Thành phố Huế mở rộng: Dấu mốc cho một chặng đường mới
Xã hội - Ngày đăng : 14:38, 30/06/2021
Ngày 1/7, Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế sẽ chính thức có hiệu lực. Thành phố Huế mới có diện tích tự nhiên rộng hơn 265km2, quy mô dân số trên 652.570 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã.
Việc mở rộng thành phố Huế, một đô thị di sản đặc biệt của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội phát triển mới nhưng cũng đi liền với không ít khó khăn, thách thức. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, Bí thư Thành ủy Huế về nội dung này.
- Nghị quyết số 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mở rộng thành phố Huế chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, xin ông cho biết công tác chuẩn bị để triển khai Nghị quyết này trong thực tế?
Ông Phan Thiên Định: Để thực hiện Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương liên quan cùng vào cuộc.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập 3 tổ công tác để tiến hành công tác tiếp nhận, bàn giao, quản lý từ đất đai, tài sản, tài chính ngân sách và con người. Trên cơ sở đó, Thành ủy Huế đã chỉ đạo hình thành 3 tổ công tác để thực hiện những công việc liên quan.
Vừa qua, Thành ủy Huế đã chủ trì làm việc với Ủy ban Nhân dân thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang, đồng thời làm việc với những cán bộ chủ chốt của các xã, phường sáp nhập về thành phố để chuẩn bị những phương án chi tiết thực hiện Nghị quyết 1264.
Quan điểm đưa ra là phải đảm bảo thứ nhất là lợi ích của người dân, làm sao sáp nhập vào thành phố người dân phải được hưởng lợi ích tốt hơn, chứ không phải là sự mất đi các lợi ích.
Cùng với đó, đảm bảo sự ổn định của bộ máy lãnh đạo từ cấp cơ sở đến cấp thành phố; trong quá trình thực hiện các bước sáp nhập, việc giải quyết thủ tục hành chính phải được vận hành một cách thông suốt, không dừng lại vì bất cứ lý do gì.
Đây là những yêu cầu đặt ra và để làm được điều đó, thành phố Huế cùng phối hợp với những địa phương liên quan đã có các công tác chuẩn bị trên tất cả lĩnh vực và đến nay có thể nói rằng việc sẵn sàng cho việc sáp nhập đã được tiến hành rất chu đáo và sẽ vận hành thông suốt.
- Ông có thể chia sẻ về tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Huế trước dấu mốc lịch sử quan trọng này?
Ông Phan Thiên Định: Chính quyền có nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với cử tri, người dân và đại diện lãnh đạo cơ sở, có thể nói rằng phần lớn người dân rất phấn khởi.
Việc mở rộng thành phố Huế cũng là mong ước của nhiều thế hệ, mọi người dân đều mong muốn mở rộng để làm sao giữ gìn được vùng lõi đô thị di sản mà thành phố đang có và đồng thời tạo ra động lực phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng ven thành phố.
Tất nhiên là có những lo lắng của người dân thành phố mới khi sáp nhập vào, liên quan đến giá đất đai, đến hạn mức sử dụng đất, liên quan đến các khoản tiền thuế, phí… Chúng tôi đã ghi nhận những vấn đề này và đang kiến nghị với tỉnh, với Trung ương để có những chính sách gia hạn trong một số năm, không áp dụng ngay những chính sách mới khi mở rộng.
Làm sao phải hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân một cách tốt nhất và dần dần cùng với việc thực hiện chính sách chung, thành phố cũng sẽ phải có sự đầu tư tương xứng để người dân ở những vùng sáp nhập vào cũng được hưởng tất cả các tiện ích như vùng trung tâm đang có.
- Xin ông cho biết những thời cơ cũng như thách thức trong quá trình mở rộng thành phố Huế?
Ông Phan Thiên Định: Việc mở rộng thành phố tạo cho thành phố Huế có nhiều dư địa để phát triển, cùng với diện tích đất tăng lên gấp 3,7 lần và dân số tăng lên gần gấp đôi, chiếm 1/2 dân số toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Những tài nguyên khoáng sản, đặc điểm địa lý khác cũng đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho thành phố có thể phát triển các mặt kinh tế, xã hội. Đây rõ ràng là một lợi thế rất lớn mà thành phố Huế mở rộng đang được hưởng.
Tuy nhiên, thành phố cũng đứng trước sự thách thức đó là sự định hướng, khả năng lãnh đạo để đạt được mục tiêu phát triển thành phố như mong đợi của hệ thống chính trị là một vấn đề đặt ra.
