Doanh thu bán hàng online mùa dịch tăng gấp đôi nhờ dân văn phòng
Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 13:27, 11/07/2021
Tăng gấp đôi thu nhập trong giai đoạn giãn cách
Theo ghi nhận, trong những ngày vừa qua, sức mua các loại thực phẩm tăng mạnh, đặc biệt là qua kênh online. Các sàn thương mại điện tử, siêu thị… đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, thậm chí gấp 5-6 lần so với bình thường.
Gian hàng trái cây thời vụ mùa dịch của chị Phượng. (Ảnh: Hải Đăng) |
Những nhân viên văn phòng làm thêm việc bán hàng online cho biết sức mua tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Chị Hạnh (Quận Tân Phú, TP.HCM) cho hay, trong hai ngày vừa qua chị bán hơn trăm ký rau và gần 70kg thịt cho cư dân trong chung cư của mình.
Nói với ICTnews, một số người bán online cho biết, số lượng khách đặt hàng thực phẩm tăng trưởng mạnh trong tháng dịch, và tăng đột biến mấy ngày vừa qua.
Chị Bích Thủy (Q.4,TP.HCM), giảng viên một trường đại học, có kinh nghiệm bán tổ yến và chả cá trên nền tảng Facebook và Zalo. Cứ mỗi đợt giãn cách, khách của chị Thuỷ lại tăng lên, mua nhiều hơn. Tuy không tăng đột biến như mặt hàng thực phẩm tươi sống nhưng cũng tăng gấp đôi so với trước dịch.
Do bán chủ yếu cho bạn bè, người thân trên mạng xã hội nên mức lợi nhuận của chị khá thấp so với giá nhập, mỗi lạng yến chị Thủy lời khoảng 50.000 - 70.000 đồng. Tổng lợi nhuận trong tháng 6/2021 đạt khoảng 4 triệu đồng. Theo tính toán, với mức lời đó, chị bán được khoảng 50-60 triệu tiền hàng/tháng.
Do nhu cầu tăng lên mùa dịch, cộng với công việc chính ít đi, một số người bắt đầu buôn bán online. Chị Phượng (Q.Tân Phú, TP.HCM), nhân viên tín dụng một ngân hàng, cũng quyết định buôn trái cây.
Do có nguồn cung cấp từ gia đình ở miền Tây, chị bắt đầu bán trái cây tươi cho hàng xóm. Ban đầu chị bán chôm chôm với giá 25.000đ/kg rồi đến bưởi, nhãn… Mỗi ngày chị Phượng nhập khoảng 50kg trái cây và bán hết sạch. Thậm chí, có ngày còn không đủ hàng cung cấp cho khách.
Hiện nay, bên cạnh việc bán trái cây, chị Phượng cũng nhảy vào làm trà sữa, bánh flan để bán… Chị chia sẻ, mùa dịch bán chủ yếu cho hàng xóm nên không lời nhiều, chỉ đủ tiền trang trải chi phí đi chợ.
Một số chị em bán quần áo thời trang, mỹ phẩm… cũng chuyển hướng qua kinh doanh mặt hàng thực phẩm vì “chỉ có thực phẩm bán tốt trong mùa này” - chị Phương, một người kinh doanh quần áo trẻ em online chia sẻ.
Mặc dù nhu cầu tăng nhưng việc bán hàng online cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Vận chuyển khó khăn khiến giá bán tăng vọt
“Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh vì khó khăn trong giao nhận hàng, thanh toán…”, chị Phượng chia sẻ.
Chị cho biết, trong giai đoạn TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì việc giao nhận hàng có chậm hơn trước nhưng vẫn thực hiện được. Nhưng sau khi chung cư chị ở bị phong tỏa thì gần như hàng hóa không thể giao ra, nhận hàng phải xếp hàng nên rất khó cho người kinh doanh online.
“Chung cư mình quy định đến 7 giờ tối là hết thời gian giao nhận, trong khi xe chở trái cây thường 10-12 giờ đêm mới lên tới. Vì thế sau đợt hàng tối qua thì mình quyết định ngưng bán hàng, chờ xem tình hình xe cộ, cước phí… như thế nào”, chị Phượng buồn bã.
Từ sau khi các địa phương áp lệnh giãn cách, việc vận chuyển hàng từ quê vào thành phố chậm hơn thường ngày nên nhiều đơn hàng bị hủy do không kịp giao cho khách hàng. Các mặt hàng chị Thuỷ bán chủ yếu là đồ ăn, khách cần mua ăn liền nên khi bị trễ liền bị huỷ đơn.
Khi TP.HCM áp Chỉ thị 16, các cửa ngõ đều lập chốt, cước phí xe tăng mạnh và khó khăn khi di chuyển. Vì thế, một số người buôn bán online tạm ngưng nhận đơn đặt hàng dù vẫn có nhiều khách hàng yêu cầu.
Ở những nơi có nguồn hàng bán thì tăng giá một số loại thực phẩm từ 10 - 30% so với trước đây. Dù giá tăng nhưng lượng khách đặt hàng vẫn cao.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc buôn bán trong thời gian này cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn và nguy hiểm, nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra. Vì thế, họ tạm ngưng công việc buôn bán để giữ an toàn cho bản thân và gia đình.
Phương Uyên