Bé 3 tuổi sốc phản vệ do kiến ba khoang đốt, bác sĩ khẳng định, loại vật này chứa chất độc như nọc độc rắn hổ mang

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:33, 03/07/2021

Mặc dù là con vật hiền lành, tuy nhiên do cơ chế phòng thủ sinh học để chống lại các kẻ thù khác, vì vậy, bên trong cơ thể kiến ba khoang có chứa chất Pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da.

Đang chơi, em bé 3 tuổi bị kiến ba khoang đốt

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 3 tuổi, địa chỉ xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang bị sốc phản vệ nguy kịch do bị kiến ba khoang đốt. Khi đến bệnh viện, tình trạng của em đã trở nặng.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó, em bé chơi đùa dưới gốc cây xoan gần nhà thì bị kiến ba khoang đốt một nốt vào bàn chân. Ban đầu, gia đình thấy bé gải nhiều, sau đó mặt đỏ và môi tím tái nên đưa con đến Trạm y tế xã cấp cứu.

kien-ba-khoang.jpg
Kiến ba khoang.

Ngay sau đó, bé được chuyển đến bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ khoa Nhi đã nhanh chóng cấp cứu bệnh nhi theo “Sơ đồ chẩn đoán và cấp cứu phản vệ”. Sau nhiều ngày theo dõi tại bệnh viện, sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục và được xuất viện.

Theo các bác sĩ khoa nhi, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trường hợp của bệnh nhi trên là phản ứng quá mẫn của cơ thể khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm, hít...

Bệnh xuất hiện rất nhanh, ngay lập tức hoặc trong vòng 30 phút kể từ khi tiếp xúc dị nguyên. Sốc phản vệ có biểu hiện hạ huyết áp, trụy tim mạch, suy hô hấp cấp do tăng tính thấm thành mạch và co thắt cơ trơn phế quản, dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Triệu chứng xuất hiện càng sớm bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao.

Kiến ba khoang hiền, nhưng cơ thể chứa chất độc như nọc độc rắn hổ mang

Theo bác sĩ Phan Thị Thùy Thao, khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), kiến ba khoang (còn gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong…) là loài côn trùng có màu là các khoang đen – vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài như hạt thóc. Chiều dài của chúng từ 1 – 1,2cm, ngang 2 – 3mm. Kiến có 3 đôi chân, 2 đôi cánh. Trong đó có một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn, bay và chạy rất nhanh.

image001-2.jpg

Thông thường, kiến ba khoang sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển.

Ngày nay, do tốc độ đô thị hóa, các loài côn trùng đang mất dần môi trường sống và buộc phải sống chung với con người. Vì vậy khả năng các loài côn trùng tiếp xúc với con người rất cao, nhất là vào mùa sinh sản của chúng.

Giống như loài mối cánh, vào mùa sinh sản, chúng thường bay ra khỏi nơi trú ẩn và tụ tập quanh ánh đèn vào ban đêm, đây cũng chính là nguyên nhân mà kiến ba khoang tiếp cận con người và vô tình gây nên những hậu quả cho con người.

Khi bay vào nhà, kiến ba khoang đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…

Bản chất kiến ba khoang là con vật hiền lành, chúng không cắn hoặc đốt chích người.

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện NhiTrung ương, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh.

Vết thương do kiến ba khoang đốt có đặc điểm sau:

-Tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay.

-Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lỏm màu trắng vàng ở giữa.

-Nếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch.

-Thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

image002.png
Vết đôt của kiến ba khoang gây ngứa, đau rát, khó chịu...

Các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng, chúng ta cần chú ý những điều sau:

- Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).

- Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.

- Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.

- Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.

- Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.

- Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.

- Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.

- Nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến thì nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.

Làm gì khi bị bị chất độc của chúng dính vào da?

- Lấy nước sạch mát rửa chỗ kiến đốt rồi cho xà phòng rửa vào nhé. Bạn phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương.

- Nhanh chóng bôi hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc)

- Những ngày sau đó, tùy vào mức độ bị kiến đốt bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau bên cạnh việc bôi hồ nước đều đặn.

- Nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp lên: Bạn nên dùng thêm mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh để bôi lên da.

- Nếu vết đốt có dấu hiện lở loét, nhiễm khuẩn, bị rỉ mủ: Bạn bôi thêm dung dịch xanh metilen 1 % và để yên tâm bạn nên đến các cơ sở Y tế để khám và điều trị kịp thời.

- Mỗi ngày bạn nên bôi thuốc thành 2 lần, trước khi bôi bạn rửa sạch vết thương với nước muỗi loãng (có bán ở các hiệu thuốc).

Phương Linh (T/H)