Đến với những 'chiến sĩ áo trắng' nơi tuyến đầu - Bệnh viện Dã chiến Củ Chi

Gia đình - Ngày đăng : 22:35, 12/06/2021

Ai đó hỏi chúng tôi có mệt không? Đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước. Chúng tôi luôn sẵn sàng. Nguyện là lá chắn thép của thành phố”, các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu - Bệnh viện Dã chiến Củ Chi khẳng định.

Cùng với đoàn Trung tâm Báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế tại TP. HCM (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Công đoàn Khối cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia “Chương trình đồng hành cùng tuyến đầu - Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, PV báo Nhà báo & Công luận đã đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi – nơi những y, bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc cho các ca nhiễm SARS-CoV-2.

Đến với những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu - Bệnh viện Dã chiến Củ Chi-1
Bệnh viện dã chiến Củ Chi - nơi điều trị cho các ca bệnh covid-19. Ảnh: Thái Sơn

Từ Trung tâm TP. HCM đi theo hướng địa đạo Củ Chi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, bệnh viện dã chiến nép mình trong rừng cao su xanh tốt. Nơi đây từng là một cơ sở huấn luyện trực thuộc Bộ tư lệnh Thành phố.

Qua cánh cổng được những người lính canh giữ, tất cả phương tiện giao thông đều được phun xịt sát khuẩn tự động. Con đường kéo dài giữa những hàng cây xây phủ bóng, xen lẫn 6 khối nhà cách ly nhau dùng làm nơi điều trị bệnh nhân cùng nơi ở và làm việc của đội ngũ y tế.

Đến với những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu - Bệnh viện Dã chiến Củ Chi-2
Để chăm sóc tốt cho bệnh nhân và đảm bảo sức khoẻ của mình, các nhân viên y tế được lấy mẫu để test hằng ngày. Ảnh: Thái Sơn

Trước cửa mỗi khối nhà đều có bóng dáng đội ngũ y tế, phần lớn là các bạn trẻ mặc áo blouse xanh - trắng lẫn với quân phục.

Bác sĩ Ngô Chí Nguyện, Trưởng khoa Lâm sàng chia sẻ: “Mới đầu, đội ngũ y tế, đặc biệt với những bạn trẻ đến làm việc ở đây có tâm trạng căng thẳng, áp lực khi nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Tuy nhiên, với tâm thế của người chiến sĩ áo trắng, thì họ lặng thầm gánh vác sứ mệnh cao cả, chữa bệnh cứu người, không hề nguy nan".

Hơn một năm đi vào hoạt động, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 ca liên quan đến COVID-19. Hiện tại, bệnh viện đang có 300 ca bệnh đã phủ kín hết giường, nhân viên y tế làm việc 100% công suất.

“Các y bác sĩ làm việc ở đây theo ca, mỗi ca 5 tuần, làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng cũng có người làm việc ở đây từ khi bệnh viện được thành lập mà chưa về nhà".

Đến với những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu - Bệnh viện Dã chiến Củ Chi-3
Hồ sơ bệnh án của các ca bệnh được lực lượng y tế theo dõi chặt chẽ. Ảnh: Thái Sơn

Vừa nói, bác sĩ Nguyện chỉ tay về một người phụ nữ mặc áo blouse trắng - đó là Trưởng khoa điều dưỡng – Lê Thị Thu Hương.

Khá kiệm lời, chị Hương chia sẻ: “Ở đây các bạn tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, xa những người thân yêu nhất để ngày đêm túc trực bên buồng bệnh, tận tình chăm sóc bệnh nhân…

Ròng rã hơn một năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, nhiều y bác sĩ tại bệnh viện luôn kiên trì có mặt 24/24 giờ, túc trực bên người bệnh; với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường".

Bác sĩ Ngô Chí Nguyện cho biết, đợt dịch lần thứ 4 này quá khắc nghiệt. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nên công việc của bác sỹ, điều dưỡng vất vã bội phần.

Theo bác sĩ Nguyện, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng thêm.

Ai đó hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước. Tất cả anh em luôn sẵn sàng. Nguyện là lá chắn thép của thành phố.

"Hiện nay, bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết, đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất”, Bác sĩ Nguyện cho biết.

Đến với những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu - Bệnh viện Dã chiến Củ Chi-4
Ông Lê Tự Phương Quang - Giám đốc Trung tâm báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế tại TP. HCM tổ chức đoàn đưa nhu yếu phẩm đến với những "chiến sĩ áo trắng".

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chăm khám cho bệnh nhân thì đội ngũ làm việc hồ sơ bệnh án cũng khá tất bật.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ y tế cũng luôn được quan tâm, như việc lấy mẫu xét nghiệm cho đội ngũ này cũng được theo dõi sát sao mỗi ngày.

Thông tin từ Sở Y tế TP. HCM cho biết, dịch covid-19 bùng phát lần này với biến chủng Ấn Độ có độ nguy hiểm khá cao. Tốc độ lây lan nhanh chóng. Vì thế, không những số ca nhiễm tăng, tạo áp lực cho toàn ngành y tế  mà còn áp lực riêng cho toàn đội ngũ y tế TP.

Điển hình là đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm. Việc lấy mẫu và chuyển sớm giúp nhận diện ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngành y tế kịp thời khoanh vùng, truy vết, dập dịch nhanh và gọn, tiết kiệm thời gian, giảm hậu quả của dịch bệnh.

Chính vì thế, một nhân viên y tế phải di chuyển liên tục, lấy mẫu tại hàng chục điểm. Mỗi ngày lấy hàng ngàn mẫu...

Không riêng ở TP. HCM, mà trên khắp cả nước, cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch covid-19 luôn làm việc trong áp lực cao độ, có nhiều người đã ngất xỉu phải cấp cứu, đặc biệt có nhiều y bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng đã dương tính với SARS-CoV-2.

Trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời, nhưng hy vọng tất cả sẽ vượt qua.