HỖ TRỢ KỊP THỜI, HIỆU QUẢ

Đối ngoại - Ngày đăng : 05:00, 08/07/2021

Hiện nay, nhiều người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đang mong chờ từng ngày để được thụ hưởng chính sách từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ.

Đây là gói an sinh xã hội thứ hai chỉ trong vòng hơn một năm, sau gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai từ tháng 4-2020. Phải khẳng định rằng, việc ban hành các gói hỗ trợ nói trên trong điều kiện ngân sách còn không ít khó khăn thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, là việc làm ý nghĩa, thiết thực để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Ban hành chính sách hỗ trợ đúng thời điểm là điều hết sức quan trọng, nhưng làm gì để chính sách đi vào cuộc sống, các đối tượng sớm được thụ hưởng mới là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của chính sách. Bởi nếu chính sách hỗ trợ không đến với các đối tượng kịp thời thì khác nào người bị cấp cứu mà không được uống thuốc, điều trị trong "thời điểm vàng". Khi đó không những chính sách sẽ giảm hiệu quả, mất đi ý nghĩa mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Thực tế khi triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thời gian qua cho thấy, mặc dù các bộ, ngành chức năng, các địa phương đã rất cố gắng, nhưng vì nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan, việc thực hiện gói hỗ trợ này chưa đạt kỳ vọng. Tính chung mới chỉ thực hiện hỗ trợ đạt hơn 53% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân một số chính sách thành phần thấp, điển hình như gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương, chỉ đạt 0,26%...

Gia công sản phẩm quần áo bảo hộ lao động và áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tại Công ty TNHH KH Vina (Thanh Hóa). Ảnh minh họa: TTXVN

Dư luận rất đồng tình và đánh giá cao việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để triển khai thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, những ngày qua đã rất tích cực, khẩn trương làm việc với quyết tâm đưa tiền hỗ trợ đến với người dân trong thời gian sớm nhất. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ cắt giảm 60% thủ tục hành chính rườm rà, không thực sự cần thiết; rút ngắn thời gian tiếp nhận, xem xét và giải quyết hồ sơ... Khi "nút thắt" về thủ tục hành chính được tháo gỡ; các điều kiện để được hưởng hỗ trợ phù hợp, khả thi sẽ tạo tiền đề quan trọng để việc thực thi chính sách được thuận lợi!

Cùng với sự quyết liệt của các bộ, ngành chức năng, để có thể triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP kịp thời, hiệu quả thì phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các địa phương, nhất là khi chính sách hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác được Chính phủ giao cho các địa phương chủ động thực hiện. Trong nhiều cuộc họp gần đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trên cơ sở nguyên tắc nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ phải linh hoạt, sáng tạo; phải có sự phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm; phải "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thật". Nếu mỗi bộ, ngành chức năng, mỗi địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo này, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, dám nghĩ, dám làm, tất cả vì người dân thì chắc chắn việc triển khai chính sách sẽ có kết quả tích cực.

PHƯƠNG HIỀN