bước đánh giá sơ bộ ban đầu. Và vào ngày 28/7, họ vẫn tiếp tục đi đầu khi bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối với tâm thế cởi mở hết sức với cánh truyền thông.

Tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin của Moderna trong giai đoạn thử nghiệm cuối là một người dẫn chương của CNN thường trú tại Savannah, Georgia. Đây là một động thái khiến các hãng sản xuất vắc-xin khác bất ngờ.

Nhưng bên cạnh những thành tựu kể trên, Moderna cũng vướng vào không ít những tranh cãi.

Vào ngày 18/5, Moderna đã đăng tải một thông cáo báo chí để "khoe" rằng "dữ liệu lâm sàng tạm thời đang rất tích cực". Công ty này khi ấy cho biết rằng vắc-xin của họ đã tạo ra được kháng thể trung hòa ở tám tình nguyện viên đầu tiên trong giai đoạn đầu của thử nghiệm.

Nhưng Moderna lại không hề cung cấp bất kì thông tin bổ sung nào, do đó khó có thể nhìn nhận được tính tích cực thật sự của kết quả trên. Nhưng dù vậy thì trong ngày hôm ấy, giá cổ phiếu của Moderna đã tăng thêm 20%.

Một vài nhà điều hành cấp cao của Moderna cũng thu hút sự chỉ trích vì đã bán hàng triệu USD cổ phiếu, trong đó có cả Bancel và giám đốc y khoa của công ty là Tal Zaks.

Thêm vào đó, một vài người còn chỉ trích rằng chính phủ đã cho Moderna một ưu đãi quá hời khi quyết định rằng họ sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phát triển vắc-xin và hứa hẹn sẽ mua ít nhất 100 triệu liều, tổng hai khoản này có giá lên tới 2,48 tỷ USD.

Nếu chia đều ra thì mỗi liều vắc-xin sẽ có giá là 25 USD, mức giá bán được cho là đã có lời đối với Moderna.

Chính phủ Hoa Kì cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ Johnson & Johnson hơn 1 tỷ USD để sản xuất và đổi lấy tối thiểu 100 triệu liều vắc-xin không sử dụng công nghệ mRNA. Khi ấy J&J đang cộng tác với đơn vị Nghiên cứu Vi-rút và Vắc-xin của Trung Tâm Y học Beth Isreal Deaconess và đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối. Nhưng khác với Moderna, J&J hứa sẽ bán vắc-xin không lãi trong giai đoạn đại dịch còn tiếp diễn.

Còn ở phía nước Đức, Sahin, giám đốc của BioNTech, trả lời trong một bài viết đăng tải trong tháng Một năm ngoái trên trang Lancet rằng việc đại dịch bùng phát tại Vũ Hán – một trung tâm của hợp tác quốc tế - đã thúc giục anh phải hành động ngay lập tức.

Anh nói: "Chúng tôi ngay lập tức hiểu được rằng đây sẽ trở thành một đại dịch".

Ngay ngày hôm sau, anh tổ chức cuộc họp với đội ngũ lãnh đạo của công ty.

"Tôi nói với họ rằng chúng ta cần phải tìm cách đối phó vì chắc chắn nó sẽ tràn tới Đức", anh kể

Anh còn kể rằng, khi ấy anh cần một đối tác đủ mạnh để sản xuất vắc-xin và ngay lập tức nghĩ tới Pfizer. Trước đây, hai công ty đã làm việc với nhau để cùng phát triển vắc-xin mRNA. Tháng Ba năm trước, Sahin đã gọi cho chuyên gia hàng đầu về vắc-xin của Pfizer là Kathrin Jansen.

"Tôi đã hỏi xem liệu Pfizer có hứng thú muốn nhập hội với chúng tôi hay không và cô đồng ý ngay mà chẳng cần tham khảo ý kiến của ai", Sahin nhớ lại.

Philip Dormitzer, giám đốc khoa học phụ trách nghiên cứu vắc-xin của Pfizer khẳng định rằng phát triển vắc-xin corona "không hề quá khó khăn đối với một công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm vắc-xin".

Pfizer hiện có khoảng 2.400 nhân viên tại Massachusetts, riêng tại nhà máy ở Andover đã có tới 1.400 nhân viên. Một phần ba số nhân lực trên đang sản xuất vắc-xin cho chi nhánh đặt tại New York, Mỹ.

