Gia đình - nơi nương tựa an toàn cho trẻ
Gia đình - Ngày đăng : 05:30, 17/12/2020
“Lỗi tại con…”
Suốt ba năm phổ thông, N.M.Q. (Q.10, TP.HCM) bị các bạn gắn cho cái mác “tự kỷ”, vì em
Bảo vệ con cái không có nghĩa là luôn bênh vực con, làm thay cho con mọi việc, hay giải quyết mọi vấn đề lớn nhỏ con gặp phải, mà là dạy cho trẻ biết phải trái, đúng sai, biết yêu thương, tôn trọng và bảo vệ chính mình. |
không bao giờ trò chuyện với ai trong lớp. Bất kể giờ học, giờ ăn hay ra chơi, Q. đều lầm lũi một mình. Khi giáo viên gọi lên trả bài, em run lẩy bẩy. Thay vì đứng nhìn về phía lớp, Q. luôn xin phép giáo viên cho em quay mặt lên bảng. Em cũng không dám phát biểu hay thuyết trình trước lớp. Mặc dù vậy, những bài kiểm tra của em luôn đạt điểm khá, giỏi. Có lẽ vì vậy mà Q. càng được thầy cô, bạn bè chú ý.
Chuyện của Q. bắt đầu khi em vào lớp Một. Q. kể, em thuận tay trái nhưng cô giáo yêu cầu em phải viết tay phải. Vì vậy, mỗi ngày đến trường, trong khi các bạn tập trung học bài, thì em cặm cụi rèn từng nét chữ bằng tay phải. Mải mê rèn chữ, em không theo kịp bài giảng thì bị cô giáo mắng là “học dốt”, “chậm phát triển”. Em viết tay phải không quen nên thường xuyên chép bài không kịp, mỗi lần như vậy, em đều bị cô lấy thước đánh vào lòng bàn tay… Cô giáo còn mang cả nét chữ của em ra mỉa mai, cười nhạo trước lớp.
Ký ức Q. không bao giờ quên được là lần cô giáo bắt em lên bảng đọc bài. Cô cho rằng em đọc nhỏ và bắt em phải đọc to lên. Khi em đọc to thì cô tát thẳng vào mặt em, mắng em là hỗn. Em đã bật khóc nức nở vì không hiểu tại sao mình làm theo yêu cầu của cô thì lại bị đánh…
Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện này, Q. vẫn không hiểu vì sao hôm đó cô giáo lại đánh em. Dần dà em không còn dám phát biểu trước lớp, kể cả những lúc biết câu trả lời, Q. cũng không dám xung phong.
Khi em chia sẻ với gia đình về hành vi bạo lực của giáo viên, thì gia đình cũng không bảo vệ em. “Mẹ không hỏi em tại sao hoặc an ủi em một câu nào, mà cho rằng chắc em phải làm gì đó sai thì cô giáo mới đánh” - Q. chia sẻ. Và đó là câu nói mà cho đến bây giờ Q. vẫn ghi nhớ. Nó đóng khung thành nhận thức và ăn sâu vào trong tiềm thức của em. Q. luôn nghĩ rằng “người lớn luôn luôn đúng”, hoặc “tại mình có lỗi nên người khác mới đối xử như thế”. Vì vậy, từ đó đến nay, khi xảy ra bất kỳ việc gì, không cần biết lý do, Q. đều đổ lỗi cho mình trước.
Nền tảng tâm lý của Q., ngay từ những viên gạch đầu tiên đã được xây bằng những tổn thương cả tinh thần lẫn thể chất, bởi thiếu sự quan tâm, thấu hiểu và nâng đỡ từ gia đình. Mẹ và cô giáo - hai người lớn lại đứng về cùng một chiến tuyến, để đứa trẻ phải trơ trọi một mình. Trong khi ở độ tuổi đó, đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ, cách giáo dục của người lớn. Trẻ tin tuyệt đối vào những gì ba mẹ và thầy cô nói và thực hiện, bởi nhận thức của trẻ chưa đủ để nhận ra sự bất công, mâu thuẫn… Từ đó, dẫn đến việc trẻ dễ đóng khung lời nói của cha mẹ, thầy cô thành giá trị mà bản thân phải học hỏi và tuân thủ.
Khi người khác nhìn bản thân đứa trẻ không có giá trị, thì đứa trẻ cũng không thể nhìn bản thân mình tốt hơn. Chính vì vậy Q. luôn có cái nhìn rất tiêu cực về mình. Điều này cũng có thể lý giải vì sao cho đến bây giờ, Q. rất sợ khi phải đứng trước lớp. Mỗi lần như thế là mỗi lần Q. bị tái chấn thương bởi những cảm giác xấu hổ, đau đớn mà em từng trải qua.
