Kiến nghị xử nghiêm sai phạm ở siêu dự án trên ‘đất vàng’ sân bay Nha Trang
Kinh doanh - Ngày đăng : 14:56, 01/07/2021
Cụ thể có 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang (cũ). Trong đó có dự án Đường số 4 (đoạn từ đường số 6 đến đường số 23) do Công ty CP Đầu tư VCN làm nhà đầu tư (NĐT); dự án Đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, TP Nha Trang do Công ty Hancom Holdsing làm NĐT; dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Công nghệ môi trường Incotec- Công ty CP Xây dựng và thương mại Ngọc Minh UDIC làm NĐT và 3 dự án do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) làm NĐT.
Giao đất trước, ký hợp đồng BT sau
Liên quan đến quỹ đất tại sân bay Nha Trang bàn giao cho Tập đoàn Phúc Sơn, từ tháng 12/2015, UBND tỉnh Khánh Hoà, Trường Sỹ quan Không quân và Tập đoàn Phúc Sơn đã tổ chức bàn giao và tiếp nhận 18,8ha đất sân bay Nha Trang trên thực địa.
Đến tháng 1/2016, UBND tỉnh Khánh Hoà, Trường Sỹ quan Không quân và Tập đoàn Phúc Sơn tiếp tục tổ chức bàn giao, tiếp nhận gần 44,1ha quỹ đất sân bay Nha Trang (lần 2) trên thực địa.
UBND tỉnh Khánh Hoà tiếp nhận đất từ Bộ Quốc phòng đồng thời bàn giao cho Tập đoàn Phúc Sơn (tháng 12/2015) khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không đúng quy định Luật Đất đai năm 2013 |
Tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành quyết định 3262 về việc thu hồi đất do Trường Sỹ quan Không quân quản lý tại khu vực sân bay Nha Trang và giao đất, cho thuê đất cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ - Tài chính – Du lịch Nha Trang (Khu Trung tâm đô thị Nha Trang) (phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3) với diện tích hơn 62ha.
TTCP chỉ rõ việc UBND tỉnh Khánh Hoà tiếp nhận đất từ Bộ Quốc phòng đồng thời bàn giao cho Tập đoàn Phúc Sơn (tháng 12/2015) khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất là không đúng quy định Luật Đất đai năm 2013.
Cũng theo TTCP, UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành quyết định 3262 trong đó có nội dung giao đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất để Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án Khu Trung tâm đô thị Nha Trang là không đúng với đề xuất của tỉnh (sử dụng quỹ đất để thanh toán hợp đồng BT) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Để hợp thức hóa hơn 62ha đất trên, tháng 7/2017, UBND tỉnh Khánh Hoà ra Quyết định 2139 sửa đổi nội dung quan trọng tại Điều 1 và 2 của Quyết định 3262. Theo đó, Khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau: “giao toàn bộ diện tích đất 623.064,4m2 đất (gồm 632.022,3m2 đất đã thu hồi của Quyết định 3262/QĐ-UBND tỉnh Khánh Hoà và 42,1m2 đất do UBND phường Lộc Thọ quản lý) để hoàn vốn dự án BT (dự án 3 giao thông) cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án Khu trung tâm đô thị Nha Trang (phân khu 2A, 2 và 3)”.
Cả 3 dự án BT do Tập đoàn Phúc Sơn làm NĐT chưa một dự án nào hoàn thành, không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt |
Đến tháng 11/2017, UBND tỉnh mới ủy quyền cho Ban quản lý dự án của tỉnh ký hợp đồng BT 3 dự án giao thông với Tập đoàn Phúc Sơn, gồm: Dự án BT Nút giao thông Ngọc Hội đổi 5,49ha đất sân bay, với tổng trị giá sử dụng đất tạm tính là 1.215 tỷ đồng (khoảng 22 triệu đồng/m2).
Dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội - còn gọi là đường vành đai 2, đổi 9,15ha đất sân bay, với tổng trị giá đất tạm tính khoảng 1.099 tỷ đồng (khoảng 12 triệu đồng/m2).
Còn dự án BT nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, đổi gần 6ha đất, với giá trị đất tạm tính gần 950 tỷ đồng (khoảng 16 triệu đồng/m2).
TTCP chỉ ra rằng, theo quy định việc giao đất, cho thuê đất để hoàn vốn chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng BT với NĐT. Thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành dự án BT.
