Từ kinh nghiệm nuôi cấy nhiều biến thể SARS-CoV-2, Tiến sĩ Việt tại Mỹ nói về lời đồn 'nhẹ nên lây nhanh' của biến thể Delta
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:34, 25/06/2021
Cách đây ít hôm, có thông tin cho rằng biến thể Delta (biến thể lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ) có tỉ trọng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó nên có thể lơ lửng lâu hơn trong không khí trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này có nghĩa là con người có thể hít thở không khí có chứa virus biến thể này vào nhiều hơn so với các biến thể khác, do vậy gây ra sự lây lan nhanh chóng của đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam. Vắn tắt hơn, nguồn tin kết luận: "Biến thể Delta lây truyền qua không khí đã vượt qua lằn ranh 2m. Đã có báo cáo có trường hợp lây với khoảng cách 10m".
Thông tin trên đã gây ra hoang mang rất lớn cho người dân. Không loại trừ trường hợp có người đã bỏ khẩu trang và 5K, chỉ cầu cứu vaccine vì nghĩ rằng virus lây qua không khí thì khẩu trang và 5K chẳng có hiệu quả nào hết.
Nhưng sự thật là biến thể Delta có khác biệt so với các biến thể khác như vậy không? Nó có thực sự "nhẹ hơn"? Liệu nó có thay đổi cách thức lây bệnh từ người này sang người khác hay không?
Với diễn biến dịch COVID-19 tại các tỉnh thành chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đánh dấu đợt bùng phát dịch dài nhất và lớn nhất từ đầu năm 2020 đến nay, chúng ta cần hiểu đúng về bản chất dịch bệnh để xử trí đúng đắn. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Quốc Thục Phương, Nghiên cứu Đáp ứng miễn dịch tại Đại học Rochester, New York (Mỹ), đồng thời là Trưởng dự án Thực phẩm cộng đồng. TS Nguyễn Quốc Thục Phương đã có kinh nghiệm hơn một năm trực tiếp nghiên cứu virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm cho đến nay.
Với kinh nghiệm nuôi cấy các biến thể virus SARS-CoV-2 như biến thể Alpha (Anh), Nam Phi (Beta), Brazil (Gamma) and California (Epsilon) trong phòng thí nghiệm BSL3 và nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch đối với vaccine SARS-CoV-2, trong bài này tôi xin chia sẻ những thông tin khoa học chính xác chung quanh khả năng lây nhiễm và gây bệnh của biến thể Delta, hy vọng giúp người đọc hiểu đúng về biến thể này, từ đó có cách xử trí đúng và an toàn trong đại dịch.
Dưới đây là biểu đồ về số ca bệnh mới mỗi ngày tại Việt Nam:
Số ca bệnh mới mỗi ngày tại Việt Nam (Nguồn: Đại học Johns Hopkins – Mỹ)
Biến thể Delta lây bệnh nhanh hơn và nguy hiểm hơn biến thể Alpha
Hãy cùng nhắc lại một chút về biến thể Delta.
Biến thể Delta hiện gây ra hầu hết số ca bệnh tại Ấn Độ, Singapore , Anh và đang lan nhanh tại Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Tính đến nay, biến thể Delta đã được ghi nhận tại gần 80 quốc gia trên thế giới.
Tại Mỹ, cứ mỗi hai tuần biến thể Delta lại tăng gấp đôi tỉ lệ nhiễm trong cộng đồng, chiếm khoảng 10% số ca bệnh vào ngày 13/6/2021.
Số liệu từ Anh cho thấy biến thể Delta gây lây nhiễm trong cùng gia đình cao hơn 60% so với biến thể Alpha (trước đây còn được gọi là biến thể Anh). Trong khi đó, biến thể Alpha lại có khả năng lây nhiễm cao hơn virus ban đầu từ Vũ Hán khoảng 50% (theo CDC, Mỹ).
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Lancet, biến thể Delta cũng gây ra tỉ lệ nhập viện cao gần gấp đôi so với biến thể Alpha.
Khả năng lây nhiễm cao hơn và gây ra bệnh nghiêm trọng hơn của biến thể này đã khiến các cơ quan y tế lo ngại về sự bùng phát của một đợt dịch mới ngay cả ở nước Mỹ với tỉ lệ tiêm chủng đang tiến gần đến ngưỡng 70%. Đặc biệt biến thể này được cho là sẽ gây ra bệnh nghiêm trọng hơn ở những người chưa tiêm chủng so với những người đã tiêm chủng.
Thế nhưng biến thể Delta có tỉ trọng nhẹ hơn các biến thể trước hay không?
