Đảm bảo kinh doanh liên tục qua COVID-19 phải có '3 cần” và “3 không”
Bất động sản - Ngày đăng : 08:12, 25/06/2021
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc Tập đoàn FPT, để đảm bảo kinh doanh liên tục phải có “3 cần” và “3 không”. Ba cần là cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng dụng công nghệ để triển khai cách làm mới và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo tìm nguy trong cơ. Còn để có thể thay đổi sâu từ bên trong, doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo “3 không” gồm có: không bị động - không gián đoạn - không chạm.
Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trở lại với nhiều tác động tiêu cực khôn lường, khiến doanh nghiệp Việt “mắc kẹt” trong bài toán quản trị, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Còn theo Báo cáo tác động của dịch COVID-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây cho thấy có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch.
Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%).
Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh Nguyễn Hoàng Ngân, cho biết: “COVID-19 có nhiều yếu tố tiêu cực nhưng với doanh nghiệp Việt Nam có 1 yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số. Năm 2021, Nhựa Bình Minh xây dựng slogan linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức. Đây là giải pháp cần thiết vì chúng ta không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Bất kỳ lúc nào các giải pháp cũng có thể bị lạc hậu, tình huống có thể thay đổi thì sự linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức là điều mà Nhựa Bình Minh đã chia sẻ với toàn bộ người lao động”.
Giám đốc Điều hành Tài chính Vinamilk - ông Lê Thành Liêm cho hay: “tất cả các công ty đều khó khăn vấn đề là làm thế nào để lập được kế hoạch mang tính bền vững. Buộc lòng chúng ta phải thay đổi, chúng ta chỉ dám xây dựng kế hoạch trong 3 tháng và thường xuyên phải cập nhật, thay đổi. Chúng tôi đã có những quyết định thay đổi, ví dự như kế hoạch đầu tư để tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho… Công nghệ là một yếu tố quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay lo lắng nhất là sức khỏe của đội ngũ người lao động, đảm bảo sức khỏe cho họ thì mới có thể đảm bảo được kinh doanh không gián đoạn. Phải đào tạo huấn luyện để nhân viên tiếp cận những công cụ mới, thích nghi với bối cảnh hiện nay”.
Với kinh nghiệm vượt qua những thách thức và tác động của COVID-19 trong thời gian qua, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nói riêng. Do đó, chúng tôi mong muốn bằng chính những kinh nghiệm thực tế và năng lực công nghệ của mình có thể hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động, tốc độ, linh hoạt sẵn sàng cho trận chiến dài hơi với COVID-19, góp phần đảm bảo kinh doanh không gián đoạn, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết thêm.
Ưu tiên chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong đại dịch là đảm bảo CBNV được an toàn, làm sao đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Và để triển khai toàn bộ quá trình chuyển đổi số cần nỗ lực, quyết tâm vô cùng lớn từ người lãnh đạo, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT chia sẻ.
FPT cho hay chuỗi hành động hướng tới Kinh doanh không gián đoạn sẽ gồm có các hoạt động như: Khởi động Chuỗi hội thảo trực tuyến Webinar; Giới thiệu “Bộ giải pháp kinh doanh không gián đoạn”; Triển khai các gói “Trợ lực 0 đồng dành cho doanh nghiệp” và triển khai Gói “Trải nghiệm sản phẩm trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo FPT.AI”.
Đồng thời thông qua chuỗi sự kiện này, chúng tôi kỳ vọng có thể truyền cảm hứng, tạo thêm động lực giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển bền vững hướng đến mô hình doanh nghiệp số, đóng góp cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế, FPT cho biết thêm.