Pfizer hoàn toàn không nhận trước bất kì khoản "đặt cọc" nào từ chính phủ Hoa Kì. Thay vào đó, chính quyền liên bang sẽ trả cho cả quan hệ hợp tác trên 1,95 tỷ USD để đổi lấy ít nhất 100 triệu liều vắc-xin nếu nó được phê duyệt.

Albert Bourla, người đã trở thành CEO của Pfizer sau hơn 25 năm cống hiến cho công ty, đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn với "Face the Nation" hồi tháng Chín rằng nếu nỗ lực của hợp tác Pfizer – BioNTech thất bại, công ty của họ sẽ chấp nhận toàn bộ thiệt hại về tài chính. Ông giải thích việc Pfizer từ chối nhận hỗ trợ sớm của chính phủ là để bảo vệ gã khổng lồ dược phẩm này khỏi chính trị.

"Tôi muốn giải phóng tất cả các nhà khoa học của mình khỏi bất kì cơ quan chính phủ nào. Nguồn từ đâu không quan trọng nhưng một khi đã cầm tiền thì tức là đã tự đưa đầu vào tròng," ông nói.

Khác với bê bối của Moderna, các lãnh đạo cấp cao của Pfizer cũng ít bán cổ phiếu công ty hơn kể từ khi đại dịch bùng nổ.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Ủy bản Chứng khoán và Thương mại Hoa Kì thì kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu vào cuối năm 2019, lãnh đạo của BioNTech chưa hề bán bất kì cổ phẩn nào. Tuy vậy, theo Forbes thì nhờ vào đà tăng mạnh của giá cổ phiếu Moderna và BioNTech mà cả Sahin và Bancel đều đã trở thành tỷ phú.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ mối quan ngại khi chúng ta đang quá vội vã đưa loại vắc-xin sử dụng công nghệ lần đầu xuất hiện này vào cơ thể của hàng trăm triệu người.

"Loại vi-rút này mang trên mình rất nhiều biến đổi thay đổi kì lạ về bệnh lí và lâm sàng, ấy thế mà ta lại cố xử lý những dị biến ấy với một loại vắc-xin mà mình chưa hề có kinh nghiệm sử dụng", Paul Offit, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia và tại một cơ quan về tiêm chủng, cho biết.

Từ một ý tưởng bị coi thường và bỏ qua trở thành công nghệ hàng đầu trong cuộc đua vắc-xin COVID

Mẫu máu đang chờ xử lý của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm Đợt 3 của Moderna tại phòng thí nghiệm của trường Y Đại học Miami Miller (Ảnh: Taimy Alvarez/AP)

Một vài công ty dược phẩm khác cũng đã phát triển thử nghiệm loại vắc-xin mRNA nhưng lại không thể tiến xa như các đối thủ khác. Ví dụ chính là công ty CureVac, một công ty công nghệ sinh học khác của Đức và Translate Bio – công ty đã hợp tác với gã khổng lồ trong lĩnh vực tiêm chủng của Pháp là Sanofi Pasteur.

Pfizer bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối của mình vào ngày 27/7 năm trước - cùng ngày với Moderna, những tình nguyện viên đầu tiên sẽ được tiêm tại trường Đại học Rochester. Họ đã công bố kết quả ban đầu đầy hứa hẹn của mình về thử nghiệm trên vào tháng 10 năm ngoái và mong rằng sẽ sớm có đủ thông tin để được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Moderna cũng chẳng tụt lại quá xa. Phát ngôn viên Ray Jordan của công ty này khẳng định rằng các lãnh đạo của công ty đã sớm dự trù được việc Pfizer sẽ tung ra kết quả thử nghiệm lâm sàng trước Moderna, một phần nguyên do nằm ở khoãng giãn cách tiêm của loại vắc-xin đối thủ. Những người tiếp nhận sử dụng vắc-xin của Pfizer đều sẽ được tiêm hai mũi, mỗi mũi cách nhau 3 tuần, trong khi đó thì vắc xin của Moderna cũng sẽ tiêm hai mũi nhưng lại cách nhau tới 4 tuần.

Đánh dấu một bước tiến mới đầy hào hùng, ông ví thông tin tích cực của Pfizer giống như "một bước quan trọng cho ngành y học sử dụng mRNA".

Jordan khẳng định lại: "Chúng tôi đã từng nói rằng thế giới này cần nhiều hơn là chỉ mỗi vắc-xin Covid-19. Mục tiêu của chúng tôi hiện còn nằm ở xa hơn thế."

Trung ND (Theo STAT)