Sốc khi đọc Facebook của con

Gia đình - Ngày đăng : 07:49, 21/09/2020

Đọc Facebook của con, em thực sự bị sốc. Trên mạng, hai con đều nói tục bất kể nội dung.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em có hai con, một bé lớp Sáu, một bé lớp 11. Em dành hết công sức để nuôi dạy con, chăm con từng chút. Vậy mà bây giờ em thấy sao con em không giống tính cách của em.

Cả hai bé, nhất là bé sau mới vào cấp II đã bắt đầu nhiễm tật ăn nói thô lỗ, thậm chí còn nói tục. Con chưa dám văng tục công khai trong nhà, nhưng mấy lần vô tình nghe con nói chuyện với bạn bè, em thấy lo. Đến lúc đọc Facebook của con, em thực sự bị sốc.

Trên mạng, hai con đều nói tục bất kể nội dung. Em đã suy nghĩ thử xem nguyên nhân vì sao, có phải vì các con em đã tiếp xúc với những người xấu mà em không biết.

Có một chuyện làm em thấy áy náy, là chồng em cũng thuộc loại nói năng hay văng tục. Cũng vì nghề của chồng em là sửa xe máy, thợ sửa xe thì tay dầu tay mỡ đen thui quanh năm suốt tháng, lâu ngày thành tật ăn nói rất thô lỗ nhưng thực chất chồng em không phải là người xấu, ảnh chỉ cộc cằn ngoài miệng vậy thôi.

Mà tiệm sửa xe của chồng em thuê cách nhà em gần cây số, sáng sớm chồng em đã ra tiệm, tối khuya mới về, ảnh hưởng của chồng em đến hai con chắc cũng không đến nỗi.

Em không biết làm sao với việc này. Nghe con nói chuyện kiểu đó, em sợ rằng nếu để lâu, con em sẽ thành tật. Em nghe con nói mà còn không chịu nổi, huống gì người khác…

Phương Anh (TP.HCM)

Uốn nắn lời ăn tiếng nói của con là việc không dễ. Ảnh minh họa
Uốn nắn lời ăn tiếng nói của con là việc không dễ. Ảnh minh họa

Em Phương Anh thân mến, 

Thực sự các bạn trẻ bây giờ có thói quen chêm tiếng lóng, tiếng tục vào lời lẽ của mình trên Facebook. Hiện tượng này phổ biến đến mức nhiều bạn dù không nói tục nhưng nghe người khác nói với mình bằng lời tục tĩu cũng xem đó là chuyện bình thường. Lâu dần thành quen, các bạn chấp nhận.

Nguy hại hơn, khi không chêm tiếng lóng, văng tục, một số bạn cho rằng như vậy không “cool”, không ngầu, phải chêm vô mới đúng kiểu. Chuyện dễ dàng lan từ môi trường mạng sang môi trường thực, chỉ là sớm muộn mà thôi. Ở gia đình em, còn là chuyện của chồng em nữa. Kiểu nói năng của chồng em như em kể cũng là một kiểu “lờn” đi, thành thói quen rồi bản thân em cũng chấp nhận.

Muốn thay đổi, một mình em cố gắng thôi thì không thể. Với trường hợp nhà em, vai trò của người cha trong gia đình có tính quyết định. Em hãy nói chuyện với chồng, không phải chỉ trích anh nói năng thô lỗ, mà để kể lại chuyện các con và hỏi ý kiến của chồng. Nếu chồng em cũng thống nhất rằng phải dạy các con tránh xa tật xấu đó, chồng em sẽ là “người thầy” hiệu quả nhất đối với các con em.

Chồng em có thể bắt đầu nói chuyện với các con, những bài học rất thực tế, rằng lời ăn tiếng nói tác động đến con người như thế nào, những thói quen xấu ăn sâu vào con người và khó bỏ như thế nào. Cha mẹ mong muốn nuôi con nên người, tạo điều kiện cho con ăn học và tránh những tật xấu mà bản thân mình đã mắc phải.

