Cộng hòa Séc và ASEAN hướng tới chuẩn hóa thủ tục hải quan
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:21, 17/07/2021
Tại thủ đô Prague, Ủy ban ASEAN vừa phối hợp với Tổng cục Hải quan Cộng hòa Séc tổ chức Hội thảo giới thiệu về hải quan điện tử của Cộng hòa Séc.
Bà Kenssy Dwi Ekaningsih - Đại sứ Indonesia, Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Prague và ông Trousir Jiří - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Séc đồng chủ trì hội thảo cùng với sự tham dự của hơn 30 đại biểu từ sáu đại sứ quán các nước ASEAN tại Prague và đại diện các doanh nghiệp Séc.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, do đó các doanh nghiệp ở các nước ASEAN nếu quan tâm cũng có thể tham dự.
Trong phần thuyết trình, ông Tomáš Kocourek - chuyên viên phụ trách thủ tục thông quan đã giới thiệu tổng quát về hệ thống hải quan của Cộng hòa Séc, trong đó nêu rõ các quy định của Hải quan Cộng hòa Séc thống nhất và tuân thủ tất cả các qui định chung của hải quan EU. Điểm khác biệt là các nước thành viên được tự quyết định về thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bài thuyết trình cũng giới thiệu chi tiết về thủ tục thông quan đối với nghiệp vụ xuất khẩu, nhập khẩu và chuyển tải hàng hóa tại Cộng hòa Séc, bao gồm cả thủ tục đăng ký chữ ký điện tử, đăng ký kiểm tra hải quan tại cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các cơ chế hải quan đặc biệt như qui định về kho ngoại quan, tạm nhập… và đơn giản hóa thủ tục hải quan, theo đó các doanh nghiệp uy tín và có lịch sử hoạt động tốt có thể được hưởng qui chế về đơn giản hóa thủ tục hải quan, về cơ bản là tờ khai được chấp thuận và xử lý thông quan điện tử trong thời gian chỉ khoảng 30 phút.
Hiện ở Cộng hòa Séc chỉ có khoảng 2% trường hợp thông quan bằng hình thức truyền thống là nộp hồ sơ văn bản, còn lại tất cả đều được thực hiện qua thông quan điện tử, trong đó đa số nghiệp vụ thông quan được tổ chức qua các đại lý cung cấp dịch vụ hải quan.
Đại diện Thái Lan nêu ý kiến cho rằng đây là bài giới thiệu cơ bản chung mang nội dung cần thiết mang tính kỹ thuật về quy trình thủ tục hải quan, tổng quan đối với người mới làm quen với khái niệm và có tính chất hệ thống lại đối với những người đã biết và hiểu về thủ tục hải quan.
Các ý kiến tham gia của đại biểu ngoại giao và doanh nghiệp cũng xoay quanh những yếu tố về tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp quy văn bản, quy trình thủ tục vận tải hàng hóa…
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Nguyễn Thị Hồng Thủy, hội thảo nhằm thiết lập mối quan hệ với cơ quan hải quan sở tại, tạo kênh thông tin và hợp tác trong lĩnh vực hải quan để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Cộng hòa Séc.
Đối thoại nên được phát huy, có thể tiếp tục theo hình thức tổ chức các hội thảo chuyên đề khác trong các lĩnh vực cụ thể để kết nối với các doanh nghiệp tại các nước thành viên và cũng có thể tổ chức với các đơn vị chuyên trách về kiểm dịch động thực vật hoặc qui định về nhãn hiệu, xuất xứ…
Đối với Cộng hòa Séc, các quốc gia ASEAN là thị trường tiềm năng và môi trường đầu tư đầy triển vọng mà nhà nước và các doanh nghiệp Séc đang quan tâm hướng tới trong tương lai không xa.
Ngược lại, các quốc gia ASEAN nhận định rõ lợi thế về các sản phẩm truyền thống, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên phụ liệu… đang có nhiều cơ hội vào thị trường Séc, và đây cũng là cầu nối để thâm nhập thị trường EU.
Trong quan hệ thương mại hai chiều, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong ASEAN, sau Malaysia về kim ngạch xuất nhập khẩu với Séc. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với Việt Nam và EU, trong đó có Cộng hòa Séc, một trong các quốc gia đầu tiên phê chuẩn.
Một trong những lợi ích lớn nhất của EVFTA là việc xóa bỏ 99% các loại thuế quan giúp tiết kiệm chi phí cho các nhà xuất khẩu cũng như các nhà nhập khẩu của Việt Nam, Séc và EU. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Séc xuất khẩu hàng hóa trong các lĩnh vực mà Séc có thế mạnh như công nghiệp dệt may, thủy tinh, ôtô, cơ khí, kỹ thuật điện tử, thực phẩm và hóa chất…
EVFTA giúp các doanh nghiệp Séc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và có điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường đối với các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ về du lịch, tài chính, môi trường, phân phối điện, khí đốt…, đồng thời không chỉ bao quát các vấn đề kinh tế mà còn mở ra chương mới về sự phát triển bền vững trong đó đề ra tiêu chuẩn cao gắn với việc bảo vệ môi trường, quyền của người lao động và người tiêu dùng.
Liên quan tới vấn đề này, Việt Nam đã có kế hoạch và chương trình hành động để thực hiện việc chấp hành các quy định ràng buộc của hiệp định thương mại tự do, trong đó có cam kết quản lý bền vững nghề cá.
Việt Nam đã nỗ lực trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU) để đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đặc biệt đã tiến hành xây dựng luật nhằm xử lý nghiêm khắc đối với những vi phạm.
Hiện nay, việc EU ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung sẽ giúp hiện thực hóa chính sách ưu tiên của EU, trong đó có Séc trong việc tiếp cận thị trường ASEAN, vì ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU./.