Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tăng mạnh trở lại
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:28, 27/06/2021
Về tình hình giá lúa tại thị trường trong nước, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá lúa ở các địa phương nhìn chung ổn định. Tại thành phố Cần Thơ, tuần trước hầu hết các loại lúa có sự giảm mạnh nhưng sang tuần này đã có sự phục hồi nhẹ, tăng 100 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa jamine khô ở mức 6.600 đồng/kg; OM 4218 là 6.400 đồng/kg, IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.
Hiện nông dân các quận, huyện ngoại thành thành phố Cần Thơ như: Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn, Vĩnh Thạnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu năm 2021 với năng suất bình quân đạt từ 5,5 - 5,9 tấn/ha.
Tuy giá lúa không bằng cùng kỳ năm trước, nhưng sau khi trừ chi phí, nông dân thu được lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha. Mặc dù lợi nhuận thấp hơn vụ Hè Thu trước có ý nghĩa trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, so với cùng kỳ vụ năm trước, giá lúa Hè Thu hiện tại đã giảm từ 200 - 300 đồng/kg nhưng với giá cả và năng suất như hiện nay, bà con nông dân sản xuất lúa vẫn thu được lợi nhuận khá. Vụ lúa Hè Thu 2021, nông dân thành phố Cần Thơ đã xuống giống được 75.200 ha, tăng 179 ha so với cùng kỳ, vượt 4% so với kế hoạch.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi như: IR50404 từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; các loại khác ổn định như: Đài thơm 8 từ 5.900 – 6.000 đồng/kg, OM 5451 từ 5.300 - 5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg. Giá lúa khô trên địa bàn tỉnh trong tuần qua vẫn giữ ổn định. Cụ thể, giá lúa khô IR 50404 tại tỉnh là 7.000 đồng/kg, Nàng Nhen từ 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang có sự ổn định. Giá gạo Nhật là 17.000 đồng/kg, nếp từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, riêng gạo Hương Lài 17.000 đồng/kg, riêng gạo thường dao động ở mức từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn ổn định, như: Đài thơm 8 là 8.400 đồng/kg; ST24 là 8.400 đồng/kg; RVT là 7.450 đồng/kg, OM 4900 là 8.200 đồng/kg… Còn tại Hậu Giang, giá lúa có sự giảm nhẹ 100 đồng/kg, cụ thể như IR50404 là 7.000 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.300 đồng/kg, OM5451 là 7.300 đồng/kg…
Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua có sự tăng khá trở lại, từ 500 - 700 đồng/kg. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê tại Lâm Đồng từ 33.800 - 33.900 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg so với cuối tuần trước; tại Kon Tum 34.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; tại Gia Lai là 34.700 đồng/kg; đặc biệt Đắk Lắk có nơi chạm mốc 35.000 đồng/kg.
Đưa ra lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới...
Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.
Trong khi giá lúa ở thị trường trong nước ổn định thì trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu từ các trung tâm hàng đầu châu Á giảm, do đồng baht Thái Lan giảm và nhu cầu suy yếu khiến giá gạo Thái Lan rơi xuống mức thấp kể từ tháng 12/2019. Trong khi đó, đồng rupee mất giá và nguồn cung nhiều hơn đã gây sức ép lên thị trường Ấn Độ.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng là từ 369 - 373 USD/tấn so với mức từ 374 - 379 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết giá trị đồng rupee liên tiếp giảm và nguồn cung tại các kho dự trữ của chính phủ nhiều hơn khiến các nhà giao dịch phải hạ giá bán.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn từ 420 - 430 USD/tấn trong phiên ngày 24/6, so với mức từ 440 - 486 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho hay đồng baht Thái giảm xuống mức thấp nhất trong một năm so với đồng USD, khiến giá gạo xuất khẩu thấp hơn sau khi chuyển đổi tiền tệ.
Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, việc giá gạo giảm mạnh là do nhu cầu gạo thấp và đồng baht suy yếu.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống từ 478 - 482 USD/tấn trong phiên 24/6 so với mức từ 483-487 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại TPHồ Chí Minh cho biết, các nhà xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo khác đã hạ giá bán, khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam phải hành động tương tự để giữ cho gạo Việt Nam cạnh tranh, nhưng doanh số bán vẫn rất chậm.
Dữ liệu hải quan cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu 181.700 tấn gạo trong nửa đầu tháng 6/2021, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm tính đến ngày 15/6 lên 2,77 triệu tấn, trị giá 1,5 tỷ USD.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ đều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/6; trong đó, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 16,75 xu Mỹ (3,13%) xuống 5,1925 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 giảm 11,25 xu Mỹ (1,73%) xuống 6,4075 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 22 xu Mỹ (1,7%) xuống 12,6975 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT sụt giảm theo sau thông tin Tòa án Tối cao Mỹ sẽ cho phép Cơ quan bảo vệ Môi trường (EPA) cấp quyền miễn trừ, không phải tuân thủ tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học, cho các nhà máy lọc dầu nhỏ. Hiện EPA sẽ phải quyết định khi nào sẽ tiếp hành cấp quyền miễn trừ này.
Dự báo thời tiết cho thấy trời sẽ khô hơn nhiều ở khu vực đồng bằng và Tây Trung Tây. Trong khi đó, vùng đồng bằng phía đông và Trung Tây sẽ tiếp tục có mưa vào ngày 29-30/6, mưa quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến mùa màng ở các bang Illinois và Indiana.
Mặc dù dự báo thời tiết cho thấy, khí hậu ở khu vực miền Đông Trung Tây sẽ ẩm ướt hơn trong tháng 7/2021, độ ẩm trong đất gần đây và sắp tới sẽ cao hơn, song tình hình khô hạn tại Kansas, Nebraska, Minnesota và Dakotas vẫn chưa được cải thiện.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 tại London tăng 68 USD/tấn lên mức 1.699 USD/tấn. Trong khi đó, trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 tăng 4,85 xu Mỹ/lb lên mức 157,25 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg).
Giá cà phê tăng do những tín hiệu tích cực từ chính sách tiền tệ, tài chính của Mỹ, đáng chú ý là việc Tổng thống Biden và nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã thống nhất gói 579 tỷ USD ngân sách dành cho cải tiến hạ tầng. Thông tin trên khiến giá hàng hóa trên các sàn phái sinh đều tăng, trừ ca cao và gạo.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ các quốc gia Đông Nam Á đang tiếp tục bị tắc nghẽn do giá cước container quá cao. Tại Indonesia, vụ thu hoạch 2021 đã bắt đầu với dự báo đạt 9,4 triệu bao Robusta và 1,3 triệu bao Arabica (1 bao = 60 kg). Xuất khẩu cà phê của nước này trong năm 2021 ước đạt 7 triệu bao.
Theo dữ liệu thương mại của Chính phủ từ Sumatra, đảo sản xuất cà phê chính của Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta của đảo trong tháng 4/2021 đạt 193.460 bao, giảm 81.388 bao, tức giảm hơn 29,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam vụ tới (bắt đầu từ ngày 1/10/2021) sẽ tăng 6,31% so với vụ hiện tại, đạt 30,83 triệu bao (gồm 29,68 triệu bao Robusta và 1,15 triệu bao Arabica).