Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số trong năm nay

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:14, 01/07/2021

Ngoài đàm phán để mua 120 triệu liều vắc xin ngoại, nước đang chuẩn bị kế hoạch để đến tháng 6/2022 sẽ sản xuất được vắc xin COVID-19 trong nước.

Đàm phám mua 120 triệu liều vắc xin ngoại

Ngày 27/4, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát ở nước ta. Tính đến 12h ngày 1/7, cả nước đã có 13.942 ca, trong đó có 4.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Dịch đã lan ra 44 tỉnh, thành, với nhiều ổ dịch, nhiều chuỗi lây nhiễm, nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Hiện, dịch đang có diễn biến phức tạp ở TP.HCM, Bình Dương, Phú Yên, Hà Tĩnh, Nghệ An…

vx-2.jpg
Một người dân đang được tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh: HCDC.

Thời gian qua, ngành y tế, lực lượng chức năng ở TP.HCM và các tỉnh thành khác đã dùng nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt, thần tốc nhưng vẫn chưa ngăn chặn được các nguồn lây. Bộ Y tế nhận định, biến chủng virus SAR-CoV-2 đang hiện hành ở nước ta hiện nay là Delta, có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, lây trong không khí. Điều này, đã gây khó khăn cho việc sớm dập tắt dịch bệnh.

Để người dân ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, ngoài tiến hành các biện pháp chống dịch như: phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, thần tốc xét nghiệm… Bộ Y tế còn triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, nước ta có đủ vắc xin tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều). Theo đó, ngoài vắc xin AstraZeneca (30 triệu liều), trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vắc xin của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều), Sputnik V (20 triệu liều) và (38,9 triệu liều) của chương trình COVAX Facility.

Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Hiện, Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin cho người dân, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.

vx-3(1).jpg
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong năm nay sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số nước ta. Ảnh: HCDC.

Tháng 6/2022 sẽ có vắc xin trong nước

Ngoài những loại vắc xin COVID-19 nhập khẩu ở trên, hiện nay, nước ta đang có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vắc xin, trong đó vắc xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM là hai đơn vị nhận thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, triển khai tại Học viện Quân y, tỉnh Hưng Yên, Viện Pasteur TP HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang và một số đơn vị.

Khác với các loại vắc xin được sản xuất dựa trên kháng thể, vắc xin Nanocovax được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Dựa trên đoạn gene mã hóa của virus SARS-CoV-2, nhà sản xuất tích hợp đoạn gene này vào dòng tế bào đang nuôi cấy để sinh tổng hợp protein.

Ông Hồ Nhân, Giám đốc Công ty Nanogen cho biết, dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, công ty dự kiến đến tháng 12 năm nay có thể cung cấp đủ 50 triệu liều và 100 triệu liều vào năm 2022.

"Công ty Nanogen sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất để cung cấp đủ vắc xin để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022", ông Nhân thông tin.

Tới đây, công ty sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm cho 13.000 người. Trong tháng 7 sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với 1 triệu người tham gia tiêm, ở cả miền Nam và miền Bắc.

Ông Nhân cho biết, khi tiến hành sản xuất vắc xin, công ty luôn đề cao yếu tố an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ. Vì vậy, ông mong Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế cử một đội chuyên hành động lo về vấn đề sản xuất vắc xin đồng hành cùng công ty.

vx-1.jpg
Ngoài đàm phán để mua vắc xin ngoại, nước ta đang nỗ lực để đến tháng 6/2022 sẽ có vắc xin sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: HCDC.

Ứng viên thứ hai là vắc xin COVIVAC vừa hợp tác với Thái Lan phân tích dữ liệu thử nghiệm. Đây là vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (Ivac) nghiên cứu, phát triển.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), ngày 29/6 cho biết giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac chưa kết thúc. Nhóm nghiên cứu mới hoàn thành 6 lần thăm khám cho người tình nguyện, còn lần thăm khám thứ 7 sẽ tiến hành vào ngày thứ 197 (khoảng 6,5 tháng) và lần thứ 8 vào ngày thứ 365, đều sau tiêm liều một.

Sau lần thăm khám thứ 6, nhóm đã thu thập các dữ liệu cơ bản để phân tích về tính an toàn của vắc xin. Nhóm đã gửi đối tác tại Thái Lan kiểm tra độc lập, khách quan về chất lượng số liệu, phân tích đánh giá về tỷ lệ các biến cố bất lợi (phản ứng phụ) xảy ra.

Theo Phó giáo sư Thiển, kế hoạch thử nghiệm vắc xin được điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Nhóm nghiên cứu cố gắng tuân thủ các yêu cầu khoa học về thử nghiệm lâm sàng và cân nhắc an toàn sức khỏe cho người tham gia, đồng thời đẩy nhanh nhất tốc độ nghiên cứu. Họ khuyến cáo người tình nguyện tiêm vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép theo chương trình của Chính phủ nếu có điều kiện.

Dự kiến, nhóm sẽ có phân tích kết quả an toàn vào ngày 9/7, và ngày 19/7 có kết quả về tính sinh miễn dịch. Sau đó, nhóm sẽ trình báo cáo giữa kỳ cho Hội đồng đạo đức và Bộ Y tế để xem xét, quyết định triển khai tiếp giai đoạn hai. Nhóm cố gắng tới cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 có thể tiêm liều đầu tiên của giai đoạn hai.

Theo kế hoạch, COVIVAC sẽ có quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều vaccine/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư. Trong khi đó, Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20 -30 triệu liều/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Tại các buổi làm việc với các ứng viên sản xuất vắc xin trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, quyết tâm, chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vắc xin COVID-10 sản xuất trong nước.

Theo Thủ tướng, từ nay đến tháng 9, vắc xin trên toàn cầu rất khan hiếm, khó tiếp cận được các kênh, vì vậy, trong nước cần phải chủ động được nguồn vắc xin. Vì vậy, chúng ta cần chủ đồng nguồn vắc xin trong nước sớm nhất và nhanh nhất có thể. “Trong lúc nước sôi lửa bỏng như hiện nay, chúng ta cần phải chạy”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long thành lập tổ nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất vắc xin COVID-19. "Chúng ta cần phải chủ động miễn dịch cộng đồng thì người dân mới yên tâm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống xã hội. Bởi dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, nên chúng ta phải làm nhanh, có tính lâu dài và chiến lược", Thủ nhấn mạnh.

Phương Linh (T/H)