Đến bao giờ người ta mới thôi lấy phụ nữ ra để 'câu view', làm hình ảnh?
Gia đình - Ngày đăng : 18:15, 13/05/2021
Sự việc đang nóng mấy ngày nay khiến mạng xã hội lại có chủ đề bàn tán, về một vị shark trong một show truyền có lời lẽ bị cư dân mạng cho là chưa phù hợp, thiếu đúng mực trong môi trường chuyên nghiệp, môi trường của công việc, kinh doanh.
Ông ấy nói với vị nữ CEO đang đi gọi vốn đại ý rằng không quan tâm đến business (thương vụ) cô ấy đang trình bày, chỉ quyết định đầu tư vì cô ấy xinh đẹp.
Trong suốt show truyền hình vị shark cũng đưa ra một số lời bình luận khác bị cho là khiếm nhã, không liên quan đến chuyên môn, tập trung nhiều vào nhan sắc của nữ CEO trẻ, nhiều người cho rằng đó chẳng khác nào hành vi quấy rối tình dục trên sóng truyền hình, là hành vi coi thường phụ nữ.
Cũng có những ý kiến cho rằng đây có thể chỉ là kịch bản được dựng sẵn cho một show truyền hình nhằm tạo "drama" hút khách thôi, vị shark nọ hay bất kỳ ai tham gia show truyền hình đều nhận một "vai" của họ, và họ đang làm tròn vai.
Cứ cho là như vậy, nhưng cái chúng ta cần bàn tới là tại sao nhất thiết phải mang phụ nữ, ngoại hình phụ nữ ra làm yếu tố "câu view" (hút người xem) và tạo "drama" (kịch tính).
Thật ra lâu nay, không chỉ trong mỗi show truyền hình vừa diễn ra đang bị dân tình la ó, chúng ta rất thường thấy hình ảnh phụ nữ bị mang ra làm yếu tố "câu" người xem, hứng lượt xem.
Trong các quảng cáo, nếu liên quan đến làm việc nhà, rửa bát, nấu ăn, chăm chồng, chăm con… nhất định là gắn với hình ảnh phụ nữ (chẳng mấy khi thấy đàn ông rửa bát nấu cơm, chăm vợ… lên sóng cả).
Truyền thông đầy rẫy hình ảnh những cô người mẫu phơi thân, khoe nội y, hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp được làm nổi bật nhất những phần cơ thể nhạy cảm để quảng bá cho một sản phẩm có thể chẳng hề liên quan. Chuyện phụ nữ "bị" khen xinh trong môi trường công việc chứ không phải khen về năng lực, chuyên môn thì ôi thôi quá nhiều.
Tôi có một cô bạn người Pháp. Cũng lâu rồi, trong một chuyến công tác tới Việt Nam cô ấy bảo tôi: "Ở đất nước của mày, người ta hay khen nhau xinh, khen nhau mặc một chiếc váy đẹp, dáng đẹp… thật đấy".
Cô ấy nghe được trong môi trường công sở mọi người nói, bàn tán về ngoại hình của phụ nữ rất nhiều. Đàn ông cũng bàn tán cô này cô kia mông cong ngực bự.
Ở đất nước của cô ấy, mọi người ít bàn tán về ngoại hình, người này có tóc mới, người kia có áo mới, họ chẳng bao giờ quan tâm. Mọi người không có áp lực về việc mình quá gầy hay quá béo, trong môi trường công việc họ chỉ tập trung vào chuyên môn và ăn mặc theo dress code (quy tắc ăn mặc trong môi trường công sở).
Nếu một người phụ nữ được (bị) đối tác ngợi khen về ngoại hình, có thể cô ấy sẽ cảm thấy như vậy là một sự xúc phạm, và có thể cô ấy sẽ nói thẳng: "Cảm ơn, nhưng tôi hy vọng lời khen tiếp đây và về sau anh sẽ chỉ dành cho năng lực của tôi".
Nhìn lại chúng ta, câu chuyện nữ quyền, bình đẳng giới lâu nay không phải chúng ta bỏ quên hay ngừng đấu tranh, nhưng dường như chúng ta đang mải mê đấu tranh cho cái gì đó quá to tát. Còn có những thứ rất nhỏ vẫn ăn sâu vào tiềm thức thì chúng ta có lẽ chưa "sờ" tới để thay đổi. Như câu chuyện vị shark khen nữ CEO xinh đẹp, chốt rót vốn chỉ vì "xanh, sạch, xinh", có thể có ai đó sẽ thấy như vậy là bình thường, nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng tư duy bạn cần thay đổi.
Là phụ nữ, tôi tin rằng được khen xinh chúng tôi rất thích, chỉ là, lời khen ấy cần được đưa ra đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm. Nếu đang là chuyện công việc, xin hãy chỉ tập trung vào năng lực của chúng tôi thôi, mọi lời bình phẩm về ngoại hình khi đó, tôi cho rằng đều có phần khiếm nhã.