Thế hệ Z Trung Quốc: Lối sống xa hoa và những món nợ ngập đầu

Công nghệ - Ngày đăng : 08:27, 02/07/2021

Rất quan tâm đến ngoại hình và sử dụng tiền phóng khoáng, chi tiêu của Thế hệ Z Trung Quốc chiếm 13% thu nhập hộ gia đình của họ. Đó là còn chưa kể đến việc gánh thêm nhiều khoản nợ nần.

Giới trẻ Hàn Quốc nợ ngập đầu.

Một streamer Trung Quốc tên Huang Hanwen có thói quen sử dụng các thương hiệu mỹ phẩm nội địa, dành thời gian để stream nói về hoạt hình, truyện tranh, trò chơi, tiểu thuyết ngắn (ACGN) cũng như những người nổi tiếng trong nước, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các tin tức giải trí. Vào cuối tuần, Huang sẽ dùng thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Make Up For Ever, uống rượu whisky nhập khẩu pha với Coke hoặc Red Bull.

Huang, năm nay 24 tuổi, được xếp vào nhóm nhân khẩu thế hệ gen Z cùng với hầu hết 300.000 fan của mình trên khắp đất nước, thế hệ đang giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc.

Thế hệ Z được sinh ra trong giai đoạn từ 1995-2010, một thống kê cho thấy những người này đã mua 15% trong tổng số hàng hóa xa xỉ được bán ở Trung Quốc, so với mức trung bình 10% trên toàn thế giới.Các khoản chi tiêu của thế hệ này cũng chiếm 13% tổng thu nhập gia đình họ, so với chỉ 4% ở Mỹ và Anh.

Sự phóng túng và thú vui của giới trẻ Trung Quốc trong việc chi tiêu ngày càng đóng vai trò lớn, trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đồng thời, vượt xa thói quen chi tiêu của giới trẻ đồng trang lứa ở phương Tây.

"Những người hâm mộ đều nghĩ rằng tôi đẹp trai và trông giống các ngôi sao Nhật Bản và Hàn Quốc. Những người ở độ tuổi của tôi rất quan tâm đến ngoại hình. Tôi và người hâm mộ sẵn sàng chi từ 40% thu nhập trở lên cho mỹ phẩm, thẩm mỹ và quần áo", Huang nói.

"Chúng tôi cũng có thú vui với rượu whisky, vodka và Art toy. Chúng tôi thích xem phim truyền hình và video về phong cách cổ xưa của Trung Quốc cũng như ACGN nhưng hiếm khi bàn đến chính trị và cơ quan công quyền, nó rất rủi ro khi thảo luận trước công chúng".

Huang đã trở thành streamer theo hợp đồng cho một nền tảng xã hội trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2016, thời điểm mà khái niệm này vẫn còn khá sơ khai trong mắt khán giả.

Công việc của Huang là mặc trang phục truyền thống của dân tộc Hán, hát các bài nhạc pop Trung Quốc và trò chuyện với người hâm mộ. Mỗi tháng, anh cần thu hút 240.000 lượt xem trong ít nhất là một phút livestream để nhận được mức lương cơ bản. Ngoài những món quà hàng tháng đến từ người hâm hộ, thu nhập hàng tháng của Huang cũng dao động từ 10.000 nhân dân tệ (1.540 USD) đến 40.000 nhân dân tệ (6.191 USD).

"Kế hoạch của tôi là thu hút hơn 1 triệu fan trên một số nền tảng truyền thông livestream của Trung Quốc", Huang nói và cho biết mình có thể kiếm được hơn 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) mỗi tháng, thông qua nhận quảng cáo và quảng bá thương hiệu online.

Một thế hệ lấy chi tiêu làm động lực hàng đầu

Thế hệ Millennials gồm những người sinh từ năm 1980-1995 và thế hệ Z đã chạm đến ngưỡng 386 triệu người, chiếm 27% dân số Trung Quốc. Phần lớn họ không có anh chị em, còn bạn bè thì giống như những đối thủ cạnh tranh. Sự đồng cảm của thế hệ này với Internet còn cao hơn đối với cha mẹ của họ.

Theo "Sách trắng thế hệ Z" của Kantar và Tencent, 46% thế hệ Z của Trung Quốc nghĩ rằng, mục tiêu tiêu dùng chính là tìm kiếm sự công nhận cho bản thân với xã hội, khẳng định phong cách cá nhân và thỏa mãn trước mắt là động lực hàng đầu của họ.

Theo khảo sát, khoảng 42% người Trung Quốc sinh ra trong những năm 1960 sẵn sàng giao lưu với những người quen biết,nhưng con số này chỉ là khoảng 33% ở những người sinh vào những năm 2000. Vì họ đặt sự an ủi bản thân vào tiêu xài, không phải giao tiếp.

