Doanh nghiệp cảng biển đắt khách nhờ các hiệp định thương mại tự do
Bất động sản - Ngày đăng : 20:03, 29/06/2021
Nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA), sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng. Doanh nghiệp ngành cảng càng biển trở nên đắt khách với lợi thế nhiều cảng nước sâu phù hợp với xu hướng chuyển dịch của ngành.
Theo thống kê tháng 6/2021 của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tháng 5 năm đạt 63.939.000 tấn, không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 2,2 triệu TEU, tăng 35% so với năm 2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm năm cho thấy khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 302.424.000 tấn, không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao trong thời điểm dịch COVID-19. Trong số đó, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 10,33 triệu TEU, tăng 24% so với năm 2020.
Giới chuyên gia nhận định hai hiệp định thương mại tự có tác động lớn tới khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTCPP).
Riêng 3 tháng đầu năm nay, tình hình xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam qua châu Âu (EU) đã tăng lần lượt 18% và 12%.
Hiệp định CTCPP đang thúc đẩy tăng trưởng trong việc xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế như nông thủy sản, điện, điện tử sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada.
Bên cạnh đó, quan hệ FTA với các nước thành viên CPTPP sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp trên thế giới sau bài học dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thực tế, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng nhờ FTA. Tuy nhiên, giá cước phí vận tải cũng liên tục tăng kỷ lục nên các hãng tàu có xu hướng hợp tác với nhau để cắt giảm chi phí, đi kèm với đó là việc tăng kích thước tàu vận chuyển.
Điều này tạo lợi thế cho các doanh nghiệp cảng biển phía Nam, với nhiều cảng nước sâu, vừa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các tàu trọng tải lớn theo xu thế phát triển của đội tàu quốc tế vừa sử dụng hiệu quả quỹ tài nguyên đường bờ thông qua tối đa lượng hàng hóa.
Trước xu hướng phát triển này, một số doanh nghiệp đã có động thái gia tăng nguồn cung như Công ty cổ phần Gemadept. Doanh nghiệp dự kiến khởi động 2 dự án cảng nước sâu trong quý 3-4/2021 với mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023.
Dự án Cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2 với diện tích 39 ha, tổng vốn đầu tư 190 triệu USD, công suất 900 nghìn Teus/năm.
Dự án Cảng Nam Đình Vũ, giai đoạn 2 với diện tích 20ha, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất 500.000 TEU/năm.
Theo Ban lãnh đạo Gemadept, riêng Cảng Gemalink trong năm đầu tiên hoạt động có thể đạt sản lượng hơn 1,2 triệu teus tương đương 80% công suất thiết kế. Giai đoạn 2 của cảng này sẽ nâng tổng công suất đóng góp cho toàn khu vực cụm Cảng Cái Mép-Thị Vải lên 2,4 triệu Teus/năm.
Trước đó, trong quý 1/2021, Cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 1 đã chính thức đón chuyến tàu thương mại đầu tiên sau giai đoạn xây dựng.
Gemadept đã ghi nhận hoạt động cảng này vào doanh thu quý này 687,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 171,8 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 14,4% và 40,2% so với cùng kỳ năm 2020.
So với doanh nghiệp cảng biển phía Nam, doanh nghiệp cảng biển phía Bắc gặp khó khăn do nguồn cung cảng nước sâu hạn chế, chủ yếu cạnh tranh ở vị trí thượng nguồn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ để bắt kịp xu hướng dịch chuyển của ngành.
Điển hình như Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đưa vào sử dụng Cảng nước sâu Lạch Huyện từ năm 2019. Doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch chuyển đổi mục đích khu vực Cảng Hoàng Diệu sang thương mại và thay vào đó triển khai đầu tư Cảng nước sâu HIPG từ quý 3/2021.
Quý 1/2021, Cảng Hải Phòng ghi nhận lượng tàu vào cảng cao; trong đó, có tới 585 lượt tàu vào các chi nhánh cảng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là các tàu container. Sản lượng hàng hóa ngoài container đạt 1,573 triệu tấn, tăng 8,1%; hàng container nội địa đạt 84,48 nghìn TEU, tăng 17,6%; hàng container xuất nhập khẩu đạt 262,28 nghìn TEU, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, doanh nghiệp báo lãi ròng gần 144 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường, cổ phiếu ngành cảng biển đang tăng trưởng tích cực. Đóng cửa phiên 29/6, cổ phiếu GMD tăng 33% so với đầu năm, giao dịch ở mức 44.000 đồng/đơn vị. Cổ phiếu PHP tăng 47,8% so với đầu năm, giao dịch ở mức 28.800 đồng/đơn vị./.