Windows 11 đang bỏ mặc hàng triệu chiếc PC, Microsoft vẫn chưa thể giải thích tại sao
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:24, 01/07/2021
Windows 11 yêu cầu cụ thể những CPU Intel Coffee Lake thế hệ thứ 8 hoặc AMD Zen 2 trở lên, hỗ trợ TPM (Trusted Platform Module) 2.0, tối thiểu 4GB RAM và 64GB dung lượng lưu trữ. Thực tế, Microsoft không thường đưa ra những yêu cầu bộ xử lý cụ thể như vậy với Windows. Cả Windows 8 lẫn Windows 10 chỉ yêu cầu bộ xử lý 1GHz, 1GB RAM (2GB đối với 64-bit) và 16GB dung lượng lưu trữ (20GB đối với 64-bit). Những người dùng thành thạo Windows và cả các quản trị viên IT đều hi vọng có thể nâng cấp lên hệ điều hành mới nhất, bất kể họ đang sử dụng phần cứng như thế nào. Nhưng có vẻ như, điều đó sắp kết thúc với Windows 11.
Sau nhiều nhầm lẫn vào hồi tuần trước, Microsoft mới đây đã cố gắng giải thích lại các yêu cầu của mình. Công ty xác nhận, nguyên nhân chính gây ra những sự thay đổi này là bảo mật. Những yêu cầu của phần cứng của Microsoft là nhằm thúc đẩy sự phát triển của một BIOS hiện đại hơn (UEFI), hỗ trợ các tính năng như Secure Boot và TPM 2.0 (Trusted Platform Module).
Khi kết hợp TPM cùng một số công nghệ ảo hóa mà Microsoft sử dụng trong Windows, chúng sẽ mang đến một số lợi ích về bảo mật. Microsoft tuyên bố, sự kết hợp của Windows Hello, Device Encryption cùng HVCI và Secure Boot "đã được chứng minh là có thể giảm các phần mềm độc hại xuống còn 60%".
Rõ ràng, chúng ta cần đến các phần cứng hiện đại để kích hoạt mọi biện pháp bảo vệ này. Microsoft đã và đang hướng đến thời điểm này trong nhiều năm qua. Hỗ trợ TPM là yêu cầu bắt buộc đối với các OEM nhằm đạt được chứng chỉ Windows 10 kể từ khi phát hành Windows, nhưng Microsoft lại không bắt buộc doanh nghiệp hay người tiêu dùng phải kích hoạt nó.
Quyết định buộc người dùng Windows 11 phải sử dụng TPM, Secure Boot hay những tính năng bảo mật khác xuất hiện vào đúng thời khắc quan trọng của Windows. Hệ điều hành của Microsoft luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng ransomware hay malware. Mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu mức độ bảo mật phần cứng của Windows không được nâng cao.
Sự cân bằng giữa bảo mật và tính chất mở điển hình của Windows là thứ mà Microsoft chật vật giải quyết trong thập kỉ tới, khi công ty hiện đang phải đối mặt với việc hiện đại hóa Windows cùng những phản ứng dữ dội từ giới công nghệ. Dù Microsoft đã loại bỏ các yêu cần phần cứng mới trong giai đoạn preview Windows, thế nhưng, chúng ta vẫn chưa biết chính xác những thiết bị nào sẽ được hỗ trợ khi phiên bản hệ điều hành mới này ra mắt vào cuối năm nay.
Gần đây, Microsoft đã cố gắng cung cấp một số thông tin rõ ràng hơn về vấn đề này, nhưng đó không phải là mức độ chi tiết mà nhiều người mong đợi. "Khi chúng tôi đưa đến Windows Insiders và hợp tác với các OEM, chúng tôi sẽ kiểm tra xem liệu những thiết bị được trang bị CPU Intel thế hệ 7 và AMD Zen 1 có đáp ứng những nguyên tắc của chúng tôi hay không", một bài đăng trên blog của nhóm Windows. Đó có thể là tin tốt cho Surface Studio 2, một thiết bị có giá 3.499 USD mà Microsoft vẫn đang bán và được trang bị chipset Intel thế hệ thứ 7 không có trong danh sách Windows 11.
Bài đăng đó dường như cũng tiết lộ rằng Intel Core Kaby Lake thế hệ 7 dường như là thế hệ cuối cùng mà Microsoft sẵn sàng nhượng bộ. "Chúng tôi cũng biết rằng các thiết bị sử dụng CPU Intel thế hệ 6 và AMD trước Zen sẽ không" đáp ứng các yêu cầu hệ thống tối thiểu của Microsoft. Không rõ lý do tại sao chip Intel thế hệ 6 lại không nằm trong danh sách, nhưng một phần của quyết định này có thể liên quan đến Spectre và Meltdown - hai lỗi bảo mật có trong các bộ xử lý máy tính lớn đã ảnh hưởng đến gần như mọi thiết bị được sản xuất trong 20 năm.
"Những lựa chọn CPU của Microsoft không liên quan nhiều đến hiệu năng mà giống như các biện pháp bảo mật giảm thiểu các cuộc tấn công kênh bên", Patrick Moorhead, nhà phân tích chính tại Moor Insights and Strategy, cho biết. "Nó cũng giúp các nhà sản xuất chip tập trung vào công việc đưa mọi thứ đến tương lai chứ không phải quá khứ."
