LHQ: Đại dịch khiến nạn đói trên thế giới trầm trọng hơn
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:55, 13/07/2021
Trong báo cáo công bố hôm 12/7, Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói trên thế giới nghiêm trọng hơn nhiều trong năm 2020, đồng thời nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là yếu tố chính đến tình trạng này.
Báo cáo “Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu” do 5 cơ quan của Liên hợp quốc cùng công bố, bao gồm Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các cơ quan của Liên hợp quốc mô tả đây là đánh giá toàn cầu đầu tiên về vấn đề này trong kỷ nguyên đại dịch.
Theo báo cáo, điều đáng lo ngại là nạn đói trong năm 2020 đã tăng lên cả về phạm vi mức độ và giá trị tuyệt đối, vượt xa mức tăng dân số. Có khoảng 9,9% dân số thế giới được ước tính đã bị suy dinh dưỡng vào năm ngoái, so với 8,4% trong năm 2019.
Gần 10% dân số thế giới ước tính bị thiếu dinh dưỡng trong năm 2020. Châu Phi được đánh giá có tốc độ gia tăng nạn đói mạnh nhất, ước tính khoảng 21% người dân lục địa này bị thiếu dinh dưỡng.
Về tình trạng thiếu dinh dưỡng của nhóm trẻ em, ước tính 149 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị còi cọc vì quá thấp so với độ tuổi, hơn 45 triệu trẻ em quá gầy so với chiều cao, trong khi ở chiều ngược lại là 39 triệu trẻ bị thừa cân.
Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết khoảng 3 tỷ người không có chế độ ăn uống lành mạnh, phần lớn là do chi phí quá cao. Tại nhiều nơi trên thế giới, đại dịch đã gây ra những cuộc suy thoái nghiêm trọng và đe dọa đến việc tiếp cận nguồn lương thực.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, nạn đói vẫn lan rộng và tiến độ các nỗ lực giúp giảm suy dinh dưỡng trên toàn cầu vẫn tụt hậu.
Liên hợp quốc cho biết đại dịch COVID-19 tiếp tục giảm khả năng đạt được mục tiêu thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 do tổ chức này đề ra.
Dựa trên các xu hướng hiện nay, báo cáo ước tính mục tiêu của Liên hợp quốc sẽ bị “bỏ lỡ” do vẫn còn gần 660 triệu người bị đói và khoảng 30 triệu người có thể ảnh hưởng do tác động lâu dài của đại dịch.
Báo cáo của Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ, tăng cường “khả năng chống chịu của những người dễ bị tổn thương nhất trước tình hình khó khăn về kinh tế,” thông qua các chương trình giảm thiểu tác động của “các cú sốc kiểu đại dịch” hoặc tăng giá thực phẩm./.