Windows 11 là "vũ khí tối thượng" giúp Microsoft chống lại Apple
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:19, 12/07/2021
Sau 6 năm ra mắt, Microsoft quyết định làm mới Windows 10 bằng cách tung ra phiên bản tiếp theo cho hệ điều hành máy tính. Thoạt nhìn, Windows 11 sẽ có thiết kế tinh giản tương tự như các thiết bị chạy Android và iOS.
Microsoft cũng bổ sung một loạt tính năng giúp người dùng học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch, như tích hợp phần mềm trò chuyện video trực tuyến, công nghệ xử lý hình ảnh cho trò chơi điện tử hay các nút và cửa sổ được thiết kế lại trông hiện đại và trực quan hơn.
Song Microsoft tin rằng, điểm bán hàng độc nhất là cái mà họ không có. Sau khi công bố Windows 11 vào 24/6, CEO Satya Nadella cho biết, công ty đang hướng tới một hệ điều hành có thể để làm việc với càng nhiều sản phẩm càng tốt, bao gồm các phần mềm cạnh tranh trên kho ứng dụng khổng lồ của Android. Trước tiên, để thực hiện được kế hoạch này, Microsoft sẽ nâng cấp miễn phí Windows 11 từ các phiên bản cũ vào cuối năm nay.
"Thế giới đang cần một nền tảng cởi mở, nơi cho phép các ứng dụng được phát huy tác dụng một cách liền mạch. Windows sẽ trở thành một nền tảng rộng lớn hơn những thứ mà Windows có thể làm", vị CEO cho biết.
Để thúc đẩy quan điểm này, Satya Nadella đã mời Google đưa kho ứng dụng Play Store lên Windows. Đồng thời mở cửa cho các nhà phát triển hoạt động trên Microsoft Store thông qua chính sách ưu đãi phí, thấp hơn nhiều mức 30% hoa hồng mà Apple đưa ra, trong khi Google sẽ thu ít nhất 15%. Bên cạnh đó, ông cũng hoan nghênh FaceTime và các công nghệ khác được đưa lên Windows 11 và Microsoft Store.
"Chúng tôi muốn xóa bỏ những rào cản vẫn đang tồn tại và mang đến sự lựa chọn và kết nối thực sự. Hệ điều hành và thiết bị được sinh ra để đáp ứng nhu cầu của người dùng, chứ không phải ngược lại", CEO người Ấn Độ cho biết.
Bước chuyển mình của Microsoft
Động thái của gã khổng lồ công nghệ Mỹ đối với Windows 11 đánh dấu sự thay đổi mới trong việc biến hệ điều hành máy tính thành một nền tảng đồng nhất. Hai thập kỷ trước, những nỗ lực đè bẹp các đối thủ cạnh tranh với Windows của Microsoft đã dẫn đến cáo buộc công ty vi phạm độc quyền và mở ra vụ kiện lớn nhất thế kỷ.
Chưa kể, các hoạt động của Microsoft thời điểm đó phản cảm đến mức khiến giới công nghệ mỉa mai khi gọi tên công ty là "M$" vì chỉ luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà bỏ qua nhu cầu của người dùng sản phẩm.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến các đối thủ cạnh tranh khác khi vào đầu những năm 2000, Google đã tiếp thị công cụ tìm kiếm non trẻ của mình với slogan "Đừng trở nên ác độc" (Don't be Evil) hay Apple khởi động chiến dịch "Chọn máy Mac" (Get a Mac) cho thị trường máy tính vào năm 2005. Thời điểm bấy giờ, Google và Apple xem sản phẩm PC do Microsoft cung cấp là những kẻ ngốc nghếch và kiêu ngạo.
Nhưng cho đến những năm gần đây, mọi chuyện đã thay đổi. Năm 2015, Google thay khẩu hiệu cũ thành "Làm điều đúng đắn" (Do the right thing). Được biết, sự thay đổi không phải ngẫu nhiên này bắt nguồn từ việc gã khổng lồ tìm kiếm đang phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền từ các cơ quan, tổ chức.
Trong khi đó, Apple lại vướng vào loạt vụ lùm xùm liên quan đến iPhone và App Store về cách quản lý. Các chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra sau khi nhận được kiến nghị từ các ứng dụng lớn như Tinder, Spotify hay Fornite.
Ngược lại, CEO Microsoft đã thực hiện nhiều thay đổi lớn kể từ khi ông được bổ nhiệm vào năm 2014. Satya Nadella đã đơn giản hóa quy trình đàm phán giữa Microsoft với các đối tác, đối thủ cạnh tranh hay thậm chí ngay cả với nội bộ công ty.
