Cầu tiêu dùng nội địa giảm khiến lạm phát thấp
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:38, 02/07/2021
CPI bình quân tăng chủ yếu do giá xăng, dầu
“Mục tiêu kiểm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện không hẳn là điều đáng mừng”, ông Nguyễn Đức Độ nhận định. Mặt bằng giá diễn biến 6 tháng đầu năm theo hướng tăng cao theo quy luật vào dịp lễ, Tết và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3và 4/2021 trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và 6/2021.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá. So với tháng trước, CPI của tháng 1/2021 tăng 0,06%; tháng 2/2021 tăng cao 1,52%; tháng 3/2021 giảm 0,27%; tháng 4/2021 giảm 0,04%; tháng 5/2021 tăng 0,16%; tháng 6/2021 tăng 0,19%. Từ đó, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ nhưng cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. “CPI bình quân tăng chủ yếu do giá nhiên liệu, giá dịch vụ giáo dục, giá gạo, giá vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI 6 tháng đầu nămlà do giá các mặt hàng thực phẩm ổn định; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; nhu cầu đi lại của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh", PGS TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho biết.
Lạm phát trong tầm kiểm soát; đảm bảo cân đối cung - cầu
Qua tính toán, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng: Nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên 3,28% vào tháng 12/2021. Đồng thời lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 2,12%. Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71% nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
“Nếu kiểm soát lạm phát một cách thận trọng, chủ động, thậm chí chúng ta có thể đạt CPI cả năm 2021 dưới 3%”, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản CPI năm 2021. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức 6,8 - 7%, khả năng lạm phát cả năm sẽ ở khoảng 3,3 - 3,5%. Nếu kinh tế tăng trưởng ở mức 7,0 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức 3,8 - 4,0%.
Theo TS Lê Quốc Phương, từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu các mặt hàng thiết yếu; không tăng giá đồng thời các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam cần điều hành tốt giá một số mặt hàng sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản; cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định:Năm 2021 giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định. Một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cảnhư nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm nhưng diễn biến rất bất thường.
“Cục Quản lý giá cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao dưới mức 4%, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có các biện pháp cần đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biển động mạnh.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiếm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản; có các giải pháp điều tiết nhằm tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng “sốt” giá, “thổi” giá.