Hiểm nguy rình rập những 'chuồng cọp' ở các khu tập thể cũ
Gia đình - Ngày đăng : 15:09, 07/04/2021
Ghi nhận tại nhiều khu vực ở Hà Nội như Thanh Xuân, Ba Đình, Hai Bà Trưng… không khó để bắt gặp những khu tập thể cũ đang từng ngày xuống cấp, điều đáng nói, những hộ dân sống trong các khu tập thể này thường cơi nới, tạo ra các "chuồng cọp" để tăng thêm phần diện tích sử dụng.
Hầu hết, "chuồng cọp" ở các khu tập thể cũ được làm từ những vật liệu như: rào sắt, thanh ngang, tấm tôn lợp kiên cố để đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy nhiên, đa phần các gia đình đều chủ quan khi thiết kế "chuồng cọp", thường làm kiên cố theo kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để đề phòng trộm cắp, mà không lưu ý tới ô thoát hiểm khi có cháy nổ.
Trong khi đó, tại các khu tập thể cũ, kết cấu cầu thang đều khá chật hẹp, sẽ khó để nhiều người chạy thoát nạn cùng lúc, hệ thống PCCC tại các khu tập thể này cũng không có hoặc không đảm bảo.
Không ít những vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra, điển hình nhất là vụ cháy xảy ra vào tháng 7/2017 trên địa quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), khiến hai người chết cũng bởi ban công đã bị bịt bằng lồng sắt, không có cửa thoát hiểm.
Mới đây nhất là vụ cháy tại một ngôi nhà trên đường Tôn Đức Thắng, khiến 4 người trong một gia đình tử vong, căn nhà chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa chính, phía trên được hàn sắt kiên cố.
Chia sẻ với chúng tôi, Ông Trịnh Đình Thảo (66 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở khu tập thể cũ đã ngoài 20 năm, khi về sinh sống ông cũng như bao gia đình khác đã cơi nới thêm diện tích ở tầng trên để có thêm không gian sống.
"Thật ra thì mấy năm nay gia đình tôi mới làm ô thoát hiểm, chứ trước kia không làm đâu, do ở tầng 1 gia đình tôi làm kinh doanh, nên tôi đã làm phía trên để đề phòng xảy ra sự cố", ông Thảo nói.
Việc các gia đình sử dụng vật liệu để gia cố vào cửa sổ, ban công… mà không để ô thoát hiểm, khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng cũng rất khó tiếp cận. Không ít các vụ cháy xảy ra, lực lượng PCCC phải rất nhiều thời gian mới có thể phá "chuồng cọp", từ đó dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ bị chậm, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Còn bà Thảo (ở khu tập thể trên đường Trung Kính) cho biết, hiện tại gia đình bà chưa có ô thoát hiểm, tuy nhiên trong một vài ngày tới bà sẽ thuê thợ tới làm, vì đã rất nhiều trường hợp cháy nổ xảy ra khiến bà lo ngại.
"Giờ không thể chủ quan nữa, trước thì sợ an ninh không đảm bảo, nhưng theo tôi tính mạng vẫn là trên hết, trong mấy hôm tới tôi phải làm ngay để đề phòng sự cố".