Cách tiết kiệm hiệu quả
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 20:45, 17/07/2021
Chiếc Birkin màu cam là cuốn sách về tự chủ tài chính cá nhân của tác giả Alex Tú (NXB Phụ nữ Việt Nam). Sách nêu các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, trong đó có nội dung về tiết kiệm.
Sách Chiếc Birkin màu cam. Ảnh: Y. N. |
Nên tiết kiệm bao nhiêu?
Tác giả cho rằng khi tiết kiệm, có hai vấn đề đau đầu là: “Tiết kiệm bao nhiêu?” và “Làm thế nào để tiết kiệm được?”.
Tác giả lần lượt trả lời hai câu hỏi đó. Với câu hỏi đầu, rất khó để đưa ra câu trả lời nên tiết kiệm bao nhiêu, bởi mỗi cá nhân là một trường hợp khác biệt. Nhưng tác giả không quên đưa ra những gợi ý “khung” sơ bộ để giải quyết vấn đề này.
Nếu tiết kiệm để thành lập quỹ khẩn cấp, chúng ta có thể tạm chấp nhận con số 3-6 lần tổng chi tiêu trung bình của một tháng. Có thể chúng ta sẽ cần đến, có thể chúng ta sẽ không cần đến, nhưng quỹ này vẫn cần nằm đó để khi gặp chuyện đột xuất, ta vẫn có nguồn giúp xử lý vấn đề trước mắt.
Ngoài quỹ khẩn cấp, tác giả khuyên nên tiết kiệm hàng tháng với một khoản nhất định, nên thực hiện đều đặn thành thói quen tốt, dồn tới khi thành một món. Điều này cũng giúp tránh tình trạng có bao nhiêu tiền hàng tháng là tiêu hết bấy nhiêu. Mỗi tháng tiết kiệm bao nhiêu là tùy vào hoàn cảnh mỗi người. Con số này cũng có thể được điều chỉnh tùy vào thời điểm khác nhau.
“Để có thể để ra được nhiều hơn, tôi càng cần phải biết kiếm tiền nhiều hơn và trông chừng chi tiêu của mình. Kiếm tiền nhiều hơn bằng các cách như làm thêm giờ, nhận thêm công việc, thanh lý đồ thừa, nâng cao thu nhập bình quân trên số giờ làm việc…”, trích nội dung sách.
Cách đơn giản nhất để tiết kiệm là cắt giảm chi tiêu như: Hạ tiêu chuẩn sống, bớt mua sắm đồ đạc lung tung, không tiêu tiền bừa bãi, tăng cường mua sắm có chủ đích, học điều hay từ triết lý sống tối giản…
Việc tiết kiệm cần xác định được mục tiêu phù hợp bản thân, kiên trì thực hiện. Ảnh: Forbes. |
Phương pháp tiết kiệm hàng tháng
Trong sách, tác giả “mách nước” những cách để tiết kiệm hiệu quả. Theo đó, mỗi người phải hiểu mục đích tiết kiệm của mình để thực thi dễ hơn. Các mục tiêt đặt ra phải chi tiết, có khung thời gian cụ thể, ví dụ tiết kiệm để làm việc này, trong khoảng thời gian nào.
Cần có con số cụ thể từng tháng trong một giai đoạn nhất định, để thực tế hơn, có thể chia đều cho từng ngày. Ví dụ, muốn mỗi tháng để ra được 6 triệu đồng tiền tiết kiệm, mỗi ngày phải cho vào “heo đất” 200.000 đồng.
Tiết kiệm theo thứ tự ưu tiên trước tiêu dùng. Trong các mục tài chính cá nhân cần ưu tiên theo thứ tự: Tiết kiệm, bảo hiểm, đầu tư, tiêu dùng. Thông thường, chúng ta hay chi tiêu rồi mới tiết kiệm. Nhưng làm vậy, đôi khi ta dễ rơi vào tình trạng sau chi tiêu không còn gì để tiết kiệm.
Nên gửi tiết kiệm ngay đầu tháng, hoặc ngay sau khi nhận lương. Việc gửi tiết kiệm không quá quan trọng gửi nhiều hay ít, mà cốt lõi là theo đúng kế hoạch tài chính cá nhân mình đã đề ra. Trước khi gửi tiết kiệm, nên chọn ngân hàng cho lãi suất cao, ngân hàng có thể tin tưởng.
Tác giả đưa lời khuyên mỗi người hãy kiên định, nhẫn nại tích tiểu thành đại. “Không có những viên gạch nhỏ, làm gì có một ngôi nhà vững chãi… Năm tháng qua đi, chúng ta sẽ có một vài khoản tiền để thực hiện mục tiêu của mình”, trích nội dung sách.
Không chỉ đưa ra phương pháp giúp tiết kiệm hiệu quả, sách còn có một bài tập nhỏ với 5 bước để mỗi người có thể bắt đầu thực hành việc tiết kiệm.