“Do đó, việc UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành quyết định 2139 có nội dung để hoàn vốn cho dự án BT khi hợp đồng BT chưa được ký kết là không phù hợp với Nghị định 15/2015 của Chính phủ”- kết luận TTCP nêu rõ.
Trong khi cả 3 dự án giao thông BT đều chậm tiến độ, chưa một dự án nào hoàn thành thì tại quỹ đất đối ứng sân bay Nha Trang, Tập đoàn Phúc Sơn đã làm hạ tầng dự án Trung tâm đô thị Nha Trang trong quỹ đất được giao, phân lô bán nền ký "hợp đồng góp vốn" với nhiều khách hàng khi chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh. Việc bán nền tại sân bay Nha Trang của Tập đoàn Phúc Sơn đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 275 triệu đồng vào tháng 5/2018.
Được chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt, tiến độ ì ạch
Tại kết luận, TTCP cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại vi phạm tại 3 dự án do Tập đoàn Phúc Sơn làm NĐT.
Cụ thể, các dự án BT không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp. Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu năm 2013.
Đất trong sân bay Nha Trang được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn để hoàn vốn các dự án BT đã được phân lô bán nền |
Phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình báo cáo Thủ tướng, làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỉ đồng, kéo dài thời gian thực hiện DA lên thêm 30 tháng, tách 1 dự án nhóm A thành 2 dự án nhóm B.
Phương án hoàn vốn nêu trong hợp đồng BT không phù hợp với đề xuất của UBND tỉnh được Thủ tướng chấp thuận.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào DA đầu tư chưa đúng quy định, làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án lên 499,202 tỷ đồng.
Phê duyệt kết quả lựa chọn NĐT, đàm phán và ký kết hợp đồng 3 dự án BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị dự án BT được tỉnh phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn NĐT là 73,49 tỷ đồng, là vi phạm về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu...
“Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên của 3 dự án BT thuộc về UBND tỉnh Khánh Hoà, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, NĐT Tập đoàn Phúc Sơn, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hoà, lãnh đạo UBND tỉnh trong thời kỳ của dự án…” – TTCP nêu.
Xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể
Với những vi phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2014 - 2019) nghiêm túc kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý nghiêm minh.
Đồng thời giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo giám đốc các sở: Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Nha Trang, Văn phòng UBND tỉnh, giám đốc các ban quản lý dự án có liên quan nghiêm túc kiểm điểm và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các tập thể và cá nhân có liên quan đã để xảy ra các sai phạm đã nêu. Sớm chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhất là đối với các công trình dự án thực hiện theo hình thức BT.
Về tài chính, theo KLTT, tỉnh Khánh Hòa khẩn trương chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý khắc phục những tồn tại, vi phạm đối với 3 hợp đồng BT do Tập đoàn Phúc Sơn là NĐT. Cần ban hành quyết định bổ sung giao đất, cho thuê đất để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thanh, quyết toán các dự án BT; xử lý diện tích đất còn lại.
Phê duyệt thiết kế dự toán (đảm bảo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm xác định giá thu tiền sử dụng đất) giảm tổng mức đầu tư 499,202 tỷ đồng tại các dự án BT nói trên. Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị có liên quan trong việc thẩm định 3 dự án này.
Bên cạnh đó, địa phương sớm xác định giá thu tiền sử dụng đất để thanh toán hợp đồng BT. UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương xác định thời điểm tính giá đất để thanh toán hợp đồng BT đúng quy định của pháp luật, đảm bảo khắc phục tồn tại, vướng mắc, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NĐT; không để thất thoát tài sản của nhà nước.
Theo GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, khi thuyết minh những công trình để được thực hiện theo hình thức BT thường chỉ đối với những trường hợp thật cần thiết trong đó có việc hạ tầng là rất cấp bách phải làm nhanh mà ngân sách không có. Việc công trình hạ tầng, giao thông được làm bằng BT nhưng bây giờ công trình hạ tầng không thấy đâu mà đất đối ứng đã bán thì không ai có thể chấp nhận được. “Các dự án chậm tiến độ là không thực hiện đúng cam kết hợp đồng BT trong khi đó bản thân nhà đầu tư đã đem đất đối ứng chia lô bán nền thu tiền là không thể chấp nhận được. Khánh Hoà hoàn toàn có thể quyết định thu hồi lại toàn bộ. Ở đây chủ đầu tư đã lợi dụng cơ chế BT để thu tiền trước khi hoàn thành các dự án hạ tầng cần thiết” – ông Võ nói. |
Thuận Phong