Ca sĩ ảo

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 09:50, 30/06/2021

Sự phát triển của ca sĩ ảo giúp những người có tài năng, hạn chế về ngoại hình có thể trở thành thần tượng Kpop, tồn tại trong ngành công nghiệp vốn xem trọng sắc vóc.

“Mọi thành viên đều có tính cách và tiểu sử riêng, thậm chí họ còn thực hiện các cuộc phỏng vấn qua video”, SCMP nói về những ca sĩ ảo, thế lực mới đang lên ở Kpop.

Trong bài viết đăng ngày 29/6, SCMP cho biết đại dịch làm ảnh hưởng nặng đến ngành công nghiệp Kpop. Ca sĩ ảo - điều vốn không được quá xem trọng trước đây - bỗng trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả.

“Sự nổi lên của các nghệ sĩ AI chính là tương lai của Kpop”SCMP bình luận.

Bước tiến mới của Kpop

Ngày 22/3, Kpop chứng kiến sự đổ bộ của nhóm nhạc ảo Eternity. Nhóm phát hành đĩa đơn I’m Real và nhận nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Eternity được cho là nhóm nhạc nữ đầu tiên chỉ quy tụ toàn ca sĩ ảo, được thành lập bằng trí tuệ nhân tạo AI của công ty Pulse9.

Trước đó, tháng 10/2020, SM Entertainment cho ra mắt nhóm nhạc nữ aespa. Nhóm có 4 thành viên là người thật, đồng thời có 4 đối tác ảo hoạt động song song. Sau khi thành lập, nhóm làm dấy lên nhiều tranh cãi, đồng thời đặt ra câu hỏi về tính khả thi của việc hoạt động song song giữa người thật và người ảo.

Cuối cùng, aespa đạt được thành công nhất định, trở thành một trong những nhóm nhạc nữ thế hệ mới được đánh giá cao ở Kpop.

Trở lại với Eternity, tuy là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, nhóm vẫn được gắn tính cách, có tiểu sử riêng, thậm chí thực hiện các cuộc phỏng vấn video. Trong chương trình AI.dol Challenge 101 - phiên bản ăn theo chương trình đình đám Produce 101 - Eternity được người hâm mộ trực tuyến gửi nhiều lượt bình chọn.

Theo SCMP, mục tiêu của Pulse9 là tạo ra gương mặt đại diện ảo cho các nhà quảng cáo. Điều này tối ưu hóa vấn đề làm việc từ xa trong mùa dịch. Không cần xuất hiện trước ống kính máy ảnh, các nhóm nhạc ảo vẫn hoàn thành tốt việc xuất hiện trước khán giả toàn cầu.

Tuy không giống người thật, nhưng khi xem MV I’m Real, khán giả nhận thấy đây là tương lai mới của Kpop. Park Ji Eun, giám đốc điều hành của Pulse9, cho biết: “Công nghệ của chúng tôi được tạo ra để nâng cao ngành công nghiệp Kpop, thể hiện sự vượt trội của con người, không vì mục đích xấu như truyền thông dự đoán”.

Ca sĩ ảo-1
Sự xuất hiện của nhóm nhạc ảo Eternity làm thay đổi sự phát triển của Kpop.

Park Ji Eun khẳng định con người hoàn toàn có thể lợi dụng AI để thực hiện mục đích xấu. Tuy nhiên, nếu dùng vào mục đích tốt, trí tuệ nhân tạo là bước tiến trong nhiều lĩnh vực, kể cả Kpop. Cô hy vọng công ty sẽ làm sạch danh tiếng, minh oan cho công nghệ AI.

“Đây là ngành công nghiệp rất mới. Các quy định đang được thiết lập để tạo ra quy chuẩn chung. Chúng tôi hy vọng nhà chức trách có quy định cụ thể về nhân vật ảo để áp dụng vào nhiều ngành nghề”, Park nói thêm.

Pulse9 bắt đầu thử nghiệm sản phẩm của mình với Kpop vì đây là ngành công nghiệp dễ được chú ý. Ngoài ra, công ty sẽ không tự làm quá nhiều thứ, việc viết bài hát được đội ngũ sáng tác đảm nhận, chỉ đạo sản xuất là vai trò của đạo diễn. Ca sĩ AI được tạo điều kiện thuận lợi cho việc biểu diễn.

