Ký ức Tết tại Thái Bình quê tôi…

Gia đình - Ngày đăng : 08:00, 13/02/2021

Việt BáoBao năm nay với tôi thì Thái Bình đẹp nhất vào mùa Tết. Mùa Tết ở Thái Bình là những buổi sáng trời se se lạnh, sớm tinh mơ đã nghe tiếng vịt quàng quạc dưới ao, hàng xóm hối hả gọi nhau đi chợ Tết....

Đôi khi ra đường, bạn còn thấy vài hạt mưa lất phất trên má tự nhiên khiến tôi như bao dung hơn với tất cả mọi thứ. Tôi nhìn cuộc đời đẹp hơn, chiếc lá rụng cũng thấy đẹp, thấy đáng yêu.

Thái Bình nơi tôi sinh ra mà người ta hay gọi bằng cái tên thân thương là Thái Bình quê lúa. Người quê tôi trồng lúa theo hai vụ là vụ mùa và vụ chiêm.

Vì thế, cứ chuẩn bị Tết là người dân quê tôi lấy bùn, gieo mạ đầy sân. Ký ức về Tết của tôi là những luống mạ non mẹ gieo xanh ngắt giữa sân. Mẹ bảo, ăn Tết xong thời tiết đẹp nhất để cấy mạ xuống đồng…

Người ta hay nói về quê ăn Tết. Ngày bé tôi hỏi mẹ tại sao lại có  “ăn Tết”. Mẹ bảo ngày xưa thế hệ của mẹ còn đói nghèo. Cái ăn được quan tâm trước tiên vì quanh năm đã ăn đói, mặc rách, quanh năm “đầu tắt mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn đói vẫn nghèo, muốn để năm sau khá hơn thì phải lo cho ngày tết đủ ăn, ngày tết không thể đi mượn.

Ảnh minh họa: Internet

Những gia đình có “bát ăn bát để” cố gắng đụng lấy một quày thịt lợn để con cháu có lòng lợn, tiết canh ăn trong ngày 29 hoặc 30 tết vì cả năm chẳng bao giờ có. Đó là lí do người quê tôi hay có câu “ăn Tết”.

Một số làng, một số họ ở Thái Bình quê tôi còn có lệ ngày mồng một tết, con cháu ngành thứ sắp một mâm cỗ đến nhà trưởng nam cúng tổ tiên rồi cùng ăn tết hoặc sắm lễ (trầu cau, xôi, gà, rượu…) đến dâng lễ.

Họ Đỗ làng Hậu thượng xã Bạch Đằng huyện Đông Hưng ở Thái Bình quê tôi tuy không ghi chép thành văn nhưng có lệ, ngày tết người trong họ chỉ cần quả cau, lá trầu đến chúc tết nhau, việc ăn uống không diễn ra trong ba, bốn ngày tết mà từ mồng mười tháng giêng trở ra… cho đến cuối tháng giêng, lần lượt các gia đình trong họ mời nhau đến ăn tết.

Ngày tết cũng là dịp mừng thọ các cụ cao tuổi, nhiều làng có lệ lên lão, lệ yến lão, con cháu làm cỗ mời các cụ cao tuổi dự để con cháu có dịp chúc mừng. Ngày xưa tuổi thọ thấp nên 55  60 tuổi đã được lên lão, mừng thọ.

Tục lệ làng La Vân (xã Quỳnh Hồng huyện Quỳnh Phụ) ghi: “Lệ thượng thọ,  hễ ai tuổi 58 thì lên thượng thọ, người giàu có thì trâu hoặc bò và một mâm bánh trôi, còn người nghèo thì xôi, gà, để tế thần, biếu dân”. (Tục lệ soạn năm Đồng Khánh thứ hai (1887).

Ngày xưa  người dân không chỉ lo ăn tết mà còn nghĩ đến cả yếu tố văn hoá, vui chơi trong tết. Sau những ngày ăn tết no say thì nghĩ đến chơi tết vì quan niệm tháng giêng là tháng ăn chơi, nên thường tổ chức càc trò chơi trong các ngày tết, tổ chức hội làng trong tháng giêng.

Nhiều hội làng cả vùng đến dự như họi chùa Keo mồng bốn tháng giêng, hội đền Vua Rộc (Kiến Xương) hội làng Giắng (Thượng Liệt) Đông Tân - Đông Hưng; hội chùa Múa, hội Lạng (Vũ Thư); hội làng La Vân (Quỳnh Phụ), đây là một làng duy nhất ở Thái Bình còn giữ được hội trình nghề: sĩ, nông, công, thương.

Ngày Tết nguyên đán không chỉ có ăn uống, vui chơi mà còn là ngày sum họp của mỗi gia đình, là ngày hướng về cội nguồn… Những người đi làm ăn xa, ngày Tết về nhà, về làng ăn tết, họp mặt, thưởng ngoạn phong cảnh làng quê…

Minh An