Những 'bàn tay vàng' mang lại ánh sáng cho hàng ngàn người bệnh ở Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt -Nga

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:19, 19/07/2021

Những năm qua hệ thống Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga đã có nhiều đóng góp vào mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng thông qua việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều bàn tay vàng trong khám chữa bệnh chuyên ngành nhãn khoa đã chọn nơi đây cống hiến, đem lại ánh sáng cho hàng ngàn người bệnh….

Bác sĩ nhãn khoa người Nga hơn 10 năm bén duyên với Việt Nam

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành nhãn khoa, TS.BS bậc cao Boris Fattakhov – Liên Bang Nga đã phẫu thuật thành công hơn 40.000 ca trong đó hơn 25.000 ca tại Việt Nam.

Năm 1988, ông đã tốt nghiệp Đại học Y Quốc gia Baskir và được tiếp nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu các bệnh về mắt UFA. Trong thời gian làm việc ở Nga, ông đã có nhiều phát minh, công trình nghiên cứu và đăng kí sáng chế cho các phương pháp điều trị bệnh lý nhãn khoa. Năm 2011, Tổng thống Bashkotostan thuộc Liên Bang Nga đã tặng ông danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Ngày 16/06/2010 ông được Bộ Y tế Liên Bang Nga trao tặng danh hiệu “Bác sỹ tâm huyết trong nhiều năm”.

TS.BS người Nga khám mắt cho bệnh nhân.

Lần đầu tiên ông đến Việt Nam vào năm 2012 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Viện nghiên cứu các bệnh về mắt UFA tới tham dự buổi lễ khai trương Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga cơ sở 2. Dựa vào tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Liên Bang Nga bền chặt, thân thiết, ông và các bác sĩ đã được đề cử công tác và điều trị cho bệnh nhân ở Việt Nam. Chuyến công tác kết thúc sau một thời gian làm việc, các đồng nghiệp của ông đều lần lượt từng người trở về quê hương xứ sở bạch dương.

Duy chỉ có mỗi ông còn thấy vương vấn nơi đây. Bác sĩ người Nga đã quyết định quay lại Việt Nam làm việc sau khi nghỉ hưu ở Viện nghiên cứu tại quê nhà. Bằng tài năng, chuyên môn cao, lòng nhân ái và tâm huyết với nghề, ông tiếp tục cống hiến, chữa trị cho hàng ngàn, hàng triệu bệnh nhân mắc các bệnh về mắt ở Việt Nam và thủ đô Hà Nội tại tập đoàn y tế Việt- Nga.

Bệnh nhân tham khảo tư vấn của các bác sĩ sau khi khám mắt.

Khi mới sang Việt Nam, ông chia sẻ: “Lúc đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, thói quen lối sống thay đổi,… Nhưng nhờ có các đồng nghiệp ở Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga hỗ trợ, giúp đỡ tôi làm quen với công việc, môi trường sống nên tôi đã thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam nhanh chóng”. Dần dần, ông trở nên yêu thích, quen thuộc nơi đây, ông coi Việt Nam chính là ngôi nhà thứ hai của mình.

Bệnh nhân đến tái khám sau phẫu thuật mắt.

Tính đến nay, TS.BS Boris đã  công tác tại Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga khoảng hơn 10 năm. Có những lúc nhớ gia đình, nhớ vợ con, cũng có những lúc gặp khó khăn trong công việc nhưng vì tình yêu với đất nước, con người Việt Nam quá cháy bỏng khiến cho ông muốn tiếp tục ở lại cống hiến, chữa trị cho các bệnh nhân đang gặp vấn đề về bệnh lý nhãn khoa. Mong muốn của ông là giúp cho người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em Việt – những chủ nhân tương lai của đất nước – có được một đôi mắt sáng, đẹp và khỏe mạnh để xây dựng, đóng góp cho tổ quốc.

“Tôi chọn Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt -Nga cống hiến tiếp tục bởi nơi đây có điều kiện cơ sở vật chất tiên tiến cùng với các loại máy móc hiện đại”

Tranh thủ thời gian trên chuyến xe đi công tác từ Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga cơ sở Hà Nội (Nhà C2, Làng Quốc Tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội (đối diện 143 Trần Đăng Ninh) tới cơ sở tại Hạ Long (Nhà A6 Khu đô thị Monbay, Hạ Long, Quảng Ninh) trong chương trình mổ mắt nhân đạo cho người nghèo, BS Vũ Thị Thanh mới có một chút thời gian rảnh rỗi để trò chuyện với chúng tôi.