Bản thân Park là người hâm mộ lâu năm của Kpop. Dự án là nỗ lực nhằm tạo ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp giải trí. “Tôi nghĩ hâm mộ thần tượng là văn hóa, thậm chí dần trở thành hội chứng ảnh hưởng đến nhiều khán giả. Nhìn thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của Kpop, tôi muốn mở rộng, phát triển khác hơn, ca sĩ ảo là giải pháp mới”, Park khẳng định.

Ai cũng có thể trở thành ca sĩ

Giám đốc Park tự tin xem Eternity là giải pháp mới cho các thần tượng Kpop, tương tự việc phim hoạt hình dần có chỗ đứng và được đánh giá cao không kém các bom tấn người thật đóng.

Cô không nghĩ ca sĩ ảo là sự thay thế mà là sự cải tiến, cho phép nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp Kpop, trở thành ngôi sao ảo dựa trên tài năng thực của con người. Các ca sĩ ảo cũng không chịu áp lực về thể lực, duy trì ngoại hình chuẩn khi biểu diễn.

“Trước đây, các thần tượng Kpop đối mặt với nhiều áp lực, từ việc chịu sự quản lý quá đà của truyền thông, áp lực ăn kiêng, các tiêu chuẩn khắt khe của idol. Ca sĩ ảo sẽ giải quyết được phần lớn vấn đề này”, Park nói.

Cô khẳng định con người được khỏe hơn khi các ca sĩ ảo ra đời. Họ không đứng trước áp lực bị miệt thị ngoại hình như trước đây. Các buổi diễn âm nhạc, vũ đạo có trong I’m Real được thực hiện bởi các ca sĩ, vũ công chuyên nghiệp, chỉ có điều họ không trực tiếp ra mặt.

“Một ca sĩ đời thực thậm chí có thể tạo ra 10 nhân vật khác nhau. Bạn có thể tự mình điều hành nhiều thần tượng, tùy thuộc vào cách bạn muốn thể hiện gì”, Park nói.

Heyonn Mot, đại diện của Pulse9, cho biết công nghệ AI họ đang nghiên cứu sẽ cung cấp nền tảng mới cho nghệ thuật, đặc biệt là khi kỹ thuật số đang phát triển vượt bậc.

Ca sĩ ảo-2
Ca sĩ ảo được tạo nên nhờ AI biến ước mơ của nhiều người thành hiện thực.

Theo SCMP, Eternity là ví dụ điển hình thể hiện sự phát triển vượt bậc của AI áp dụng vào cuộc sống. Bởi, công nghiệp Kpop đang đứng trước nhiều nguy cơ, từ sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sức khỏe các thần tượng giảm sút vì luyện tập bất chấp thời gian.

“Các thần tượng Kpop là một trong số ít những người may mắn có cơ hội ra mắt công chúng. Đáng nói những người có tài năng nhưng không bao giờ được trọng dụng, chỉ vì ngoại hình không nổi bật. Đây là cơ hội tạo công bằng cho nhiều ca sĩ đang đối mặt với vấn đề tôn sùng ngoại hình ở Hàn Quốc”, Mot nói.

Heyonn Mot cho biết đây cũng là cơ hội cho những người không muốn ra mặt, hoặc những ca sĩ sở hữu giọng hát hay, có vấn đề riêng tư không muốn xuất hiện. Nói chung, đây là giải pháp tối ưu cho người chỉ muốn phô trương hoặc là giọng hát, hoặc là vũ đạo.

“Eternity là tiêu biểu của việc biến giấc mơ thành hiện thực. Bất cứ ai cũng có thể trở thành thần tượng, trong khi đó vẫn giữ được sự thoải mái ngoài cuộc sống thực. Nói cách khách, không cần phẫu thuật thẩm mỹ hay trang điểm hoàn hảo, bạn vẫn có thể nổi tiếng. Chúng tôi tin rằng công ty lan tỏa thông điệp bất cứ ai cũng có thể thành công”, Mot khẳng định.

Hiện tại, Park và Mot đang lên ý tưởng về “metaverse” - thuật ngữ ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Đây là sự kết nối giữa thực tế và thế giới ảo. Gần đây, KAIST, đại học khoa học hàng đầu của Hàn Quốc thông báo rằng họ đang hợp tác với SM để phát triển công nghệ metaverse, tạo sự phát triển mới trong giới giải trí.

Theo SCMP, các công ty giải trí, công nghệ và truyền thông nổi tiếng ở Hàn Quốc lần lượt theo đuổi mô hình công nghệ ảo, tạo ra ngành công nghiệp giải trí hoàn toàn mới, đó có thể gọi là tương lai của Kpop.

Theo Zing