Bài học cho thế giới hậu COVID-19 từ cuộc sống sau dịch cúm Tây Ban Nha 1918
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 11:25, 30/06/2021
Theonghiên cứu do Nancy Tomes - một giáo sư lịch sử kỳ cựu tại Đại học Stony Brook (Mỹ) thực hiện vào năm 2010, sự xuất hiện bất ngờ của dịch cúm năm 1918 và những hậu quả chết người mà nó gây ra đã vĩnh viễn thay đổi cách con người ứng phó với sự bùng phát của các dịch bệnh trong những thập kỷ sau này. Tương tự, với đại dịch COVID-19, “một số xu hướng phòng ngừa vẫn tiếp tục duy trì”.
Jacqueline Gollan - một giáo sư chuyên về tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Y Feinberg ở Chicago (Mỹ) – dự đoán thói quen mua sắm trực tuyến, mô hình làm việc từ xa kết hợp công nghệ sẽ được duy trì lâu dài. Bên cạnh đó, người dân cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa vệ sinh cá nhân, dự trữ các vật dụng bảo hộ.
Trong bối cảnh thế giới đang dần mở cửa trở lại sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, hãng tin CNN chỉ ra những sự thay đổi trong thói quen của con người trước và sau đại dịch cúm 1918 để thế giới hiện đại có được bài học áp dụng cho cuộc sống hậu COVID-19.
Cách chào hỏi
Khi đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 bùng phát, các quan chức y tế cộng đồng khuyến cáo mọi người không nên tiếp xúc với những người khác trong trường hợp không cần thiết. Việc chạm khuỷu tay, chắp hai tay phía trước hay vẫy tay đơn giản là những cách chào thay thế hành động bắt tay.
Khẩu trang và vệ sinh cá nhân
Trong thời kỳ dịch cúm 1918, người dân đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn như ho vào khăn tay hoặc tránh đám đông. Mặc dù sau này khi hết dịch, thói quen này không được mọi người áp dụng nhiều song nó vẫn chứng tỏ hữu dụng trong các đại dịch tiếp theo.
Vào những năm 1920, các chương trình giảng dạy sức khỏe mới dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học đã giới thiệu cho các em làm quen với khăn tay và cách hắt hơi vào khăn tay một cách chuẩn xác nhất.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất những sản phẩm như nước súc miệng, thuốc ngậm ho hay thuốc bổ phế liên tục tung ra quảng cáo, nhắc nhở người tiêu dùng rằng “một trận cảm lạnh là thứ gì đó nguy hiểm hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ”. Phụ nữ cũng được khuyến khích nhận biết các dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm để họ có thể nhắc nhở chồng con cẩn thận khi ho và hắt hơi, cũng như đưa họ đến bác sĩ sớm nhất có thể.
Biện pháp cách ly cũng đã sớm được áp dụng vào những đợt bùng phát dịch trước đó. Khi dịch cúm mùa xảy ra vào năm 1928, một số trường cao đẳng và đại học đã ngay lập tức cách ly những người bị bệnh. "Bằng cách hành động kịp thời và nhanh chóng, ban qản lý đại học Oregon đã hạn chế sự lây lan của bệnh cúm xuống chỉ còn chưa đầy 15% sinh viên.
Vai trò phụ nữ trong lực lượng lao động
Số lượng lớn người tử vong trong dịch cúm 1918 và Chiến tranh thế giới thứ 1 đã tạo ra một khoảng trống đáng kể trong lực lượng lao động toàn cầu. Đây cũng là cơ hội cho phụ nữ có thể tham gia vào những vị trí mà trước đây được cho là không phù hợp và nguy hiểm như ngành sản xuất, dệt may, nghiên cứu khoa học và thí nghiệm y tế.
Những thay đổi này giúp người phụ nữ giành được sự độc lập về mặt tài chính và xã hội, cũng như quyền được bầu cử vào năm 1920.
Tuy nhiên, trong khi đại dịch 1918 thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động thì các báo cáo mới đây lại cho thấy đại dịch COVID-19 buộc trên 2,3 triệu phụ nữ hiện đại bỏ công việc của mình.
“Khi các trường học và trung tâm trông trẻ đóng cửa, chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến trong mùa dịch, việc làm của người phụ nữ đã bị ảnh hưởng phần nào vì họ vẫn có vai trò chủ lực trong việc chăm sóc nhà cửa. Trong một cuộc khảo sát, cứ 4 phụ nữ thì có 1 phụ nữ thất nghiệp trong đại dịch vì không có người chăm con”, Lindsey Clark – trợ lý giáo sư tại Đại học Y khoa Arkansas – viết trong một nghiên cứu hồi tháng 3/2021.
Công việc trong tương lai
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong làn sóng dịch cúm thứ hai năm 1918, một ủy ban y tế khuyến nghị các cửa hàng và nhà máy hạn chế giờ làm việc và người lao động cố gắng đi bộ đến nơi làm việc để ngăn chặn tình trạng quá tải trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, những khuyến nghị này dường như không được duy trì sau khi đại dịch kết thúc.
Ngược lại, đại dịch COVID-19 hiện nay đã buộc nhiều doanh nghiệp chuyển sang hoạt động trực tuyến hoàn toàn. Ravi S. Gajendran, người đứng đầu khoa quản lý toàn cầu của Đại học Quốc tế Florida, đồng thời là Phó giáo sư trường Cao đẳng Kinh doanh nhận định các công ty có thể coi hình thức làm việc từ xa như một cơ chế hoạt động chính thức - một cơ chế mà họ có thể dễ dàng chuyển sang trong trường hợp các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và lấn át các vaccine hiện hành.
Tổ chức trực tuyến cuộc hội họp, huấn luyện; cắt giảm những cuộc hẹn ăn trưa công việc và cải thiện hệ thống điều hòa không khí trong các tòa nhà là những gợi ý của các chuyên gia y tế sau khi đại dịch chấm dứt.