Lầu Năm Góc hủy hợp đồng điện toán đám mây 10 tỷ USD với Microsoft
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:40, 07/07/2021
Thay vào đó, Lầu Năm Góc thông báo một dự án mới cho phép các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tham gia đấu thầu, trong đó có tập đoàn Amazon.
Trong thông báo ngày 6-7, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, quyết định hủy hợp đồng "do các yêu cầu mới, khả năng lưu trữ đám mây tăng lên và những tiến bộ của ngành. Vì vậy, hợp đồng JEDI "không còn đáp ứng nhu cầu”. Thay vào đó, Lầu Năm Góc sẽ mời thầu hợp đồng Năng lực chiến đấu đám mây (JWCC) của Amazon, Microsoft và các “nhà cung cấp dịch vụ khác có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng”. Thông cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh, hiện chỉ có Amazon và Microsoft đáp ứng được những yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng bộ này cũng sẽ liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khác trong vòng 3 tháng tới để đánh giá khả năng dự thầu của các hãng này. Theo ông John Sherman, quyền Giám đốc thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, Microsoft có thể nộp yêu cầu chấm dứt hợp đồng để thu hồi chi phí của dự án đã bị hủy bỏ.
Lầu Năm Góc từng đặt nhiều hy vọng vào hợp đồng JEDI ký với Microsoft năm 2019. Ảnh: defensenews.com. |
Hợp đồng JEDI trị giá 10 tỷ USD đã trở thành chủ đề của cuộc chiến pháp lý gay gắt giữa hai gã khổng lồ Microsoft và Amazon kể từ năm 2019. Theo AFP, tháng 10-2019, Microsoft trúng thầu hợp đồng JEDI. Đây là dự án hạ tầng dữ liệu đám mây chung do doanh nghiệp hỗ trợ Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng để lưu trữ và cung cấp dữ liệu, cũng như chia sẻ thông tin trong một hệ thống chung. Dự án được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc trong tương lai. Mặc dù hợp đồng này không có giá trị lớn nhưng nếu suôn sẻ, đó sẽ là một chiến thắng quan trọng với Microsoft, giúp mảng kinh doanh đám mây của hãng công nghệ này tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn thị phần kinh doanh.
Việc Microsoft vượt qua Amazon và giành được hợp đồng JEDI đã gây bất ngờ đối với nhiều chuyên gia trong ngành vì Amazon được xem là ứng viên nặng ký hơn. Amazon Web Services (AWS) của Amazon được xem là công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực điện toán đám mây. Do đó, chỉ một tháng sau khi Microsoft tuyên bố trúng thầu hợp đồng JEDI, Amazon đã đệ đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ "thiên vị" Microsoft. Amazon cho rằng, lý do tập đoàn không giành được hợp đồng trên là vì chủ sở hữu của Amazon khi đó là ông Jeff Bezos đã đưa ra nhiều lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi đó đã phủ nhận việc chính trị đóng vai trò trong quyết định của Lầu Năm Góc. Tháng 2-2020, Thẩm phán liên bang Mỹ Patricia Campbell-Smith ra lệnh tạm thời phong tỏa hợp đồng này. Trước khi có phán quyết này, Amazon đã chấp nhận nộp 42 triệu USD để trả bất cứ chi phí hay thiệt hại nào nếu sau này phán quyết của tòa án được xác định là sai trái.
Phản ứng trước thông báo mới nhất của Lầu Năm Góc, Microsoft ngày 6-7 cho biết, tập đoàn này hiểu lý do Bộ Quốc phòng hủy hợp đồng JEDI. Microsoft khẳng định công nghệ của mình là phù hợp nhất với dự án này. "Bộ Quốc phòng phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Tiếp tục hợp đồng và vướng vào cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm hoặc tìm một con đường khác. An ninh của nước Mỹ trong việc nâng cấp công nghệ quan trọng hơn bất kỳ hợp đồng nào. Chúng tôi tôn trọng và chấp nhận quyết định của Bộ Quốc phòng”, Microsoft tuyên bố. Về phần mình, đơn vị cung cấp nền tảng điện toán đám mây AWS của Amazon bày tỏ mong muốn "hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa của Bộ Quốc phòng và xây dựng nhiều giải pháp giúp hoàn thành các sứ mệnh quan trọng của cơ quan này".
Liên quan đến vấn đề này, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Chuck Grassley ca ngợi quyết định của Lầu Năm Góc và cho rằng quá trình xem xét lại hợp đồng của Bộ Quốc phòng sẽ tạo cơ hội cho các công ty điện toán đám mây của nước này cùng tham gia, từ đó tạo sự tin tưởng đối với công chúng.
BÌNH NGUYÊN