Từ vụ mẹ tự tử cùng con: Đừng tước đoạt mạng sống của những đứa trẻ!

Gia đình - Ngày đăng : 13:51, 07/05/2020

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng, nhưng bất luận thế nào, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm quá nhẫn tâm và vi phạm pháp luật.

Tối qua, tại Hòa Bình đã xảy ra vụ việc đau lòng, người mẹ do mâu thuẫn gia đình đã mang theo 3 con nhỏ (một cháu bé 5 tuổi, một cháu 2 tuổi và một bé khoảng 5 tháng tuổi) nhảy xuống suối nhỏ thuộc sông Bôi qua địa bàn xóm Bản Dao, xã Hùng Sơn tự tử. Hậu quả cả 4 mẹ con thiệt mạng.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc đau lòng như vậy, mà thời gian qua có nhiều vụ cha mẹ do mâu thuẫn gia đình hay vì một lý do nào đó, khi chết đã bắt con nhỏ phải chết cùng.

Cách đây không lâu, vào đầu tháng 11, một người mẹ tên T ở Hải Phòng cũng do mâu thuẫn gia đình đã đèo 2 con trai (sinh năm 2009 và 2015) bằng xe máy nói đi mua quần áo cho con. Người mẹ này đi về hướng đầu huyện Tiên Lãng, lên cầu cho hai đứa con ăn cháo. Sau đó, chị T ôm hai đứa con nhảy cầu.

tu vu me tu tu cung con: dung tuoc doat mang song cua nhung dua tre! hinh 1
Tìm kiếm thi thể 2 mẹ con trong vụ mẹ ôm con nhảy sông ở  xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cách đây vài năm

Còn trước đó, dư luận không khỏi bàng hoàng khi một người mẹ trẻ ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã dìm chết đứa con vào chậu nước thẳng tay dìm con mình trong chậu nước cho đến khi tử vong. Hay vụ mẹ treo cổ chết cùng con trong nhà vệ sinh ở Bình Thuận vì mâu thuẫn với chồng…

Thực sự, sau mỗi vụ việc như vậy, dư luận không khỏi bàng hoàng và day dứt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng trên, nhưng bất luận như thế nào, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm quá nhẫn tâm và vi phạm pháp luật.

Người lớn có thể đưa ra hàng trăm ngàn lý do để biện minh cho hành động của mình, nào là mình chết đi không có ai chăm sóc con nên không muốn con khổ, nào là không muốn những đứa trẻ khi lớn lên phải sống trong mặc cảm khi có bố mẹ như vậy, tự tử là cách để con khỏi bơ vơ, không có chỗ nương tựa khi bố/mẹ không còn, thậm chí có người có có suy nghĩ đó là cách để trả thù khi đối phương đã đối xử tệ bạc với mình… nhưng bất cứ lý do gì, hành động của họ cũng thực sự nhẫn tâm và đáng trách nhiều hơn đáng thương.

Ở góc độ pháp luật, hành động của họ là vi phạm pháp luật vì tước đi mạng sống của người khác, đau lòng hơn lại là đứa con họ dứt ruột đẻ ra. Pháp luật cũng đã có quy định rõ khung hình phạt cho những hành động nông nổi, tội lội.

Và thực tế, cũng đã có nhiều người khi thực hiện hành vi không thành, họ đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng đáng sợ hơn là bản án lương tâm đeo đẳng họ suốt cả đời khi phải sống trong ám ảnh về cái chết của những đứa con.

Với mỗi gia đình, những đứa trẻ không chỉ là hạnh phúc mà còn là cả niềm hy vọng, tương lai của cha mẹ và đại gia đình. Với bản năng của con người, cha mẹ luôn dành cho con tất cả mọi yêu thương và những gì tốt nhất có thể. Thậm chí có những người mẹ đã hy sinh mạng sống của mình để cho những đứa con được chào đời.

Nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện của nữ chiến sỹ công an bị ung thư giai đoạn cuối, khi biết tin mình có thai, mặc dù được bác sỹ và gia đình khuyên can nên bỏ cái thai để kéo dài sự sống cho người mẹ, nhưng cô đã nhất định giữ lại. Không lâu sau ngày đứa trẻ chào đời cũng là ngày nữ chiến sỹ công an phải từ giã cuộc sống vì cô đã chấp nhận mạo hiểm, đánh đổi mạng sống để sinh con.

Hay câu chuyện của mẹ con bé Bình An cũng từng làm rất nhiều người cảm động. Người mẹ ung thư gia đoạn cuối, phải thở máy thở những vẫn chấp nhận mạo hiểm để sinh con, kể cả khi bác sỹ cảnh báo hành động của cô có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình. Tình mẫu tử bao giờ cũng thiêng liêng, cao cả. Người mẹ đó đã vượt lên tất cả để sinh con. Và cô may mắn hơn người mẹ công an kia là đến nay, sau gần 2 năm, cô vẫn được đồng hành nhìn con khôn lớn mỗi ngày.

Vậy mà, thật đáng buồn khi vẫn có những sự việc đau lòng xảy ra khi những người mẹ, người bố vì mâu thuẫn gia đình hay vì một lý do nào đó đã kết liễu đời mình và tước đoạt mạng sống những núm ruột của chính mình.

Họ ra đi, để lại nỗi đau không những cho người thân, gia đình họ mà còn là sự day dứt của cả xã hội. Day dứt bởi sự nông nổi, thiếu suy nghĩ của những người làm cha làm mẹ khi họ quyết định sinh ra những đứa con nhưng lại thiếu đi trách nhiệm làm cha mẹ.

Day dứt bởi sự ích kỷ của người lớn khi chỉ nghĩ đến bản thân, sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì cái tôi cá nhân mà không nghĩ đến những đứa con. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, họ dễ dàng chấm dứt cuộc sống của mình và tước đoạt cả mạng sống của con cái.

Day dứt bởi sự thiếu quan tâm đến nhau từ những người thân trong gia đình để mâu thuẫn tích tụ từ bé trở thành lớn và không thể hóa giải? Kể cả khi nguyên nhân bắt đầu từ đâu nhưng gia đình, người thân chắc chắn sẽ không khỏi day dứt khi con, cháu mình chọn giải pháp dại dột như vậy.

Dù có bất cứ lý do gì thì trước hết mỗi người làm cha, làm mẹ khi đã cho những đứa trẻ cơ hội có mặt trên đời, thì phải có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy chúng.

Đó không chỉ là thực hiện đạo lý ngàn đời mà còn là pháp lý của con người.

Tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015:

Điều 123. Tội giết người

1, Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

2, Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3, Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.