Sâu nặng nghĩa tình Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga

Đối ngoại - Ngày đăng : 23:26, 29/12/2020

30 tác phẩm ở nhiều thể loại báo chí của các nhà báo, cộng tác viên trong và ngoài quân đội tham dự Cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” năm 2020 được Báo Quân đội nhân dân (QĐND) vinh danh và trao giải tại Lễ tổng kết, trao giải diễn ra sáng 29-12, tại Hà Nội.

Dự lễ tổng kết, trao giải có: Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, TCCT, Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự lễ tổng kết, trao giải còn có các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải; đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội...

Mạch nguồn cảm hứng

“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt-mạch nguồn cảm hứng tuôn chảy trong mỗi tác phẩm là những ngày tháng, kỷ niệm sâu sắc không thể quên của chính những người trong cuộc trong những năm tháng học tập, công tác ở xứ sở bạch dương. Mỗi bài viết đều chắt chiu tình cảm của tác giả-nhân vật với đất nước Liên Xô/Liên bang (LB) Nga: “Từ lời dạy biết ơn Liên Xô” của cha, Võ Văn Tuấn, một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam học chuyển loại máy bay Su-27, đã trưởng thành, trở thành lãnh đạo cấp cao của QĐND Việt Nam. Cha ông chính là nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung, vị Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Pháp, nói tiếng Pháp nhưng tự học tiếng Nga để truyền cho con tình yêu nước Nga. Có những người “Yêu người Nga từ thuở để tóc đuôi gà” như bà Nguyễn Thị Trâm, kiều bào đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức; hay cụ Lê Thành Bá, nguyên Chủ tịch TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, năm nay 86 tuổi, nói tiếng Pháp như tiếng Việt nhưng khi nhiệm vụ cần người phiên dịch tiếng Nga đã được “Từ khóa học Nga văn cấp tốc”, để rồi có hàng loạt cuốn sách khoa học do ông biên dịch và viết đều bắt nguồn từ lớp học cấp tốc năm nào...

Nước Nga, con người Nga trong trái tim nhiều người là sự thanh bình, thân thiện, chân chất, hào hiệp; là sự đam mê nghiên cứu, thái độ lao động, tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, hăng say hết mình như Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, trợ lý kế hoạch khoa học, Chi nhánh phía Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Những “Bà Liên Xô”, những tấm lòng Xô viết của các cựu học sinh nói về người thầy của mình luôn được trân quý suốt cuộc đời; là “Điều còn lại với nước Nga...” luôn đọng mãi trong tim. Đúng như Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND, cựu sinh viên học tập tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov (MGU) nhớ về thầy giáo Yasen Nicolaievich Zasurski, Trưởng khoa Báo chí Trường MGU, người sau này được tôn vinh là “tổ phụ” của báo chí hiện đại Liên Xô và LB Nga. Tác phẩm “Thầy tôi!” của tác giả Lê Phúc Nguyên không chỉ đơn thuần kể về những kỷ niệm của học trò đối với người thầy giáo đáng kính mà còn gửi đi thông điệp có ý nghĩa hết sức sâu sắc đối với những người làm báo: “Ham tìm tòi, trung thực và dũng cảm. Làm báo là phải nghĩ cách giúp người đọc giải quyết những vấn đề mà họ gặp trong cuộc sống”. Phong cách ấy chắc hẳn không chỉ có giá trị đối với nghề báo mà rất có giá trị đối với mọi công việc hiện nay!

Bên cạnh đó, những công trình, chương trình biểu tượng của sự hợp tác Xô-Việt, Nga-Việt như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Hòa Bình, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga... cũng được thể hiện thông qua nhiều bài viết của các tác giả: Phạm Quang Long, Đặng Nam Điền, Quách Đình Hợi, Hồng Linh, Anh Dũng... Để sưu tầm tài liệu về Bác Hồ, tác giả Phạm Thị Lai đã có hai chuyến sang Nga (năm 2004 và 2006). Cả hai chuyến công tác này đều là hành trình đong đầy cảm xúc, sự biết ơn với đất nước Nga, những người bạn Nga chân thành, giản dị và tốt bụng đã thôi thúc tác giả viết nên tác phẩm “Hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Nga”.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao giải nhất tặng tác giả Lê Phúc Nguyên với tác phẩm “Thầy tôi”. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Không chỉ người Việt Nam yêu Liên Xô, yêu nước Nga mà những người Nga cũng dành cho Việt Nam nhiều tình cảm sâu đậm. Những mối tình Nga-Việt "đơm hoa kết trái" như một quy luật tự nhiên của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, mà những tổ ấm Việt-Nga làm “nhịp cầu ô thước”. Đó chính là chất men tạo nên “Có một nước Nga giữa lòng phố biển” của tác giả Mai Thắng.

