“Tôi tự học” – Lời khuyên nhủ của Nguyễn Duy Cần cho thế hệ trẻ

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 16:02, 18/06/2021

Việt BáoThu Giang Nguyễn Duy Cần là một học giả lớn của Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho nhiều thế hệ. Mỗi tác phẩm của ông luôn giúp người đọc mở mang kiến thức và thay đổi nhận thức để hành động hợp lý, hợp tình.

Cuốn sách Tôi tự học là tác phẩm tích lũy kinh nghiệm sống, học tập của Nguyễn Duy Cần trong suốt quá trình nghiên cứu, tìm tòi con đường trải nghiệm cuộc sống cho mình.

Chỉ thuần túy đọc nhiều thì chưa hẳn đã hay

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã đưa ra việc thử tìm một định nghĩa cho việc tự học,: “học thức là một vấn đề thuộc “phẩm”, chứ không phải thuộc “lượng. Người có học thức là người luôn tự rèn luyện khả năng của mình trong quá trình trưởng thành, chung sống với mọi người.

Trong mọi trường hợp khó khăn, người có học thức là người luôn tìm ra cách giải quyết nhanh gọn cho mọi vấn đề. Hơn thế, tác giả còn đề cập đến câu hỏi lớn, cũng là băn khoăn chung của tất cả mọi người: Học để làm gì? Và tại sao phải học? Phải chăng học vấn là chiếc chìa khóa vạn năng mở rộng con đường tri thức để khai sáng cho nhân loại.

Tôi tự học” – Lời khuyên nhủ của Nguyễn Duy Cần cho thế hệ trẻ-1

Ảnh minh họa cuốn sách Tôi tự học (Nguồn: Internet)

Tác giả chỉ ra học vấn toàn diện cần phải có cả bề rộng và bề sâu nhưng cần nhất là phải có một cái học chuyên môn: Phải có một cái học tổng quát để phụng sự cho ngành chuyên môn của mình. Muốn xây dựng được một nền tảng học vấn vững bền theo thời gian thì điều đầu tiên là con người cần có sự tiến bộ về tinh thần. Đó là sự cầu tiến, vượt khó, nỗ lực trong học tập, có một ý chí kiên định khi gặp những khó khăn trên hành trình chinh phục con đường học vấn đầy thách thức.

Tinh thần ấy được thể hiện rõ ràng nhất trong quá trình con người lựa chọn sách để đọc. Ta nên nhớ rằng: người ta có thể đọc sách rất nhiều nhưng vẫn hoàn toàn dốt nát, vì đọc nhanh, đọc lướt, đọc không kĩ, đọc theo phong trào và thiếu người thầy dẫn dắt để có một nền tảng căn bản về học vấn, thiếu sự trải nghiệm thực tế.

Đọc sách có lợi cho tinh thần là khi biết vận dụng tất cả năng lực và năng khiếu của mình. Tự bản thân nhận thức rõ ràng những ý kiến của cá nhân đem ra so sánh với những ý kiến trái chiều với tác giả, biết sắp đặt những ý tưởng của mình, biết làm việc có phương pháp.

Trong quá trình đọc sách, con người sẽ rèn luyện cho mình một tư duy sáng suốt khi được trang bị óc phê phán - biết lựa chọn những hướng đi phù hợp với mình. Bên cạnh đó, họ được trang bị thêm óc tinh nhuệ, nghĩa là biết tập trung tất cả sự chú ý của ta về  con người sâu sắc, phức tạp mà duy nhất của mình. Trong tất cả cái học trên đời này, cái học về mình là quan trọng nhất.

Tác giả nhấn mạnh muốn sự học được suôn sẻ, thuận lợi điều đầu tiên mỗi người cần là phải biết sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý và có hiệu quả bởi thiếu thời gian, cái học của con người chỉ có được bề rộng, kém bề sâu, hay cũng chỉ có được một nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi”. Trong quá trình học, người học cần trang bị cho mình một tư tưởng cầu thị một tâm thế thư thái để dễ dàng tiếp thu những kiến thức vừa học được.

Bảy nguyên tắc vàng cho việc đọc sách

Một cuốn sách hay là cuốn sách định hướng cho mỗi người những lối sống đúng đắn, phù hợp với thời thế.

Tác giả đưa ra những lời định hướng cho việc đọc sách, đó là mỗi người nên đọc tiểu thuyết tâm lý, là những cuốn sách giãi bày tâm trạng của con người qua nhiều khía cạnh trong khi tiếp xúc với đời để giúp ta suy nghĩ việc đời một cách sâu sắc hơn.

Tôi tự học” – Lời khuyên nhủ của Nguyễn Duy Cần cho thế hệ trẻ-2Nguồn:  Internet

Tiếp theo là đọc sách lịch sử, loại sách giúp mỗi người rèn luyện óc phán đoán, rút ra những bài học đắt giá trong quá khứ mà những người đi trước để lại.

Trong cuốn sách, tác giả còn nhấn mạnh ba yếu tố để xây dựng một nền văn hóa vững vàng đó là: "óc khoa học", "óc triết học" và "biết cảm xúc". Theo đó, "óc khoa học" là việc chúng ta “phát huy được cái khiếu ham chứng minh và lý luận, đồng thời phân biệt được rõ ràng thế nào là một thực nghiệm”.  Trong khi đó "óc triết học"  được tác giả lý giải là “sự ham thích tìm hiểu ý nghĩa của mọi sự vật trên đời, tìm cái chỗ ý thức và nhất trí của những gì rời rạc, vô thức, có nghĩa là biết nhìn lại quá khứ, nhận định được hiện tại và phòng bị cho tương lai.

Cuối cùng, yếu tố để tạo dựng nên một nền văn hóa bền vững đó là biết cảm xúc – đây là điều kiện cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc.

Kết thúc cuốn sách, tác giả đưa ra những nguyên tắc làm việc cần có: Nguyên tắc thứ nhất, đó là đi từ cái dễ đến cái khó và phải tin ở sự thành công. Nguyên tắc thứ hai để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều, không nên để gián đoạn. Nguyên tắc thứ ba là bất cứ môn học nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn. Nguyên tắc thứ tư biết lựa chọn. Nguyên tắc thứ năm là phải biết quý thời giờ làm việc của mình và phải đặt cho nó thành một kỷ luật. Nguyên tắc thứ sáu là phải biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một. Nguyên tắc thứ bảy là hễ làm việc gì thì hãy hoàn tất đừng trở lại một lần thứ hai và nguyên tắc thứ tám là muốn làm việc có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào.

Bằng tất cả tâm huyết và sự hiểu biết, học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã mang đến cho bạn đọc tài liệu quý báu của một đời trải nghiệm của tác giả cho mọi người. Hy vọng sau khi đọc cuốn sách này mỗi người trong chúng ta sẽ tự đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu để tự tin, vững chãi khi bước vào cuộc đời.

BẠCH DIỆP