Cảm động câu chuyện bố ngày chạy grab, tối làm bảo vệ nuôi con ăn học
Gia đình - Ngày đăng : 07:24, 03/06/2021
Bạn gái được cho là con của một người cha ban ngày nắng nóng như đổ lửa vẫn rong ruổi trên đường đi làm shipper, tối lại làm thêm nghề bảo vệ để gửi cho con mỗi tháng 3 triệu lấy tiền ăn và đóng học.
Những gì người cha làm con gái không biết. Dù rất vất vả làm việc kiếm tiền gửi cho con nhưng người cha giấu, không muốn con biết công việc ông đang làm. Ông cũng không cho con gái đi làm thêm vì lo con bị ảnh hưởng đến chuyện học. Cô con gái chỉ biết về công việc của bố khi tình cờ thấy một tấm ảnh chụp người shipper đang chờ giao hàng giữa trời nắng nóng như đổ lửa đăng trên mạng xã hội.
Cô gái viết:
Thật sự hôm nay mình đã khóc, khóc rất nhiều vì nhìn thấy hình ảnh này, người lái xe là bố mình. Để có số tiền 3 triệu gửi lên cho mình ăn học hàng tháng thì bố ngày đi chạy grab, tối đi làm bảo vệ. Bố cấm mình đi làm thêm và chỉ muốn mình tập trung vào việc học.
Bố có nghị lực thật phi thường, bố luôn giấu mình và vì ngây thơ mà mình chẳng biết điều ấy. Chẳng để ý rằng bàn tay ấy đã vì nắng, vì gió mà đen đúa gầy guộc đi nhiều.
Đợt vừa rồi nghỉ lễ mình về gặp bố, mắt bố trũng sâu vì thiếu ngủ, da bố rám nắng và đen đi một cách khó hiểu. Nhưng bố nói người già ai chẳng vậy.
Có lẽ con gái của bố đã quá ngây thơ và chẳng hiểu bố đã phải vất vả mới có số tiền ấy để gửi đều đặn cho con hàng tháng.
Bữa cơm của bố chỉ có hai món duy nhất, bố ăn cơm với 2 quả trứng và chút rau luộc. Bố nói bố thích ăn trứng, trứng ngon, trứng dễ ăn. Bố ăn nhiều đến nỗi nhìn cái thùng rác chỉ toàn vỏ trứng chứ không hề có cái khác. Làm gì có ai thích ăn mãi một món nhưng vì để tiết kiệm tiền nuôi con gái ăn học mà bố mình vẫn ăn nó hàng ngày, thường xuyên đều đặn.
Đến hôm nay khi thấy bức ảnh, gọi điện về hỏi bố, vẫn là giọng nói ồm ồm bố mắng mình "gọi cái gì tầm này tao đang ngủ, tối còn phải đi làm". Vâng nhưng là giọng nói gấp gáp, nhưng có tiếng còi xe máy, và cuộc gọi thứ 2 bố từ chối nghe.
Đến tối mình gửi ảnh và bố đã xác nhận điều ấy. Thương bố, chỉ muốn chạy về ôm bố khóc như những ngày còn bé, ốm đau, bị ngã xe, mắt bố đỏ hoe, bố ôm vào lòng vỗ về.
Con chẳng mong con lớn nữa chỉ mong bố đừng già đi. Con thương bố nhiều lắm bố ơi.
Nhiều người lặng đi khi nghe về câu chuyện, nhiều người tin rằng đây là câu chuyện có thật giữa đời thường khi ngày ngày vẫn chứng kiến rất nhiều bác shipper tuổi cha chú, tuổi ông rồi vẫn đang nhọc nhằn mưu sinh giữa trời nắng chang chang, nóng như chảo rang 40-50 độ ngoài đường gom nhặt từng đồng tiền lẻ. Phía sau họ có thể là cả một gia đình mà họ cần cáng đáng, là mẹ già, vợ ốm, hay những đứa con đang còn ngồi trên ghế nhà trường…
Dưới một góc nhìn khác, nhiều người cho rằng "tình thương vô bờ của bố mẹ thì không phải bàn nhưng cấm con đi làm thêm chỉ lo học thôi thì chưa đúng đâu". Các bạn trẻ ngoài việc đi học ở trường cũng rất cần "học" ngoài đời, ra đời làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, đỡ đần bố mẹ bớt gánh nặng nuôi mình.
Cô gái tuổi cũng không còn nhỏ, nói thương bố nhưng bố cấm đi làm là không đi làm luôn, ngồi viết ra mấy dòng như vậy thôi thì cũng chưa thực sự là biết thương bố mẹ.
"Đừng thương bằng mồm, lên đại học rồi vẫn để bố nuôi. Lên đại học mình đã đi làm cộng tác viên một lúc cho 2 công ty rồi", "Đúng thật, khi bạn cảm thấy cuộc sống nhàn hạ thì người khác đang gánh bạn", "Em không lớn thì ăn bám bố mẹ đến bao giờ? Bố em sẽ già nhưng già trong nhàn hạ chứ không phải nuôi báo cô em nữa. Thương thì học hành chăm chỉ cho cẩn thận rồi tự lo cho bản thân đi, ngồi viết không giúp bố đỡ vất vả đâu"…là những lời cư dân mạng gửi gắm đến cô con gái.
Ai cũng có tuổi thơ đi qua với những kỷ niệm thật đẹp được bố mẹ nuôi dưỡng, nâng niu, chăm lo cho từng tí một. Nhưng ta lớn rồi, cũng đồng nghĩa với bố mẹ cũng già rồi, hãy để bố mẹ được nghỉ ngơi. Tuổi trẻ thời đại mới, nếu trong khả năng bản thân có thể tự làm được điều gì đó cho bố mẹ bớt cực, các bạn trẻ hãy nỗ lực hết sức, hãy năng động lên mà gánh vác. Vì sự nên người của chính bạn, cũng là vì để tóc bố mẹ đừng thêm nhiều sợi bạc, để trên trán, trên khóe mắt, trên gương mặt đã già theo năm tháng của bố mẹ đừng hằn thêm những nhọc nhằn.