Thu thuế qua sàn thương mại điện tử nhằm giảm thiểu đầu mối kê khai

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:03, 02/07/2021

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh danh cá nhân (Tổng cục Thuế), quản lý thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai.
Chú thích ảnh
Shopee vừa khảo sát hơn 24.000 người dùng Việt Nam cho thấy, 57% khách hàng bị hấp dẫn bởi ưu đãi khi mua sắm online, đặc biệt thuận tiện trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: Shopee.

Theo lộ trình, từ nay đến trước ngày 1/8, Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương sẽ khảo sát thực tế một số sàn giao dịch TMĐTđể xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn. Động thái này được ngành Thuế đưa ra nhằm tránh thất thu thuế lĩnh vực này, thay vì để cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT phải tự kê khai và nộp thuế như trước, quy định mới tại Thông tư 40 sẽ chuyển trách nhiệm này sang các sàn TMĐTnhư: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo...

“Việc quản lý thu thuế theo phương thức cũ tốn rất nhiều thời gian của người nộp thuế và cơ quan thuế. Do đó, các Tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế(OECD), Ngân hàng Thế giới khuyến nghị các nước nên thống nhất cách thức, quy định các sàn giao dịch điện tử có trách nhiệm xác định số thuế phải nộp của các đơn hàng, thu hộ và khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.”, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết.

Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/8, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin người bán gồm: Doanh thu, tài khoản ngân hàng và mặt hàng kinh doanh cho cơ quan thuế để quản lý thuế hiệu quả hơn.Thông tư 40 được ban hành nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ được tự kê khai nộp thuế, hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế thay.

Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: Họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.

“Các cá nhân kinh doanh tuân thủnghĩa vụ thuế sẽ không bị ảnh hưởng, khi đã nộp thuế thông qua sàn, sẽ không phải nộp thuế tại địa điểm kinh doanh cố định đối với doanh thu qua sàn. Các trường hợp hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi trực tiếp bán nông sản qua sàn cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế theo quy định”, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết.

Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh có doanh thu kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế, đến cuối năm cá nhân tự xác định doanh thu trong năm và được đề nghị xử lý hoàn trả hoặc bù trừ vào số phải nộp phát sinh của kỳ sau theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Sự ra đời của Thông tư 40 trong bối cảnh TMĐT Việt Nam được ghi nhận có sự tăng trưởng cao, tới 15% năm 2020, đạt quy mô 13,2 tỷ USD, cao nhất Đông Nam Á; đồng thời, thuộc những quốc gia có mức phát triển thương mại điện tử cao nhất thế giới. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang trở thành cơ hội "vàng" cho sự phát triển của các sàn giao dịch TMĐT.

Tuy nhiên với chính sách này, nhiều sàn TMĐT lo ngại về khoảng thời gian quá ngắn để kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng: Sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định. Chưa kể, sàn TMĐT sẽ phát sinh thêm chi phí và phải bổ sung nguồn lực lớn nếu thực hiện quy định này.

Theo bà NguyễnThịLan Anh, trước mắt Sàn giao dịch TMĐT sẽ thực hiện việc cung cấp thông tin về cá nhân bán hàng thông qua sàn, cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh cá nhân theo nguyên tắc cá nhân tự kê khai, nộp thuế và cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có). Tổng cục Thuế đang lấy ý VECOM và các sàn giao dịch TMĐT; đồng thời mong muốn các hiệp hội và các sàn TMĐT gửi ý kiến tớiTổng cục Thuế (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân) trước ngày 3/7.

Thông tư số 40 quy định các sàn TMĐTsẽ triển khai kê khai nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh qua sàn theo lộ trình của cơ quan Thuế theo các bước:

Bước 1 (từ nay đến trước 1/8/2021): Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử (sàn thương mại điện tử) để xây dựng chuẩn dữ liệu; dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn thương mại điện tử.

Bước 2 (từ 1/8/2021 đến trước 1/10/2021): Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.

Bước 3 (từ 1/10/2021 đến trước 1/1/2022): Tổng cục Thuế và các sàn giao dịch thương mại điện tử triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm bảo việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử. Bước 4 (từ 1/1/2022): Sàn thương mại điện tử thực hiện việc kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.

Minh Phương/Báo Tin tức