Đừng ngại ngần, cứ nói thẳng với các con sẽ tốt hơn. Và hãy để chồng em bắt đầu câu chuyện với các con, vì nếu chỉ có em đơn độc khởi xướng chuyện này, có khả năng cả ba cha con bị dồn về một phía, chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Trẻ em có khi sử dụng những khái niệm mà bản thân chúng chưa hiểu hết. Đó cũng là lý do vì sao chúng dễ bị lây bệnh nói tục, chửi thề. Thường những lời thô lỗ có nghĩa rất nặng, làm tổn thương người khác nhưng trẻ chưa biết hết ý nghĩa đó, cứ sử dụng như một thói quen. Cần kiên nhẫn với các con, từ từ giải thích cho các con hiểu. Khi có ý thức đầy đủ hơn về lời nói của mình, các con sẽ biết cân nhắc, chọn lời lẽ. Chúc em thành công.

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Linh Đan (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Tôi chọn cách làm gương cho con

Tôi cũng phải thừa nhận với bạn là thời buổi này con trẻ nói tục ghê gớm. Đôi lúc tôi nghe và giật mình, thậm chí hốt hoảng luôn bạn ạ. Con tôi đã khiến tôi bật khóc biết bao nhiêu lần khi nhìn thấy con tương tác với bạn bè trên mạng xã hội. Tôi hiểu ở thế giới phẳng này, người ta bị ảnh hưởng nhau rất dễ dàng. Thấy bạn làm mình làm theo. Thấy bạn nói mình nói theo. Cứ thế, những hành vi của bọn trẻ tác động đến nhau nhanh vô cùng.

Khi biết điều này, chồng tôi khăng khăng cắt đứt mọi quan hệ của con. Anh quyết định tịch thu điện thoại, cắt mọi tương tác xã hội giữa con với bạn bè. Nhưng tôi e rằng điều đó không đúng, vì như thế chỉ khiến con muốn thoát ly khỏi gia đình càng nhanh. Tôi chọn giải pháp khác. Tôi làm gương cho con.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình chỉn chu lời ăn tiếng nói, cả trong từ ngữ sử dụng khi không hài lòng về con cũng phải đàng hoàng. Khi tương tác xã hội, tôi không bỡn cợt nữa. Cứ vậy, tôi dần trở thành một người mẹ nghiêm túc và đầy tích cực để con nhìn thấy mà đi đúng đường. Khi đi cùng con, tôi thường kể con nghe về những tấm gương.

Mỗi lần gặp ai giỏi giang tôi lại mang con theo để con thấy được điều hay ho từ những người đó mà học. Tôi không muốn con biết rằng tôi vẫn luôn theo dõi con trên mạng xã hội, thậm chí “hack” máy tính con để đọc hết những lời riêng tư đó. Tôi chỉ muốn con phân biệt được lời tốt xấu mà hạn chế dần đi. Thật may, kết quả rất khả quan.

Phạm Thủy (Q.1, TP.HCM): Hãy cố hết sức!

Con cái đến tuổi tiếp xúc nhiều với bên ngoài, quả thật đây cũng là điều tôi luôn cảm thấy trăn trở. Với sự phát triển và không ngừng bành trướng của mạng xã hội, ai cũng cố để tạo “nét” cho mình, thì gần như chẳng cách gì để ngăn chặn con mình tiếp cận. Chỉ là cố hết sức thôi bạn à. Bạn có thể tham khảo các kinh nghiệm của tôi:

- Trò chuyện, khuyên nhủ, hướng con đến cách nói chuyện, ứng xử văn minh. 
- Mình làm gương cho con trong mọi mặt. 
- Chồng làm nghĩa vụ răn đe cứng rắn với con.

- Bà ngoại là người thủ thỉ to nhỏ với con mỗi ngày. 
- Quy định giờ sinh hoạt cho con: học bài, đọc sách Hạt giống tâm hồn và chơi cờ vua.

- Quy định thời gian online không quá 30 phút mỗi tối. 
- Biết mặt và hỏi han bạn bè của con, thậm chí là gia đình của bạn để có thể cùng nhau phối hợp.

.