Các cuộc tấn công kênh bên như Spectre và Meltdown đã được công bố ngay trước khi Intel thực hiện những biện pháp giảm nhẹ phần cứng nhằm chống lại một số cuộc tấn công thực thi đầu cơ trên một số con chip Intel thế hệ 8 ra mắt trong năm 2018. Tuy nhiên, không phải mọi con chip Intel thế hệ 8 đều có những biện pháp giảm thiểu phần cứng này, nhưng Microsoft đã thiết lập một giới hạn cụ thể cho CPU Intel thế hệ 8. Microsoft vẫn chưa giải thích đầy đủ về quyết định đó và công ty hiện đang yêu cầu mọi người chờ xem liệu họ có thể tiếp tục hỗ trợ những cỗ máy cũ trong quá trình thử nghiệm hay không. Dù bằng cách nào, việc giới hạn các CPU này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu chiếc PC.
Những người chỉ trích cách tiếp cận của Microsoft lưu ý, động thái này sẽ tạo ra chất thải điện tử không cần thiết khi người tiêu dùng chuyển sang nâng cấp PC có khả năng chạy Windows 11. Sự phức tạp của TPM và UEFI cũng được các quản trị viên IT đưa ra "mổ xẻ", đặc biệt là khi các thiết bị không được thiết lập để sử dụng những công nghệ này.
Kevin Beaumont, một chuyên gia bảo mật đã làm việc tại Microsoft gần 1 năm trong thời kỳ đại dịch, đã lên tiếng chỉ trích công ty về các yêu cầu phần cứng của Windows 11. Trên Twitter, Beaumont chia sẻ: "Giữa một đại dịch mà các tổ chức đang bị tổn thương, cùng sự thiết hụt chip trên toàn cầu, Microsoft lại đang cố gắng kêu gọi mọi người thay thế mọi thứ vì những lý do bảo mật đáng nghi ngờ. Mua một chiếc Surface? Đừng. Hãy tạo ra một hệ điều hành tốt hơn."
Những thay đổi về phần cứng của Microsoft cũng chỉ xuất hiện vài tuần sau khi Apple công bố macOS Monterey, vốn chỉ hỗ trợ những chiếc Mac Pro cuối năm 2013 trở lên và những cỗ máy Mac Mini cuối năm 2014 hoặc mới hơn. Rõ ràng là Apple không cần phải hỗ trợ vô số thiết lập phần cứng như Microsoft, nhưng phiên bản macOS mới nhất vẫn sẽ chạy trên các hệ thống 8 năm tuổi. Những thay đổi của Microsoft đồng nghĩa rằng một số PC chỉ mới 3 năm tuổi sẽ bị loại khỏi bản nâng cấp Windows 11.
Tuy nhiên, sẽ có một số ngoại lệ đối với các quy tắc mới của Microsoft. Tài liệu của Microsoft lưu ý về các yêu cầu phần cứng tối thiếu cho Windows11: "Windows 11 không áp dụng việc kiểm tra tuân thủ phần cứng cho các phiên bản ảo hóa trong quá trình thiết lập hoặc nâng cấp". Điều đó có nghĩa là khi chạy Windows 11 như máy ảo, bạn có thể bỏ qua các yêu cầu về CPU và bảo mật. Đáng tiếc rằng, hầu hết người dùng và khách hàng thương mại sẽ không chạy Windows 11 trong máy ảo.
Microsoft vẫn còn vài tháng để thử nghiệm Windows 11 và mọi phản hồi từ bản preview sẽ giúp công ty "thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào đối với các yêu cầu hệ thống tối thiểu trong tương lai". Gã khổng lồ phần mềm này cũng đã gỡ bỏ ứng dụng PC Health Check, gây ra nhiều nhầm lẫn xung quanh việc nâng cấp Windows 11. Đội ngũ Windows cho biết: "Chúng tôi thừa nhận đã không chuẩn bị đầy đủ để chia sẻ mức độ chi tiết hoặc độ chính xác mà bạn mong đợi từ chúng tôi đối với lý do tại sao PC đang chạy Windows 11 không đáp ứng các yêu cầu nâng cấp."
Điều đó giúp cho Microsoft có một khoảng thời gian cân nhắc lại. Khoảng thời gian đó cũng đủ để những người thử nghiệm có thể tự do trải nghiệm Windows 11 mà không vấp phải các hạn chế này. Nhưng nếu đang thử nghiệm Windows 11 trên một chiếc PC có CPU cũ không có trong danh sách chính thức, rất có thể, bạn sẽ phải cài lại Windows 10 khi giai đoạn preview kết thúc.
Microsoft hiện đang cho phép người thử nghiệm truy cập vào Windows 11 trên nhiều loại phần cứng trong giai đoạn preview, nhưng họ đang có kế hoạch áp dụng những hạn chế mới đó khi ra mắt. Hi vọng, Microsoft sẽ thực hiện những thay đổi lớn về phần cứng này để hỗ trợ nhiều chiếc PC hơn, ít nhất là hỗ trợ các CPU Intel Kaby Lake thế hệ 7 và AMD Zen 1. Nếu không, hàng triệu chiếc PC sẽ trở nên lỗi thời một cách vô lý.
Lê Hữu theo The Verge