BS Thanh chia sẻ: “Sẽ khó để có thể quên được những nụ cười, giọt nước mắt hạnh phúc của bệnh nhân nhìn được trở lại cuộc đời sau nhiều năm họ chỉ nhìn cuộc sống qua những tấm màng màu trắng. Nên tôi luôn nỗ lực cập nhật những công nghệ tiên tiến trên thế giới vào công tác khám, chữa bệnh. Mọi hoạt động của tôi và đồng nghiệp đều hướng đến mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng. Tôi hy vọng những hành động nhỏ của mình và đồng nghiệp sẽ giúp lan tỏa tinh thần nhân văn, chia sẻ trong cộng đồng của tất cả mọi người.”

BS Thanh làm việc tại Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1992, BS Thanh được phân công công tác tại khoa Mắt - Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). Năm 1998, BS Vũ Thị Thanh cùng một số bác sĩ đã được cử sang Ấn Độ học phương pháp phẫu thuật Phaco.

Với những nỗ lực phấn đấu trong công tác cũng như chuyên môn nghiệp vụ, tháng 7/2010, BS Vũ Thị Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội nhưng bà vẫn tham gia các hoạt động chuyên môn trong việc hội chẩn và mổ trực tiếp những ca bệnh khó.

Sau khi BS Thanh nghỉ hưu ở Bệnh viện Mắt Hà Nội vào cuối năm 2020, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn y tế Việt – Nga, Dương Chí Kiên đã tin tưởng và tín nhiệm mời bà về đảm nhận chức vụ Giám đốc Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga vào đầu năm 2021.

“Tôi chọn đây là nơi cống hiến nửa đời còn lại bởi bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất tiên tiến cùng với các loại máy móc hiện đại nhất hiện nay có thể hỗ trợ tối đa trong phẫu thuật khúc xạ, phẫu thuật phaco,… Ngoài ra, Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga có mối quan hệ giao lưu đối ngoại thân tình với các Viện nghiên cứu, Viện khoa học, Trung tâm nhãn khoa lớn nhất tại nước Nga. Từ đó, tôi và các bác sĩ tại bệnh viện có cơ hội được trao đổi, giao lưu về mặt chuyên môn với các tiến sĩ, chuyên gia nghiên cứu nhãn khoa hàng đầu nước ngoài”- BS Thanh nói.

Bệnh nhân đến khám bệnh đục thủy tinh thể ở Bệnh viện mắt Quốc tế Việt - Nga.

Theo BS Thanh, kinh nghiệm lâu năm cũng như tay nghề chuyên môn cao của bác sĩ chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ thành công trong quá trình điều trị. Dựa vào kinh nghiệm dày dặn, chuẩn đoán bệnh đúng, điều trị tốt thì sức khỏe của người bệnh mới hồi phục nhanh và khỏe mạnh như mong muốn.

BS Thanh phẫu thuật Phaco tại Bệnh viện mắt Quốc tế Việt – Nga cơ sở Hạ Long.

Từ thực tiễn khám chữa bệnh, BS Thanh cũng chia sẻ: Nếu như trước kia, đục thủy tinh thể là bệnh “đặc quyền” của tuổi già thì ngày nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, hiện số người trẻ mắc bệnh đục thủy tinh thể chiếm khoảng 30% số bệnh nhân.

Nguyên nhân gây bệnh có rất nhiều như là môi trường ô nhiễm, hiện tượng nóng lên toàn cầu; thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử ( tivi, máy tính, điện thoại di động,…); sử dụng thuốc sai quy định, không theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến việc mắt bị ảnh hưởng xấu bởi tác dụng phụ của thuốc hoặc do biến chứng của bệnh tiểu đường, béo phì, thiếu vitamin,…

Để phòng bệnh đục thủy tinh thể, người dân nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin E, vitamin C,…; tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…; sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động; uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

“Đặc biệt khuyến cáo người dân nên kiểm tra thị lực định kỳ, ít nhất 01 lần trong năm nhằm phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm và điều trị kịp thời để hạn chế tối đa quá trình đục thủy tinh thể”- BS Thanh nói.

 Lan Nhi