Nếu thấy trẻ có những biểu hiện này thì có thể con bạn đang bị chậm phát triển trí não, đây là thời điểm vàng để giúp trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:00, 03/07/2021
Không có gì đau lòng hơn khi chứng kiến con gặp tình trạng chậm phát triển, con không nói chuyện và giao tiếp với cha mẹ, hay con không thể hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản. Mặc dù chậm phát triển trí tuệ nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nó không phải là không có khả năng thuyên giảm. Đặc biệt là khi trẻ còn tương đối nhỏ, nếu cha mẹ để tâm ngay từ khi trẻ mới biểu hiện ra bệnh thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn cho trẻ, giúp trẻ phát triển bình thường là điều có thể.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu rõ về sự phát triển của con, dễ dẫn đến việc bỏ lỡ thời kỳ phục hồi tốt nhất. Vì vậy, nếu bé có những biểu hiện bất thường dưới đây cha mẹ cần chú ý vì có thể con đang bị chậm phát triển, từ đó tìm cách điều trị can thiệp kịp thời.
1) Trẻ bú mẹ kém
Phản ứng mút và phản ứng nuốt là bẩm sinh của con người, có nghĩa là mọi đứa trẻ sơ sinh đều có thể chủ động tìm vú mẹ và hút sữa.
Nếu bố mẹ đang cho trẻ bú mà trẻ thường xuyên ọc sữa ra ngoài thay vì nuốt vào bụng. Khi trẻ không bú hoặc bú mà thường xuyên chảy nước dãi, điều này cho thấy trí thông minh của trẻ có vấn đề, khiến cho việc bú và nuốt bị khó khăn.
2) Không biểu đạt cảm xúc
Trẻ sơ sinh từ 1 đến 3 tháng tuổi có thể thể hiện nhu cầu của mình thông qua tiếng khóc và giao tiếp với cha mẹ qua nụ cười.
Nếu em bé được khoảng 3 hoặc 4 tháng tuổi mà vẫn không cười hoặc không khóc và không phản ứng với các tương tác của cha mẹ, rất có thể con có vấn đề với sự phát triển của não bộ.
3) Việc phối hợp các bộ phận trên cơ thể bị chậm
Ông bà ta thường nói: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”, đây là 3 quá trình phát triển thông thường của trẻ.
Nếu em bé không thể lật khi được 4 hoặc 5 tháng tuổi, không thể ngồi dậy với đồ vật khi 7 hoặc 8 tháng tuổi và không thể đứng khi 1 đến 2 tuổi, điều này có thể là do các vấn đề về phát triển não bộ dẫn đến sự chậm phát triển của quá trình phối hợp các bộ phận trên cơ thể của trẻ. Một số trẻ có sự kết hợp vận động giữa tay – chân – miệng kém.
4) Chậm nói
Trẻ chậm nói so với mốc phát triển thông thường. Trẻ thường khó khăn trong việc ghép nối các từ lại với nhau để nói thành một câu hoàn chỉnh. Trẻ không thể nói hoặc truyền đạt bằng cử chỉ khi muốn một vật gì đó. Khi gọi tên trẻ hoặc đặt câu hỏi trẻ không đáp ứng lại. Trẻ thường có xu hướng chơi một mình, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh.
5) Khả năng tập trung kém
Có những đứa trẻ đối với các sự vật xung quanh rất lạnh nhạt, thờ ơ, không có cách nào tập trung, chú ý. Cho dù chúng có hứng thú với thứ gì đó thì thời gian sẽ rất ngắn và phản ứng đặc biệt chậm chạp. Điều đó chứng tỏ đứa trẻ có năng lực tư duy logic hạn chế, chậm phát triển trí não.
• Tuy nhiên cha mẹ cũng cần nhớ rằng, mỗi một đứa trẻ là một cá thể khác nhau, có sự phát triển khác nhau của riêng chúng. Có đứa trẻ phát triển sớm và mạnh mẽ hơn so với các bạn khác. Vì vậy, chỉ cần con bạn tăng trưởng không quá chậm so với tiêu chí thông thường thì cha mẹ chưa cần quá lo lắng.
Việc chăm sóc cho trẻ là một quá trình lâu dài, cần phải có một kế hoạch giáo dục cụ thể. Sự quan tâm và để ý của cha mẹ vô cùng quan trọng với các bé. Bởi không ai khác, chính bố mẹ mới là người cảm nhận được những bất thường của con mình đầu tiên. Do đó, nếu có bất kì dấu hiệu nào bất thường như trên, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là đưa bé đi khám bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trẻ.
Theo Mộc - VietNamNet