Hà Nội: Chủ động các phương án đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:47, 19/07/2021

Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng.
Ha Noi: Chu dong cac phuong an dam bao cung ung du hang hoa thiet yeu hinh anh 1Lãnh đạo Hà Nội họp với các đơn vị về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh COVID-19 xảy ra. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chiều 19/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành và doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Tăng dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong nhiều năm, thành phố Hà Nội đã có chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường.

Từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành Công Thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn.

Để ứng phó với dịch COVID-19, Sở Công Thương đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng một tháng với giá trị 21.000 tỷ đồng; đồng thời, từ đó Sở đã đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194.000 tỷ đồng.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên suốt 7 tháng qua, dù dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa trên địa bàn Thủ đô vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Qua khảo sát thực tế, theo lãnh đạo Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã xác định được nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, cũng như chuẩn bị lượng hàng dự trữ theo sự chỉ đạo của thành phố hiện tại đủ phục vụ nhu cầu người dân.

Về thương mại điện tử, trong điều kiện dịch bệnh nhưng phát triển tốt, nhiều doanh nghiệp có 1-3 trang thương mại điện tử để phục vụ người dân.

“Do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua thương mại điện tử; nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định. Nên tính đột biến sản lượng và giá cả không bị biến động,” bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Cũng theo bà Lan, đến thời điểm này, thuận lợi nhất là dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát nên việc cung ứng hàng hóa đang thuận lợi. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến mới đạt 60% công suất và sẵn sàng nâng lên 100% khi có nhu cầu.

Đáng chú ý, trong chiều 18/7, trước thông tin thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, tại một số địa điểm có hiện tượng nhiều người dân đi mua sắm hàng dự trữ, nhưng hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời điểm ngắn.

“Sáng nay, Sở Công Thương đã đi kiểm tra và thấy hàng hóa bình thường, sức mua có tăng hơn nhưng vẫn bảo đảm hàng hóa dồi dào, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng,” bà Lan nói.

Chủ động trong mọi tình huống

Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản, làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất, lưu tại kho của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp tại Hà Nội.

Ha Noi: Chu dong cac phuong an dam bao cung ung du hang hoa thiet yeu hinh anh 2Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, từng điểm bán hàng cũng đang thực hiện trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân… đồng thời sẵn sàng cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng trên địa bàn trong mọi tình huống.

Dù vậy, một số doanh nghiệp cũng đề xuất lãnh đạo thành phố kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên cho một số lực lượng phục vụ trực tiếp (nhân viên lái xe chở các mặt hàng thiết yếu, nhân viên phục vụ, bán hàng tại các cửa hàng) được tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn từ tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, rau xanh và thực phẩm tươi sống đang thiếu, vì vậy, đề nghị ngành nông nghiệp Thủ đô cần tập trung chú ý hơn đến việc khuyến khích các huyện ngoại thành chủ động chuyển đổi trồng những sản phẩm rau xanh, gia cầm, thịt cá để phục vụ nhân dân Thủ đô trước khi trông chờ từ các tỉnh thành khác chuyển về.

Trước các ý kiến đưa ra, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh, về tinh thần ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, phải bảo đảm sự an toàn cho người dân, cho xã hội.

Ông đề nghị sau cuộc họp này, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các nội dung thảo luận, chia sẻ tại cuộc họp để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị.

"Người đứng đầu các đơn vị phải nhập vai vào tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để chỉ đạo ngay từ đơn vị mình," ông Quyền lưu ý.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, lãnh đạo thành phố đề nghị ngành Nông nghiệp, cần tính theo lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn trong một thời gian dài (có thể là hết năm), do vậy ngành cần tính toán ở bối cảnh cách ly có thể ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất, từ đó xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng loại rau sạch, củ quả nào; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhắc Sở Giao thông vận tải thành phố căn cứ những thông tin của Sở Công Thương về tổng hợp các điểm bán hàng để phân phối, Sở cần xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.

Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng.

Cùng đó, tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.

Ông Quyền đề nghị các lực lượng Công an, Quân đội, Đoàn Thanh niên theo nhiệm vụ Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã giao, cùng vào cuộc, tham gia bảo đảm cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân./.


Xuân Quảng (Vietnam+)

Xuân Quảng (Vietnam+)