Sức hấp dẫn của cuộc thi

Cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” năm 2020 chính là dịp để không chỉ các nhà báo chuyên nghiệp, thông tin viên, cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài quân đội, đặc biệt là đông đảo các thế hệ du học sinh, sinh viên từng học tập, nghiên cứu tại xứ sở bạch dương được viết về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô/LB Nga với nhân dân Việt Nam ở các giai đoạn lịch sử khác nhau cũng như những kỷ niệm sâu sắc, lòng biết ơn đối với đất nước và nhân dân xứ sở bạch dương.

Thiếu tá Quách Đình Hợi, trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga chia sẻ: Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, anh đã rất yêu mến và kính trọng nhân dân Liên Xô qua các tác phẩm nghệ thuật lừng danh, qua các bài học lịch sử về Cách mạng Tháng Mười và cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Càng vinh dự, tự hào hơn khi anh được công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, mô hình hợp tác đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô trước đây, LB Nga ngày nay. Gửi tác phẩm “Nơi hai trái tim Việt-Xô, Việt-Nga hòa cùng nhịp đập” tới cuộc thi, Thiếu tá Quách Đình Hợi mong muốn nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về tình hữu nghị bền chặt giữa đất nước và con người hai nước Việt Nam-Liên Xô/LB Nga.

Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng trao giấy khen tặng các tập thể có thành tích tích cực tổ chức, hưởng ứng và tham gia cuộc thi. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Sau hơn 6 tháng phát động, đến ngày 30-11, ban tổ chức nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi, trong đó đã lựa chọn đăng tải gần 100 tác phẩm trên 4 ấn phẩm: Báo QĐND, Báo QĐND Cuối tuần, Báo QĐND Điện tử và Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo QĐND, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá: Nhờ chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nên cuộc thi đã thu hút khá đông nhà báo cũng như cộng tác viên trong và ngoài quân đội hưởng ứng tham gia. Hầu hết các tác phẩm dự thi đã bám sát đề tài, thể lệ và cơ bản đáp ứng tiêu chí đề ra, khẳng định sự trân trọng, biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với tình cảm, sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô/LB Nga trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Qua hai vòng chấm điểm, hội đồng chung khảo đã lựa chọn 16 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Trong đó, giải nhất được trao cho tác phẩm “Thầy tôi!” của tác giả Lê Phúc Nguyên. Hai giải nhì thuộc về các tác giả: Quách Đình Hợi với loạt bài hai kỳ “Nơi trái tim Việt-Xô, Việt-Nga hòa cùng nhịp đập” và Phạm Mỹ Hạnh với loạt bài hai kỳ “Xứ sở bạch dương-nơi chắp cánh bay cho vị tướng Việt Nam”; 3 giải ba được trao cho tác phẩm “Ký ức từ Quảng trường Đỏ” của tác giả Ngô Anh Thu; tác phẩm “Những người bạn sắt son giữ yên giấc ngủ Bác Hồ” của tác giả Hồng Linh và “Điều còn lại với nước Nga...” của tác giả Phạm Quang Long. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận tặng 14 tác giả có tác phẩm đạt điểm cao trong vòng chung khảo. Ban tổ chức còn trao bằng khen, giấy khen tặng 7 đơn vị tích cực tổ chức, hưởng ứng và tham gia cuộc thi.

Theo Đại tá Ngô Anh Thu, kết quả của cuộc thi đã góp phần quan trọng tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp to lớn, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo hai nước, hai quân đội trong xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Cuộc thi viết có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc

Báo QĐND đã tổ chức một cuộc thi viết có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc, qua đó góp phần bồi đắp thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay. Có thể nói, các bài viết gửi tới cuộc thi là những câu chuyện hết sức cảm động, người thật, việc thật, ăn sâu vào tâm khảm của các tác giả-những người từng học tập, công tác ở nước Nga, làm việc với các bạn Nga trong những thời điểm lịch sử của cả hai dân tộc. Thông điệp lớn nhất mà cuộc thi mang tới đó là, dù cho thời cuộc có thay đổi thì người dân Việt Nam vẫn dành cho đất nước, con người Nga sự quý mến, trân trọng và tình cảm đặc biệt. (VŨ HÙNG)

Bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao: Cuộc thi gợi về một thời kỷ niệm rất sâu lắng

Cuộc thi đã gợi về một thời kỷ niệm rất sâu lắng của nhiều người từng học tập, công tác và làm việc tại Liên Xô trước đây, LB Nga ngày nay. Cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt vào thời điểm hai nước kỷ niệm 25 năm ký kết “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-LB Nga (30-1-1950 / 30-1-2020), qua đó góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, đồng thời vun đắp vào mối quan hệ truyền thống, hữu nghị vô cùng tốt đẹp. Chính phủ và nhân dân Liên Xô trước đây, LB Nga ngày nay luôn bên cạnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam, kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên những chia sẻ, đóng góp đó. (VĂN HIẾU)

LINH OANH