Những điều chưa biết về nội soi tiêu hoá

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:36, 24/04/2021

Nội soi tiêu hoá không chỉ có chức năng chẩn đoán sớm các bệnh lý tiêu hoá nó vẫn có thể dẫn tới các trường hợp chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót tổn thương ung thư, tiền ung thư.

Bỏ sót tổn thương lúcnội soi

Mới đây, tại Hội thảo Phần mềm trí tuệ nhân tạo, App trong Nội soi đại trực tràng, TS.BS Đào Việt Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm nội soi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Việt Nam với dân số đông, gánh nặng bệnh tật tiêu hóa nhiều, số lượng bác sĩ nội soi ước tính mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 5- 10% dân số.

Hơn nữa, số lượng ca nội soi tại những trung tâm lớn có thể lên tới 400- 500 ca/ngày.

Nguy cơ bỏ sót tổn thương, chất lượng nội soi không đảm bảo và nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn.

Tỷ lệ bỏ sót tổn thương ung thư đường tiêu hóa theo ghi nhận không hề thấp. Đối với tổn thương đường tiêu hóa trên như ung thư thực quản, dạ dày… tỷ lệ bỏ sót là 11,3%. Ung thư đại tràng tỷ lệ bỏ sót polyp/adenoma (tổn thương tiền ung thư) là 20 – 47%... TS. Hằng cho hay.

Theo TS Hằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà là hướng đi cần thiết trong y học góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay.

Hơn nữa, với bệnh lý của polyp đại tràng, phát hiện sớm sẽ giảm thiểu tỷ lệ ung thư đại tràng.

Những điều chưa biết về nội soi tiêu hoá - Ảnh 1.

TS Đào Việt Hằng chia sẻ tại hội thảo.

Chẩn đoán nhầm

Tại Hội thảo, GS.TS Đào Văn Long –Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật chia sẻ ngoài những ca bỏ sót bệnh ung thư thì cũng có nhiều bệnh nhân được cứu cánh khi chẩn đoán nhầm ung thư, ví dụ trường hợp anh Hoàng Quốc V. 36 tuổi trú tại TP.HCM đi khắp các bệnh viện đều được chẩn đoán ung thư nhưng kết quả lại chỉ là một túi thừa.

Anh V. đến viện trong tình trạng hoàn toàn bình thường không có các biểu hiện triệu chứng, nhưng bệnh nhân lo lắng tình trạng của mình vì đã soi đại tràng ở rất nhiều bệnh viện lớn từ nam ra bắc đều thấy ở vùng đại tràng của bệnh nhân có khối lồi lớn, trên hình ảnh nội soi có các vùng ánh sáng bình thường, bác sĩ nghi ngờ ung thư đại tràng. Bác sĩ khuyên cần phẫu thuật sớm cắt bỏ đại tràng.

Vì không tin ung thư nên bệnh nhân đã đi đến nhiều bệnh viện khác nhau và tham khảo nhiều ý kiến của bác sĩ.

GS Long cho biết, tiếp nhận bệnh nhân V, các bác sĩ đã nội soi lại, dây nội soi có nhuộm màu ánh sáng, đại tràng có khối lồi nhưng thành của khối lồi mỏng. Khi bơm hơi căng thành đại tràng, giữ dây và quan sát khi bơm hơi thì khối lồi lại xẹp đi.

Những điều chưa biết về nội soi tiêu hoá - Ảnh 2.

Ảnh các bác sĩ nội soi cho bệnh nhân.

Bác sĩ đưa dây siêu âm nội soi vào thì thấy khối u lồi có thành rất mỏng, mỏng hơn thành đại tràng và không có các tổn thương bên trong, xung quanh. Bác sĩ nhận định có thể là hình ảnh túi thừa đảo ngược.

Túi thừa là khiếm khuyết của thành đại tràng không có lớp cơ mà chỉ có lớp niêm mạc. Ở trên thành túi thừa rất mỏng, bất cứ động tác nào như sinh thiết, can thiệp thăm dò với vị trí này thì chỉ cần chọc vào có thể thủng đại tràng, bác sĩ phải đi cấp cứu.

Bác sĩ chỉ giải thích với bệnh nhân đây là túi thừa đảo ngược. Bệnh nhân phải giữ gìn tránh đọng sỏi phân trong túi thừa và tránh viêm loét túi thừa. Ngoài ra, trên nội soi quan sát trên manh tràng của bệnh nhân còn thấy có nhiều túi thừa khác, nhưng túi thừa này lõm vào thành đại tràng.

Hay một bệnh nhân nữ khác, bệnh nhân có khối u ở thành đại tràng nghi là ung thư, nhưng khi soi trên lâm sàng, bệnh nhân có dấu hiệu bán tắc ruột, khó đi ngoài. Bệnh nhân được chẩn đoán có khối u chèn ép thành đại tràng, nghi là ung thư.

Tuy nhiên, sau khi nội soi lòng đại tràng lại cho bệnh nhân, bác sĩ phải lấy dây soi đường mũi bằng một dây soi có đường kính rất nhỏ. Dây soi này đã đi qua vùng tổn thương chít hẹp.

Khi qua vùng chít hẹp thì thấy lòng đại tràng và đại tràng đều bình thường, không có tổn thương gì đặc biệt cũng như bề mặt niêm mạc hồng nhẵn. Bác sĩ không nghi ngờ tới ung thư mà dự liệu có thể chỉ là tổn thương khác.

Khi nội soi xong, bác sĩ đưa dây dẫn siêu âm áp vào vùng chít hẹp thì thấy vùng thành đại tràng có tổn thương khối đè đẩy bên trong giống khối u dưới niêm mạc. Bác sĩ nghĩ nhiều khả năng là dạng mô tử cung lạc chỗ, khi phát triển lên quá to thì chèn thành đại tràng chứ không phải ung thư.

N.Anh