Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, ngư dân Philippines vẫn cảnh giác trong ‘sân nhà’

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:00, 10/07/2021

Baoquocte.vn. Đã 5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra ngày 12/7/2016 đem lại chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt cho Philippines trước Trung Quốc, nhiều ngư dân Philippines vẫn phấp phỏng mỗi lần ra khơi.
Sau phán quyết của Toà Trọng tài, ngư dân Phillippines vẫn cảnh giác trong ‘sân nhà’
Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines vào ngày 12/7/2016. (Nguồn: Rappler)

Bất an trên ngư trường truyền thống

Dù lo sợ nhưng ngư dân Randy Megu dần quen với những cơn bão bất thường ở Biển Đông.

Những năm trở lại đây, có một nỗi sợ hãi lớn hơn đối với Megu: nhìn thấy tàu thực thi hàng hải của Trung Quốc ở phía xa.

Năm năm sau khi phán quyết mang tính bước ngoặt của PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển nơi Megu đánh cá, người đàn ông 48 tuổi phàn nàn rằng các cuộc chạm trán với tàu thuyền của Trung Quốc thậm chí còn trở nên thường xuyên hơn.

Megu nói: “Tôi đã rất sợ hãi”.

Ngư dân này nhớ lại vụ việc hồi tháng 5, khi con thuyền gỗ của mình chạm trán với một tàu Trung Quốc, cách bờ biển khoảng 140 hải lý (260 km). Con tàu của Trung Quốc dõi theo anh khoảng 3 tiếng.

Megu kể về sự việc những ngư dân khác từng bị đâm hoặc bị vòi rồng uy hiếp khi đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống của họ - nơi họ từng hy vọng phát quyết của PCA năm 2016 sẽ mang đến cho họ cảm giác an toàn.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA và vẫn bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình đối với hầu hết các vùng biển nằm trong cái gọi là yêu sách "đường chín đoạn" do chính nước này tự vẽ ra.

Hồi tháng Ba, Philippines đã lên tiếng về việc hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu gần Đá Ba Đầu.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, đó là các tàu thuyền trú ẩn khi gặp thời tiết xấu và không có lực lượng dân quân nào trên tàu.

Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington cho biết, các dữ liệu chỉ ra rằng các tàu của cảnh sát biển và lực lượng dân quân Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Philippines nhiều hơn so với 5 năm trước.

“Phán quyết đã giải quyết dứt điểm về tình trạng, địa vị của các quyền lịch sử và các thực thể ở Biển Đông. Theo phán quyết, không có hiệu lực pháp lý đối với những yêu sách vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các thực thể theo UNCLOS… Phán quyết đã phá tan đường chín đoạn cùng những thứ khác… Vì vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài đã trở thành và tiếp tục là một cột mốc trong văn kiện luật quốc tế”. (Tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr ngày 25/6)

Hy vọng chính sách cứng rắn hơn

Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 7/2020 cho thấy 70% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định mạnh mẽ yêu sách của họ ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Sáu rằng: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các nỗ lực làm giảm giá trị của phán quyết hay thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng tôi”.

Từ 2016 đến nay, Philippines đã thực hiện 128 hành động phản đối ngoại giao liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và đội tàu cá đã thực hiện các hoạt động “tuần tra chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tuy nhiên, Philippines đã không thúc đẩy được mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người coi mối quan hệ với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại và cho rằng cố gắng thách thức nước láng giềng lớn hơn rất nhiều là vô ích.

Sau sự việc một số nhân vật trong nội các của ông lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền biển vào đầu năm nay, ông Duterte đã yêu cầu cấp dưới kiềm chế.

Theo ông Poling, sự hiện diện của Trung Quốc cũng đã gia tăng ở những nơi khác trên Biển Đông. Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo, xây cảng, đường băng và bố trí tên lửa đất đối không.

Hải quân Mỹ gia tăng hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các tuyên bố của Trung Quốc nhưng dường như không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh giảm các hoạt động như triển khai tàu xung quanh vùng biển Philippines hoặc các nơi khác.

Các ngư dân của tỉnh Pangasinan không hy vọng rằng các biện pháp của chính phủ có thể tác động đến hành vi của các tàu Trung Quốc.

Ngư dân Christopher de Vera, 51 tuổi, nói rằng: “Bây giờ, cứ như thể chúng tôi là kẻ ăn trộm từ chính sân sau của mình vậy”.

Sơn Trà