Chưa có nghiên cứu nào hoặc các bằng chứng khoa học nào cho thấy biến thể Delta có tỉ trọng nhẹ hơn các biến thể khác. Do đó, khả năng biến thể Delta lơ lửng trong không khí lâu hơn và lây lan theo cách thức khác với các biến thể khác như một số thông tin là rất thấp, gần như không thể xảy ra.
Xin nhớ rằng virus SARS-CoV-2 là virus có vỏ bọc với lõi nhân là các vật liệu di truyền mRNA. Trên bề mặt virus có một số loại protein đảm nhận các chức năng khác nhau trong chu trình phát triển của virus. Protein gai, có độ dài khoảng 1.200 axit amin, là một trong các loại protein trên bề mặt của virus và có vai trò quan trọng trong quá trình virus xâm nhập vào tế bào.
Biến thể Delta khác với các biến thể khác chủ yếu bởi sự thay thế một vài đến vài chục axit amin bằng các axit amin khác trong chuỗi 1200 axit amin của protein gai. Các axit amin lại có khối lượng không quá khác nhau (57-186 Dalton-đơn vị đo khối lượng trong hóa học và vật lý, sử dụng để đo khối lượng của nguyên tử và phân tử), nên không có chuyện sự thay đổi một vài axit amin dẫn đến sự thay đổi tỉ trọng của virus.
Mô hình 3D (A) và 2D (B) của virus SARS-CoV-2. Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Bên cạnh protein gai, cũng có một số biến đổi gien trên các đoạn gien khác của virus trong biến thể Delta nhưng chưa có bằng chứng cho thấy các biến đổi này ảnh hưởng đến kích thước hay khối lượng của virus đáng kể.
Vậy tại sao biến thể Delta lại gây lây lan nhanh chóng?
Khả năng biến thể Delta lơ lửng trong không khí lâu hơn và lây lan theo cách thức khác với các biến thể khác như một số thông tin là rất thấp, gần như không thể xảy ra.
Virus biến đổi hay hành vi con người?
Biến thể Delta được phát hiện tồn tại dài ngày hơn trong hệ hô hấp của người mắc bệnh và với tải lượng cao hơn. Đây được cho là những yếu tố góp phần làm cho mức độ lây nhiễm của biến thể Delta cao hơn biến thể Alpha và các biến thể khác.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí uy tín quốc tế Nature cho rằng yếu tố hành vi con người cũng đóng một vai trò quan trọng trong mức độ và tốc độ phát tán của một biến thể nào đó.
Cụ thể hơn, nghiên cứu này báo cáo rằng chính hành vi con người chứ không phải sự biến đổi của virus đã gây ra sự lây lan nhanh của một biến thể có tên gọi 20E (EU1) vào mùa hè năm 2020. Bởi vì các nhà khoa học chứng minh biến thể 20E (EU1) không có dấu hiệu tăng khả năng lây lan (trong phòng thí nghiệm) so với các biến thể khác.
Theo nghiên cứu này, việc nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 15/6/2020 đã khiến rất nhiều khách du lịch đổ về Tây Ban Nha trong thời gian rất ngắn sau đó. Sự gia tăng khách du lịch đáng kể cùng với sự lỏng lẻo trong việc thực hiện các biện pháp an toàn đã khiến biến thể 20E (EU1) xuất hiện lần đầu tại Tây Ban Nha nhanh chóng lan ra khắp châu Âu trong vài tháng mùa hè ngắn ngủi.
Kết luận: Như vậy, biến thể Delta cũng chỉ là một trong số các biến thể đã được phát hiện của virus SARS-CoV-2. Chưa có bằng chứng (và có lẽ sẽ không tìm được bằng chứng) cho thấy biến thể Delta thay đổi tỉ trọng (nói nôm na là nhẹ hơn nên có thể bay lơ lửng và tồn tại lâu hơn trong không khí) hay có cách thức lây nhiễm khác đi so với các biến thể trước đó.
Những thông tin về cách virus SARS-CoV-2 lây lan khi tiếp xúc gần, đặc biệt trong môi trường kín không thoáng khí, vẫn đúng cho biến thể Delta. Các biện pháp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) vẫn có tác dụng hạn chế khả năng lây nhiễm của virus và vì vậy vẫn nên được tiếp tục nghiêm túc thực hiện, đặc biệt trong tình hình các cụm dịch xuất hiện ở rải rác trên các địa bàn trong cả nước.
Vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ cao khỏi các ca bệnh nặng trước biến thể Delta cũng như các biến thể trước đó. Vì vậy, việc tiêm chủng vẫn được khuyến khích để tạo ra hệ miễn dịch chủ động chống lại COVID-19, đặc biệt là đối với các ca bệnh nặng và tử vong.
TS. Nguyễn Quốc Thục Phương - Nghiên cứu Đáp ứng miễn dịch tại Đại học Rochester, New York – Trưởng Dự án Thực phẩm Cộng đồng