"Tôi sẽ tiêu toàn bộ số tiền lương hàng tháng của mình, Dành 40% cho thuê nhà và ăn uống, 60% để làm đẹp, fitness, du lịch và sắm quần áo mới. Du lịch là điều cần phải có mỗi tháng", Monica Liu, 25 tuổi, cho biết. Thu nhập hàng năm của cô rơi vào khoảng 250.000 nhân dân tệ (38.500 USD) từ công việc bán hàng cho một nhà cung cấp thiết bị y tế. "Tôi nghĩ những người ở độ tuổi mình là thế hệ theo đuổi sự sang trọng trong thiết kế, chi rất nhiều tiền cho các thương hiệu Âu Mỹ".

"Tôi đến từ một gia đình trung lưu tại tỉnh Sơn Đông (vùng đông bắc Trung Quốc), tôi thích mua đồ Michael Kors and Coach. Bạn bè và đồng nghiệp xuất thân từ các gia đình giàu có thì mua sắm tại Chanel hoặc Gucci. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi hơn, sinh sau năm 2000 có thể khác chúng tôi về thói quen chi tiêu".

Bên cạnh đó, nhiều mỹ phẩm và thời trang mới nổi là thương hiệu nội địa. Chẳng hạn như thương hiệu đang được nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc ưa thích hiện nay là Urban Revivo, một thương hiệu địa phương ở Quảng Châu.

Yu Mingqian, 21 tuổi, sống ở Trú Mã Điếm, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), có ước mơ vung tiền vào gym, du lịch và mua mỹ phẩm nhập khẩu cùng bạn bè.

Yu đã vay bạn bè và gia đình 70.000 nhân dân tệ (10.834 USD) trong năm nay để mở một studio vẽ tranh dành cho trẻ em, thu phí mỗi học sinh 3.000 nhân dân tệ (464 USD) cho khóa học một năm.

"Tôi đã sở hữu một chiếc túi thương hiệu Coach, nếu khoản đầu tư suôn sẻ, tôi muốn mua một đôi giày Gucci vào năm tới", cô nói.

Một cuộc khảo sát do OC&C Strategy Consultants công bố cho thấy, trong số 15.500 thanh niên sinh năm 1998 trở lên ở 9 quốc gia là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, thế hệ Z của Trung Quốc tiết kiệm ít hơn nhưng lại chi tiêu mạnh hơn nhiều so với thu nhập hộ gia đình của họ, khi đặt cạnh thế giới phương Tây.

Không còn lạ lẫm với nợ nần

Cuộc khảo sát cho biết, chi tiêu thế hệ Z của Trung Quốc chiếm 15% thu nhập hộ gia đình của họ, so với 4% ở Pháp và Đức và 3% ở Mỹ và Anh. Mặc dù thu nhập khả dụng trung bình hàng tháng chỉ khoảng 3.500 nhân dân tệ (khoảng 540 USD), nhưng thế hệ Z Trung Quốc lại tiêu rất nhiều tiền của gia đình.

Trong khi đó, so với thế hệ sinh ra trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách và mở cửa, giới trẻ Trung Quốc hiện tại có ý thức mạnh mẽ hơn về bản sắc văn hóa truyền thống và chủ nghĩa dân tộc. Điều này thúc đẩy nhu cầu đối với các thương hiệu và sản phẩm nội địa kết hợp với phong cách và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Một xu hướng được gọi làguochao- một lối thoát cảm xúc để thể hiện bản thân.

Doanh thu đến từ hanfu (trang phục truyền thống của dân tộc Hán trước thời nhà Thanh những năm 1700) đã tăng từ 190 triệu nhân dân tệ (30 triệu USD) năm 2015, lên 4,52 tỷ tệ (696 triệu USD) vào năm 2019. Một nửa được mua bởi Thế hệ Z của Trung Quốc.

Nhóm tuổi này nhìn chung lạc quan về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, cho rằng tài sản là hình thức giàu có đáng tin cậy nhất.

"Tôi đã đến một số quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ để kinh doanh hoặc nghỉ dưỡng. Tôi lạc quan về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là hiệu suất của nền kinh tế thời kỳ đại dịch. Nhưng mặt khác, áp lực tài sản thế chấp ở những siêu đô thị của Trung Quốc là quá lớn. Tôi cảm thấy mình sẽ không hạnh phúc cả đời này, nếu mua một căn hộ ở Thâm Quyến. Trừ tiền sinh hoạt và tiền thế chấp, số còn lại không còn đủ dư dả để ăn uống và vui chơi", Liu nói thêm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào cuối tháng 6, tổng số hóa đơn thẻ tín dụng quá hạn hơn 6 tháng đã tăng lên 85,4 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ USD). Con số gấp hơn 10 lần so với 10 năm trước, khoảng nửa số đang mắc nợ sinh vào những năm 1990.

"Nhiều người bạn của tôi có nhiều hoặc thậm chí lên đến hàng chục thẻ tín dụng cùng một lúc. Các khoản vay trực tuyến đã chẳng còn lạ lẫm gì", Yu nói. Một khảo sát của tập đoàn tài chính HSBC năm 2019 cho thấy, tỷ lệ nợ trên thu nhập của thanh niên Trung Quốc sinh vào những năm 1990 đã đạt mức đáng kinh ngạc - 1.850%.

Giang Vu (theo SCMP)