Hành xử của gia đình thuở ấu thơ có thể ảnh hưởng đến cách đứa trẻ nhìn nhận về bản thân - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock |
Tương tự như Q., em L.T.K. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng gặp hai vấn đề lớn là không thể chủ động bắt chuyện với người khác và rất sợ nói trước đám đông. Khi chia sẻ về những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, K. lại thở dài: “Em chỉ nhớ những lời cô giáo mắng em là “dốt”, còn lôi ba mẹ em ra so sánh “cha làm thầy con đốt sách”. Bạn bè cũng cười ngạo em là “thằng Down”. Trong khi đó, ba mẹ lại không hề bảo vệ em, mà chỉ nói “cô la con chắc chắn là có lý do”.
Cho đến bây giờ, K. vẫn luôn nghĩ mình là đứa trẻ ngu đần, dù em vừa đậu vào một trường đại học thuộc top đầu cả nước. Trong suốt buổi hội thoại, mặc dù chia sẻ những câu chuyện từng khiến mình tổn thương sâu sắc, nhưng gương mặt K. vẫn không hề thay đổi cảm xúc, đôi mắt ráo hoảnh. K. chia sẻ, bản thân em không nhận thấy mình có cảm xúc gì cả. Lâu rồi em không biết cảm giác buồn vui là gì, nhiều lúc em bất lực, muốn khóc mà không khóc được. Em thấy mình như vô cảm…
Cha mẹ là người dẫn đường…
N.N.C. (lớp 11, Q.3, TP.HCM) thì vướng vào rắc rối liên quan đến chuyện tình cảm. C. và bạn trai lớp kế bên thích nhau. Trước đó, bạn trai này từng thích bạn thân của em, nên C. bị các bạn gọi là “Tuesday”. Chuyện của C. nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán. Các bạn còn xì xầm kêu gọi “tẩy chay” em. Không chỉ cô lập C. trong lớp, các bạn còn đồn đại ra khắp cả trường để mọi người ghét C., khiến em bị sốc đến mức muốn nghỉ học.
Khi biết chuyện của con gái, ba mẹ C. chỉ an ủi và phân tích sự việc cho con hiểu. Gia đình còn khuyên C. chuyển trường để tránh áp lực làm ảnh hưởng đến việc học của con. C. kể, khi bị bạn bè “tẩy chay”, em cảm thấy rất tồi tệ, nên khi ba mẹ gợi ý chuyển trường, em lập tức nhận ra đó là giải pháp tốt nhất trong hiện tại. “Nhưng bà nội em lại bảo, nếu con chuyển trường, tức là chạy trốn, sau này gặp khó khăn, thử thách, thay vì đối mặt để giải quyết và vượt qua, con cũng sẽ lại chạy trốn mà thôi. Người chạy trốn là người thất bại” - C. chia sẻ. Em may mắn có được một gia đình thấu hiểu, tin tưởng và ủng hộ. Nhờ sự động viên và nâng đỡ của gia đình, cùng với việc thầy cô giúp em lấy lại cân bằng, mà C. đã không phải chuyển trường.
Trong thế giới của trẻ, gia đình và trường học là hai môi trường quan trọng nhất giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách. Đồng thời cũng là nơi để trẻ chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Khi gặp một biến cố nào đó trong gia đình, đứa trẻ sẽ tìm đến thầy cô, bạn bè với hy vọng tìm kiếm sự động viên, an ủi. Ngược lại, nếu ở trường học không may xảy ra mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, trẻ sẽ quay về gia đình mong nhận được sự nâng đỡ và bảo vệ từ cha mẹ, người thân. Vì vậy, đối với trẻ, việc không tìm thấy sự liên kết, cảm giác an toàn trong cả hai môi trường này, sẽ khiến trẻ cảm thấy bất an và vô cùng sợ hãi… Lâu dài có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển lành mạnh của trẻ.
Bảo vệ con cái không có nghĩa là luôn bênh vực con, làm thay cho con mọi việc, hay giải quyết mọi vấn đề lớn nhỏ con gặp phải, mà là dạy cho trẻ biết phải trái, đúng sai, biết yêu thương, tôn trọng và bảo vệ chính mình. Khi trẻ không được giải quyết những vấn đề của mình, trẻ sẽ mất đi cơ hội học hỏi kinh nghiệm, từ đó mất đi trải nghiệm thành công đến từ việc vượt qua rủi ro, mất đi cả sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề của bản thân.
Trẻ cần cha mẹ như một người dẫn đường chứ không phải là người ra quyết định. Trẻ cũng cần cha mẹ bảo vệ và đồng hành trên cơ sở lắng nghe, tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ và lựa chọn của mình. Chỉ khi cha mẹ biết trân trọng và công nhận giá trị của con, thì con mới biết trân trọng và đánh giá cao hình ảnh của bản thân chúng.