Cơ hội để eSports phát triển tại Việt Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:37, 08/07/2021

Không phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt như dầu mỏ, kinh tế số đang là mũi nhọn tăng trưởng tại nhiều khu vực trên thế giới. Đặc biệt, sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như trò chơi điện tử, thể thao điện tử,… đã trở thành “phao cứu hộ bền vững” cho nền kinh tế thời kì Covid-19 và hậu Covid-19.

Theo thống kê, trung bình mỗi người tạo ra 1,7GB dữ liệu/ngày. Nguồn dữ liệu khổng lồ được tạo ra là nền tảng và điều kiện cần cho một nền kinh tế số tăng trưởng khả quan. Điều kiện đủ chính là các công cụ và công nghệ mà chúng ta có trong tay để phân tích, xử lý các dữ liệu thô này để phục vụ cho công việc, kinh doanh, nghiên cứu ra sao. Đơn cử, các siêu thị có thể lấy dữ liệu về thời gian, tần suất, độ tuổi, mặt hàng mà người tiêu dùng thường mua để tạo ra thông tin về khuyến nghị mua hàng phù hợp. Hoặc các ngân hàng sử dụng công nghệ định danh khách hàng điện tử để nhận diện và so sánh khuôn mặt người dùng với thông tin rút trích từ giấy tờ tùy thân nhằm ngăn chặn các hành vi giả mạo.

Đội tuyển Quốc gia Mobile Legends: Bang Bang Việt Nam đạt Top 4 đội mạnh của bộ môn tại SEA Games 30. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Dịch Covid-19 cũng làm thay đổi thói quen mua sắm của người dùng ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo báo cáo Nền kinh tế số (e-Conomy SEA Report) do Goolge và Temasek thực hiện, tại Đông Nam Á, thương mại điện tử năm 2020 dù tăng trưởng chậm lại do thu nhập giảm nhưng vẫn đạt mốc 62 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2019. Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch số qua ví điện tử và tài khoản ngân hàng tại khu vực này cũng đạt mốc 620 tỷ USD năm 2020, và dự báo sẽ tăng lên 1.200 tỷ USD năm 2025.

Thực tế thì hiện nay, với sự thương mại hóa chính thức của 5G, Việt Nam hoàn toàn có thể kích thích tăng trưởng ngành công nghiệp trò chơi điện tử trong nước, tiến tới xuất khẩu ra thế giới. Theo báo cáo của Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông), doanh thu của ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Việt Nam năm 2020 cán mốc 12.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Các doanh nghiệp trong ngành cũng nộp ngân sách nhà nước gấp 2,5 lần so với năm 2015. Về lao động, con số tăng trưởng còn ấn tượng hơn, từ mức 7.000 người năm 2015 lên đến 25.000 người năm 2020. Mặc dù năm 2020 là năm dịch bệnh bùng phát, gây gián đoạn tới rất nhiều ngành nghề, thì ngành công nghiệp trò chơi điện tử được đánh giá là một trong số ít vẫn có chỉ số tăng trưởng dương và thị trường lao động ổn định.

Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021 do Hiệp hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam VIRESA phát hành tháng 6-2021 cũng chỉ ra, năm 2020 thị trường trò chơi điện tử Việt Nam ước tính có 40 triệu người chơi, trong đó có 18 triệu người từng chơi các bộ môn eSports, chiếm gần 28% số người sử dụng Internet trên di động và gần như 100% trong số đó sử dụng 3G/4G.

Với nhu cầu giải trí ngày càng lớn cùng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng đồ họa trò chơi trên di động, người dùng sẽ tìm đến 5G để có những trải nghiệm mượt mà hơn. Đây là cơ hội vàng để eSports phát triển tại Việt Nam, và ngược lại, lượng người chơi và theo dõi esports khổng lồ cũng sẽ giúp tạo ra sự bùng nổ về lưu lượng dữ liệu tiêu thụ cho mạng 5G.

Theo số liệu mới công bố từ ZaloPay, một trong Top 5 ví điện tử tại Việt Nam hiện nay, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, tính năng mua hàng trực tiếp ngay trên tài khoản Zalo chính thức của các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đã đạt 10 triệu giao dịch. Trong thời gian tới, những lĩnh vực này sẽ cần thêm nhiều động lực từ Chính phủ và sự năng động sáng tạo từ các doanh nghiệp để tạo ra những đột phá cần thiết.

Rõ ràng, kinh tế số đang mang lại những giá trị to lớn không thể phủ nhận. Dầu mỏ dù cũng mang giá trị khổng lồ nhưng không đủ sức len lỏi vào tất các lĩnh vực như công nghệ thông tin. Việc lựa chọn khía cạnh nào trong nền kinh tế số để đẩy mạnh sẽ chính là chìa khóa giúp chúng ta làm chủ cục diện, ổn định nền kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm cho toàn xã hội trong kỉ nguyên 4.0.

HỒNG QUANG