Đã hàng chục năm từ khi giải phóng đến nay, phần lớn bộ máy hệ thống chính trị của thành phố được thiết kế để quản lý phạm vi thành phố cũ. Việc mở rộng này với rất nhiều đặc điểm mới mà thành phố trước đây chưa có ví dụ như có thêm đầm phá, biển, có thêm ngành nông nghiệp vốn trước đây là một lĩnh vực yếu của thành phố.
Sự xuất hiện của những yếu tố mới này đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố phải thực sự thay đổi, thật sự năng động, cùng với sự giúp đỡ của tỉnh để vượt qua được những thách thức khó khăn, đưa thành phố phát triển đúng như kỳ vọng của người dân.
Vai trò của thành phố Huế khi mở rộng được tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thành ủy Huế xác định rất rõ. Nếu như trước đây, thành phố Huế đóng vai trò chủ yếu là trung tâm văn hóa, hành chính, chính trị thì bây giờ với sự mở rộng, với sự cộng thêm của các nguồn lực này thì thành phố phải trở thành trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.
Đồng thời thành phố cũng phải xây dựng để trở thành đô thị di sản, có tính chất chủ đạo trong mô hình đô thị di sản của toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Thành phố đòi hỏi phải khai thác tối đa những lợi thế đang có, đặc biệt trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong vai trò là đầu mối giao thương, là môi trường đầu tư, kinh doanh để làm sao thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm ăn. Đồng thời thành phố cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để phát triển kinh tế.
- Ông có thể chia sẻ về tầm nhìn quy hoạch phát triển của thành phố Huế mở rộng trong thời gian tới?
Ông Phan Thiên Định: Sự phát triển thành phố Huế trong giai đoạn sắp tới hết sức quan trọng trong mục tiêu đưa Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị di sản, thành phố trực thuộc Trung ương cho nên việc hoạch định định hướng phát triển của Huế cần phải có sự xem xét, đánh giá thấu đáo. Hiện nay, thành phố cũng đang đặt vấn đề với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước để xây dựng lại quy hoạch phát triển của thành phố.
Việc quy hoạch này sẽ gắn liền với quy hoạch chung của toàn tỉnh, quy hoạch tích hợp mà tỉnh đang triển khai. Đây là việc đòi hỏi phải có thời gian và cần có sự cân nhắc thấu đáo.
Trong việc xây dựng quy hoạch đó cũng cần phải xác định mục tiêu dài hạn hơn khi toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế lên thành thành phố trực thuộc Trung ương thì lúc đó vai trò của thành phố như thế nào trong mối quan hệ với các địa phương xung quanh như thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. Lãnh đạo thành phố xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và sẽ làm trong thời tới.
- Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố Huế có tốc độ phát triển đô thị nhanh, tuy nhiên kết cấu hạ tầng đô thị ở khu vực vùng ven lại chưa tương xứng. Xin ông cho biết định hướng phát triển của thành phố đối với ở khu vực vùng ven trong thời gian tới?
Ông Phan Thiên Định: Chúng tôi cho rằng khi sáp nhập các địa phương về thành phố, việc đầu tiên cần làm là quan tâm đến hệ thống hạ tầng thiết yếu. Tới đây, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác để đánh giá vấn đề này để có định hướng đầu tư sớm nhất trong năm nay cũng như các năm tiếp theo, làm sao tạo ra sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giữa thành phố cũ với các địa phương mới mở ra.
Song song với đó, chúng tôi cũng có góc nhìn để phát triển đô thị về các địa phương vừa sáp nhập vào, với tinh thần vốn đầu tư công của ngân sách sẽ là “vốn mồi,” còn lại tập trung kêu gọi từ các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển đô thị. Chúng tôi cũng hiểu rằng, đô thị Huế cũ rất đẹp và sinh động, giữ được những giá trị như bây giờ có sự phụ thuộc rất nhiều vào những địa phương xung quanh, vốn đang là những vùng nông thôn.
Cho nên quá trình đô thị hóa, chúng tôi cho rằng phải có mô hình tích hợp, có thể là dạng mô hình nông thị hoặc một mô hình nào đó phù hợp hơn, để không tiến hành đô thị hóa, bê tông hóa ồ ạt những vùng nông thôn làm tác động, ảnh hưởng đến vùng lõi của đô thị di sản Huế đang có.
- Xin cám ơn ông!./.