Giờ đây, với Windows 11, Microsoft nhận thấy cơ hội để nổi bật giữa đám đông hơn là chỉ cạnh tranh đơn thuần. Microsoft dự định tung ra Windows 11 vào cuối năm nay, sau giai đoạn thử nghiệm beta công khai vào mùa hè năm nay. Nhiều khả năng bản cập nhật của Microsoft sẽ cập bến vào tháng 10, cùng thời điểm Apple phát hành phần mềm mới cho iPhone, iPad và máy Mac hàng năm.
Maribel Lopez, một nhà phân tích từ Lopez Research cho biết: "Giờ là lúc Microsoft trỗi dậy". Từ lâu, Nadella đã nói với các nhà phát triển rằng Microsoft đã trở nên cởi mở và dễ phát triển hơn với hàng trăm triệu PC bán ra mỗi năm. Nhờ đó, Windows vẫn được xem như một nền tảng đầy tiềm năng.
Ngay cả trở ngại lớn nhất của Microsoft là việc thiếu hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh cũng đang dần được giải quyết khi các chip di động bắt đầu xuất hiện trên nhiều PC và các ranh giới ngày càng mờ đi.
Song, điều đó không có nghĩa là con đường phía trước của Microsoft sẽ trải đầy hoa hồng. Mặc dù công ty đang tạo điều kiện cho hệ điều hành độc nhất của mình dễ tiếp cận với các nhà phát triển hơn, thì đối thủ của họ là Apple vẫn có trong tay hai nền tảng phổ biến là iOS và MacOS.
Phiên bản Windows kế tiếp
Vào những năm 1990, khi máy tính và Internet còn là những khái niệm khá xa lạ, Microsoft có nhiệm vụ đặt một chiếc máy tính lên trên bàn của mọi ngôi nhà. Đến năm 2015, nhiệm vụ đó đã thành công mỹ mãn và nền tảng đó thậm chí còn giúp nhét một chiếc máy tính vào túi quần mỗi người.
Vậy Microsoft sẽ làm gì tiếp theo? Nadella muốn "trao quyền cho mọi tổ chức và cá nhân trên hành tinh để đạt được nhiều thành tựu hơn". Điều này khá kỳ quặc khi nghĩ rằng Microsoft là một công ty có sản phẩm giúp các công ty khác thành công cùng với sản phẩm của họ.
Nhưng Microsoft sẽ không hoàn toàn mất đi cái cũ. Các chuyên gia phân tích tin rằng những tuyên bố đánh bại Apple mà Nadella đưa ra trong bài phát biểu ra mắt Windows 11 không chỉ để lật đổ thù lớn nhất của Microsoft mà ông thực sự rất nghiêm túc với kế hoạch của mình.
Microsoft đã, đang và sẽ nỗ lực hơn nữa để các ứng dụng Office, Teams và nhiều phần mềm khác hoạt động mượt mà trên iPhone, iPad và Mac. Trái lại Apple hầu như không cập nhật iTunes trên Windows và vẫn chưa cho dùng FaceTime trên Windows.
Microsoft đã từ chối không cho Nadella tham dự cuộc thảo luận về động lực đằng sau bài phát biểu nhằm vào Apple của ông. Nhưng dù lý do có là gì đi chăng nữa, hành động của Nadella cho thấy rằng bên dưới lớp vỏ bọc mong manh của Microsoft, họ vẫn còn đó ý thức kinh doanh độc quyền.
Nhà phân tích Roger Kay của Endpoint Technologies Associates cho biết: "Tôi có thể hiểu vì sao Microsoft ghen tị với Apple. Vì mọi người đều cúi đầu trước công ty đó như một lá bùa hộ mệnh mà không hiểu lý do vì sao".
Nhưng khiêu khích Apple là chưa đủ để thay đổi nhận thức của mọi người. Năm 2001, 9 trên 10 máy tính trên hành tinh chạy hệ điều hành Windows. Trong khi ngày nay con số đó đã giảm còn 7 trên 10, theo StatCounter.
Vì vậy, CEO Microsoft muốn dùng Windows 11 vừa là vũ khí chống lại Apple và vừa là công cụ giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của công ty đến nhiều người dùng hơn. Nếu vẫn chưa đủ, Microsoft sẽ tiếp tục xây dựng phần mềm Teams hoạt động trên Windows tương tự cách Apple tích hợp FaceTime vào các thiết bị của mình. Nhưng rõ ràng Microsoft muốn tạo bản sắc riêng bằng cách tiếp cận Windows cởi mở hơn.
"Chúng tôi đang xây dựng cho thập kỷ tới và hơn thế nữa. Đây là phiên bản Windows đầu tiên của kỷ nguyên mới", Satya Nadella nhấn mạnh. Có lẽ điều quan trọng nhất với ông không phải Apple mà là chính bản thân Microsoft.
Ngọc Diệp (Theo Cnet)