Iron Man phiên bản ốc sên, vỏ ba lớp chịu nhiệt lên đến 400 độ C, chỉ sống quanh miệng núi lửa
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 17:19, 11/07/2021
Giống như nhiều loài ốc sên khác, ốc sên chân giáp hay ốc sên thủy nhiệt (Danh pháp khoa học: Chrysomallon squamiferum) là một loài động vật thân mềm có lớp vỏ cứng để bảo vệ cơ thể, tuy nhiên điều đặc biệt là lớp vỏ này vô cùng bền chắc.
Sở dĩ lớp vỏ này lại đặc biệt như vậy vì loài ốc này sống ở môi trường cực kỳ khắc nghiệt quanh lỗ thông hơi của núi lửa, mà các nhà nghiên cứu gọi là “những điều kiện không thể có sự sống", tại đó nhiệt độ và áp suất cực cao, độ axit mạnh và thiếu dưỡng khí.
Để thích nghi với môi trường sống này, loài ốc thủy nhiệt đã trang bị một lớp áo giáp sắt cực kỳ ấn tượng có thể chịu đựng nhiệt độ lên đến 388 độ C, áp suất ở độ sâu khoảng 2.400-2.800 m dưới mực nước biển (tương đương 24.720.000 N/m2 đến 28.840.000 N/m2).
Cấu tạo vỏ ốc. Ảnh: Thành Luân
Lớp áo giáp này gồm 3 lớp: lớp ngoài cùng dày khoảng 30 micromet, được làm bằng sulfua sắt, lớp thứ 2 là lớp sừng hữu cơ được phủ bằng protein mỏng giống như ở trên các loại vỏ ốc khác, lớp giữa này có độ dày khoảng 150 micromet.
Cuối cùng là lớp aragonite – một dạng canxi carbon, với ba lớp áo giáp này thì ốc sên thủy nhiệt gần như không có bất cứ kẻ thù nào dưới đáy biển có thể đụng đến chúng.
Do sống ở môi tường đáy biển, gần như không có ánh sáng nên loài ốc sên này không có mắt, chúng cảm nhận bằng hai xúc tua kéo dài ở 2 bên miệng. Bàn chân của ốc sên thủy nhiệt có màu đỏ khá lớn (lớn đến nỗi chúng không thể thu toàn bộ chân vào bên trong vỏ).
Ốc sên thủy nhiệt. Ảnh: Phys
Như vậy loài ốc sên này hoàn toàn có thể chịu đựng được môi trường khắc nghiệt như ở các lỗ thông hơi núi lửa ngầm dưới đáy biển. Vậy làm thế nào để chúng có thể tìm kiếm thức ăn trong môi trường này.
Để làm được điều này, ốc sên đã cộng sinh với với loài vi khuẩn sống bên trong cơ thể chúng (mà cụ thể là ở trong thực quản). Những vi khuẩn này sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho ốc, đổi lại ốc sên sẽ cung cấp dưỡng khí cho các loài vi khuẩn này.
Mặc dù có thể chống chịu với môi trường khắc nghiệt nhưng loài ốc này lại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của IUCN (năm 2019) do hoạt động khai thác mỏ dưới biển sâu của con người.
Những nhà khoa học cũng đang nghiên cứu để chế tạo loại áo giáp mới dùng trong quân đội lấy ý tưởng từ lớp vỏ tinh vi của loài ốc này, nếu thành công chúng ta sẽ có một chiếc áo giáp như của nhân vật siêu anh hùng Iron Man phiên bản đời thực.
Xem video: